Nguồn đạn dược vô tận của IS

Các lái súng ở Syria hoạt động nhộn nhịp để cung cấp nguồn đạn dược vô tận cho IS, nhằm thu về lợi nhuận khổng lồ từ những hợp đồng đẫm máu.

nguồn đạn của IS

Phiến quân IS luôn có nguồn cung đạn dược không bao giờ cạn từ các lái súng ở Syria. Ảnh: DefenseNews

Là một tay buôn vũ khí có máu mặt với lực lượng nổi dậy chống Nhà nước Hồi giáo (IS) ở quê nhà phía bắc Syria, Abu Ali chắc rằng số phận của mình chỉ còn tính bằng ngày, khi hai tên chỉ huy phiến quân bước ra khỏi xe đi về phía ông hồi năm ngoái.

Nhưng ông hoàn toàn bất ngờ khi chúng đưa cho ông một tờ giấy có đóng dấu của “Trung ương Mosul” với dòng chữ “Người này được phép mua bán tất cả các loại vũ khí bên trong lãnh thổ Nhà nước Hồi giáo”, Abu Ali nhớ lại.

Thay vì bị giam giữ hoặc trục xuất như từng lo sợ khi IS tràn vào miền đông Syria năm ngoái, rất nhiều thương gia ở thị trường chợ đen như Abu Ali được IS lôi kéo tham gia vào đường dây cung cấp đạn dược cho nhóm khủng bố giàu nhất thế giới này.

“Chúng mua sắm vũ khí điên cuồng ở mọi thời điểm trong ngày, từ sáng cho đến tối”, đầu nậu buôn bán vũ khí sử dụng tên giả để che giấu tung tích này, nói với phóng viên Financial Times.

IS thu được một lượng vũ khí trị giá hàng trăm triệu USD, trong đó có nhiều vũ khí hiện đại do Mỹ sản xuất, khi chúng chiếm Mosul, thành phố lớn thứ hai ở Iraq, vào mùa hè năm 2014. Mỗi lần chiếm được một mục tiêu mới, kho vũ khí của chúng càng nhiều lên, gồm các xe tăng Abrams của Mỹ, súng trường M16, súng phóng lựu MK-19 40 mm thu được từ quân đội Iraq và cả pháo M-46 130mm do Nga cung cấp cho quân đội Syria.

Tuy nhiên, các tay lái súng cho biết có một thứ mà IS vẫn luôn cần đến: đạn dược. Những thứ chúng cần nhiều nhất là đạn cho súng AK, súng đại liên, và súng máy phòng không 12,7 mm hay 14,5 mm. IS cũng mua đạn súng phóng lựu và đạn bắn tỉa nhưng với số lượng nhỏ hơn.

Theo ước tính của các nhà buôn đặc biệt này, trong các cuộc giao tranh ở mặt trận gần thành phố miền đông Deir Ezzor hồi đầu năm, IS đã chi ra ít nhất một triệu USD tiền mua đạn dược mỗi tháng. Một cuộc tấn công kéo dài cả tuần trong tháng 12 vào một sân bay gần đó cũng đã ngốn của IS một lượng đạn trị giá một triệu USD nữa.

Nhu cầu vũ khí đạn dược của IS phản ánh chiến thuật tác chiến cơ bản của chúng: ngoài dùng bom xe, đai bom tự sát và các thiết bị nổ cải tiến, IS sẵn sàng bắn như vãi đạn cả khi tiến công và rút lui. Với cường độ tác chiến cao, chủ yếu là sử dụng súng AK và súng máy gắn trên xe tải, phiến quân IS có thể bắn tới hàng chục ngàn viên đạn mỗi ngày, buộc IS phải điều xe tải chở đạn đi tiếp tế cho các mặt trận hàng ngày.

Để đảm bảo cho việc tiếp tế này, IS điều hành một chiến dịch hậu cần phức tạp mà theo lời các phiến quân nó quan trọng đến mức cần phải có sự giám sát trực tiếp của một thành viên hội đồng quân sự cấp cao của IS. Việc này tương tự như cách chúng kiểm soát giao dịch dầu mỏ vốn là nguồn doanh thu chủ yếu của IS.

Nguồn cung không bao giờ cạn

Nguồn đạn dược gần như vô tận cho IS lại đến từ chính những đối thủ của phiến quân. Các lực lượng dân quân thân chính phủ ở Iraq bán vũ khí đạn dược cho các thương gia ở thị trường chợ đen, sau đó những người này bán lại cho IS.

Trong cuộc chiến ba bên giữa quân đội chính phủ Syria, phe nổi dậy và phiến quân IS, các tay buôn vũ khí Syria đóng vai trò rất quan trọng. Trong khi Abu Ali bỏ trốn khi bị IS yêu cầu tham gia đường dây, Abu Omar, một cựu thương gia chợ đen ngoài 60 tuổi, lập tức nhảy vào buôn bán.

 

Một tay súng IS trong kho vũ khí vừa chiếm được từ quân đội chính  phủ Syria. Ảnh:Spioenkop

“Chúng tôi có thể mua đạn dược từ quân chính phủ Syria, từ người Iraq hay quân nổi dậy, thậm chí nếu chúng tôi thu đạn từ Israel, IS cũng chẳng quan tâm, miễn là chúng có được thứ để bắn”, Abu Omar cho biết.

Sau một thời gian làm ăn, Abu Omar quyết định bỏ nghề buôn đạn từ hồi tháng 8, do IS ra các quyết định “mang tính áp đặt”. Sau khi cung cấp “giấy chứng nhận hành nghề” cho các nhà buôn này, IS ra một quy định độc đoán: các nhà buôn có thể tự do đi lại và buôn bán trên lãnh thổ do IS kiểm soát, miễn là chỉ bán đạn dược cho chúng.

Các đối thủ của IS bị bất ngờ với khả năng vận chuyển, tiếp tế đạn dược số lượng lớn một cách nhanh chóng của phiến quân trong lúc chiến đấu. Ở miền bắc Iraq, dân quân người Kurd thu được những lệnh tiếp đạn của IS cho cuộc giao tranh vừa kết thúc.

“Chỉ trong vòng 24 giờ sau khi có lệnh, đạn dược sẽ được chuyển đến cho chúng bằng xe tải”, một quan chức an ninh Iraq giấu tên nói.

Dân quân người Kurd và các lái buôn cho rằng IS có được khả năng tiếp tế đạn dược nhanh như vậy là nhờ hệ thống liên lạc hiệu quả. Một “ủy ban tiếp tế” do hội đồng quân sự cấp cao của IS ở Iraq chỉ định liên tục liên hệ với các “trung tâm” vũ khí ở mỗi tỉnh, và các “trung tâm” này thường xuyên tiếp nhận yêu cầu đạn dược từ các chỉ huy quân sự trên chiến trường.

Các chỉ huy quân sự IS gửi yêu cầu tiếp tế đạn dược tới “trung tâm” bằng tiếng lóng trong các cuộc liên lạc vô tuyến. Dân quân người Kurd thỉnh thoảng bắt được tần số liên lạc của IS qua bộ đàm, trong đó phiến quân hét lên những từ như “kebab”, “gà tikka” hay “salad”.

“Kebab ám chỉ súng máy hạng nặng”, Abu Ahmad, một chỉ huy quân nổi dậy ở đông Syria từng tham chiến dưới trướng IS cho đến khi ông bỏ trốn sang Thổ Nhĩ Kỳ mùa hè này, nói. “Gà tikka là từ lóng chỉ đạn AK. Khi cần cả đạn nổ lẫn đạn xuyên phá, chúng sẽ dùng từ salad”, người đàn ông này cho biết.

Lợi nhuận là tất cả

Lái buôn Abu Omar cho hay ông liên lạc với các “trung tâm” vũ khí IS bằng dịch vụ nhắn tin WhatsApp trên điện thoại. Cứ vài ngày “ủy ban tiếp tế” lại công bố báo giá cho các loại đạn và lựu đạn được yêu cầu nhiều nhất. “Trung tâm” mà Abu Omar liên hệ sẽ gửi cho ông bản cập nhật bảng giá các loại đạn, và các nhà buôn thường được hưởng mức hoa hồng 10-20%.

Giá cả đạn dược leo thang kể từ khi liên quân do Mỹ dẫn đầu tăng cường không kích phiến quân IS ở khu vực biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, nơi các tuyến đường buôn lậu hoạt động nhộn nhịp, Abu Ahmad nói. Một nhà buôn cho biết IS đã cấp phép cho hàng loạt lái buôn mới nhằm thúc đẩy sự cạnh tranh về giá, khiến nhiều nhà buôn phải tranh giành hợp đồng với nhau.

Hầu hết đạn dược đến từ Syria, nơi trở thành nguồn cung vũ khí, đạn dược chính cho cả khu vực. Những xe tải chất đầy đạn dược được các nhà tài trợ ở Vùng Vịnh chuyển cho các nhóm nổi dậy qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Quân nổi dậy “rút ruột” đạn dược từ các đoàn xe này và bán cho các lái buôn, biến các tỉnh biên giới Idlib và Aleppo trở thành thị trường vũ khí chợ đen lớn nhất ở Syria, theo người dân địa phương.

 

Các tuyến đường tiếp tế vũ khí, đạn dược cho phiến quân IS. Đồ họa: ISW

Sau 5 năm sống trong mảnh đất luôn ngập tràn tiếng súng, những lái buôn vũ khí này không còn quan tâm đến lý tưởng hay đạo đức nữa, mà chỉ còn để ý đến thứ duy nhất là tiền, Abu Ahmad cho biết.

“Một vài nhà buôn căm ghét IS nhưng vẫn làm ăn và cung cấp vũ khí, đạn dược cho chúng, bởi đây là công việc mang lại siêu lợi nhuận”, ông nói.

Các lái buôn sử dụng một mạng lưới tài xế và những kẻ buôn lậu để che giấu đạn dược trên các xe tải chở hàng hóa thông thường như rau củ và vật liệu xây dựng. “Các xe tải ra vào nườm nượp. Chúng luôn chở những thứ không bị nghi ngờ”, Abu Ahmad cho biết. “Các xe chở dầu được sử dụng nhiều nhất, do chúng trống rỗng sau khi quay về từ lãnh thổ IS kiểm soát”.

Theo Abu Omar, một số đạn dược mà Nga và Iran cung cấp cho quân đội chính phủ Syria cũng bị tuồn ra thị trường chợ đen, thường là ở các khu vực như miền nam Suwaida. “IS ưa thích đạn của Nga”, Abu Omar nói. ” Đạn do Iran sản xuất chúng cũng mua, nhưng với giá rẻ”.

Trong một khu vực còn rất ít cơ hội làm ăn kinh tế, việc ngăn chặn các đường dây buôn bán đạn dược cho IS như thế này trở thành điều không thể. Mỗi khi một lái buôn vũ khí bỏ trốn khỏi IS, nhiều người khác sẵn sàng lao vào như con thiêu thân để tìm cách kiếm lời.

“Ngày nay, tất cả đều vì tiền. Chẳng ai quan tâm bạn là ai… họ chỉ quan tâm đến những đồng USD”, Abu Omar nhận xét.

Duy Sơn

 

comments

Nội dung liên quan