Các đồng minh NATO đang có kế hoạch cắt cử máy bay do thám và trang bị thêm tên lửa để gia tăng sức mạnh phòng không của chính quyền Ankara ở biên giới với Syria.
Ngoại trưởng từ các nước trong khối NATO và đồng minh nhóm họp ở Tổng hành dinh tại Brussels (Bỉ) hôm 1.12 vừa qua.
Tuyên bố này được đưa ra sau khi Nga điều động dàn tên lửa phòng không S-400 tới Syria và các máy bay ném bom chiến lược Su-34 của Nga được trang bị tên lửa không-đối-không tầm ngắn và trung.
Tháng 10.2015, Mỹ tuyên bố rút dần hệ thống tên lửa Patriot ra khỏi Thổ Nhĩ Kỳ bất chấp lời kêu gọi giữ nguyên dàn Patriot ở nước này. Khoảng trống này buộc NATO phải ra tay.
Trong khi kế hoạch tăng cường quân sự cho Ankara chưa được triển khai thì sự cố máy bay rơi và hành động trả đũa của Nga khiến NATO càng có lí do để giúp đỡ Thổ Nhĩ Kỳ.
Hiện tại chỉ có Tây Ban Nha là quốc gia duy nhất còn duy trì tên lửa Patriot ở Thổ Nhĩ Kỳ.
“Chúng ta phải tận dụng hết khả năng để đối đầu với những hiểm họa từ phía nam các nước trong khối NATO”, ngoại trưởng Lithuania Linas Linkevicius trả lời Reuters sau cuộc họp với các ngoại trưởng khác. “Chúng ta phải hỗ trợ đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ”, ông nhấn mạnh.
Các nhà ngoại giao cho rằng biện pháp sẽ bao gồm việc điều động thêm tàu chiến từ các nước thành viên tới phía đông biển Địa Trung Hải. Máy bay chiến đấu cũng sẽ được cử tới căn cứ quân sự ở Incirlik (Thổ Nhĩ Kỳ) và nhiều hệ thống phòng thủ tên lửa sẽ được triển khai.
Các ngoại trưởng ra tuyên bố rằng tình hình ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, Iraq hiện nay là rất “bất ổn” và cần phải gia tăng sức mạnh phòng không của Ankara. Họ gọi đây là “các biện pháp đảm bảo an toàn”.
Dàn tên lửa Patriot
“Chúng ta phải tiếp tục tăng cường hơn nữa các biện pháp phòng vệ cho NATO và các nước đồng minh vẫn đang chuẩn bị cung cấp thêm khí tài cần thiết”, các ngoại trưởng cho biết.
Tổng thư ký NATO ông Jens Stoltenberg cho biết ông hy vọng quyết định sẽ được thông qua “trong vài tuần tới”. Ông cũng kêu gọi Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tìm kiếm giải pháp để làm dịu căng thẳng hiện tại.
NATO đã triển khai hệ thống tên lửa đất-đối-không dọc biên giới từ tháng 1.2013 nhằm bắn hạ bất kì tên lửa nào bay lạc từ Syria sang phần đất Thổ Nhĩ Kỳ khi nội chiến Syria leo thang. Chính quyền Ankara đã kêu gọi các đồng minh duy trì hệ thống phòng vệ này trước khi căng thẳng với Nga leo thang.
Hôm 24.11 vừa qua Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn hạ một chiếc máy bay ném bom chiến lược của Nga gần không phận Syria. Đây là vụ việc tồi tệ nhất kể từ thời Chiến tranh lạnh và khiến quan hệ hai nước ở mức thấp nhất kể từ trước tới nay.
Moscow tuyên bố không vi phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ và tuyên bố đáp trả bằng việc điều hệ thống S-400 tối tân tới Syria. Hệ thống phòng không này có thể tiêu diệt mọi mục tiêu và máy bay ở khoảng cách 400km.
Cơ quan thông tấn Nga cho biết chiếc Su-34 cũng đã thực thi nhiệm vụ đầu tiên của mình ở Syria vào ngày thứ Hai vừa qua. Trên máy bay ném bom chiến lược này được gắn tên lửa không-đối-không tối tân.
Dù không quân Thổ Nhĩ Kỳ có thể chặn đứng được các máy bay ném bom Nga xâm phạm không phận nước này nhưng các ngoại trưởng nhất trí rằng việc tăng cường sức mạnh quân sự cho Ankara là cần thiết. Chưa kể, biện pháp này cũng giảm căng thẳng trong khu vực.
Hệ thống phòng không tân tiến S-400 đã được Nga điều tới căn cứ Latakia (Syria)
Đức và Hà Lan muốn Thổ Nhĩ Kỳ và các nước khác cùng bàn thảo về việc Nga xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ.
“Rất cần đối thoại về quân sự giữa NATO và Nga để tránh những vụ việc, xung đột tương tự xảy ra vì tính chất rất nguy hiểm của chúng”, Ngoại trưởng Hà Lan Bert Koenders trả lời phóng viên khi được hỏi.
Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier kêu gọi NATO tổ chức phiên họp đặc biệt với Nga trong thời gian tới. Những phiên họp như vậy đã bị trì hoãn từ đợt tháng 4.2014 sau khi Nga dồn quân tới bán đảo Crimea và gây tranh cãi với các nước thành viên NATO.
Gần đây, Mỹ đã điều động máy bay tiêm kích có khả năng đánh chặn máy bay ném bom và máy bay do thám tới căn cứ không quân Incirlik của Thổ Nhĩ Kỳ. Anh cũng cho biết sẽ cắt cử máy bay tới khu vực một khi quyết định chính thức của NATO đưa ra.
Đức và Đan Mạch đã cử tàu chiến tới phía đông biển Địa Trung Hải. NATO cũng có thể gửi các máy bay do thám, thường được gọi bằng tên Hệ thống cảnh báo và kiểm soát hàng không (AWACS) tới khu vực này.