Các đồng minh NATO của Thổ Nhĩ Kỳ đang có kế hoạch gửi máy bay tuần tra và tên lửa để tăng cường hệ thống phòng không của Ankara tại khu vực giáp biên giới Syria.
Nga giao NATO bằng chứng Thổ Nhĩ Kỳ “cố tình bắn hạ” Su-24
NATO sẵn sàng đem quân bảo vệ Thổ Nhĩ Kỳ
Reuters dẫn lời các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết động thái trấn an kể trên diễn ra sau khi Đức và Mỹ quyết định rút hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot khỏi lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ hồi tuần trước và quân đội Ankara bắn hạ một máy bay ném bom Su-24 của Nga. Cộng thêm sự can thiệp bất ngờ của Moscow vào Syria, các nước NATO buộc phải lên kế hoạch hỗ trợ cho lực lượng không quân của Thổ Nhĩ Kỳ – thành viên của khối.
Ngoại trưởng Lithuania Linas Linkevicius cho biết tại cuộc họp các ngoại trưởng NATO tại Brussels – Bỉ: “Chúng tôi phải thể hiện hết khả năng để đối phó với các mối đe dọa ở sườn phía Nam của NATO. Chúng tôi phải hỗ trợ đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ”.
Nhiều khả năng các thành viên NATO sẽ điều thêm tàu tới phía đông Địa Trung Hải, máy bay tới căn cứ Incirlik và tên lửa hỗ trợ cho Tây Ban Nha – nước duy nhất còn giữ lại hệ thống tên lửa Patriot ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Các ngoại trưởng NATO họp tại Brussels – Bỉ hôm 1-12. Ảnh: Reuters
Theo các ngoại trưởng tham gia cuộc họp, tình hình ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ với Syria và Iraq đang “rất không ổn định” và họ cam kết tăng cường hệ thống phòng không của Thổ Nhĩ Kỳ như một biện pháp “đảm bảo an ninh”.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết ông sẽ đưa ra quyết định trong vài tuần tới nhưng lưu ý kế hoạch chi viện không liên quan đến chiến dịch không kích của Nga tại Syria. Ông Stoltenberg cũng kêu gọi Moscow và Ankara tìm kiếm giải pháp để làm dịu căng thẳng.
Từ tháng 1-2013, NATO triển khai tên lửa đất – đối – không Patriot gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ để đánh chặn tên lửa từ Syria bắn vào lãnh thổ nước này. Cho đến hiện tại, Mỹ đã gửi máy bay chiến đấu có thể đánh chặn máy bay ném bom và máy bay trinh sát tới căn cứ không quân Incirlik. Anh cũng thông báo sắp gửi máy bay đến khu vực này sau khi NATO có quyết định chính thức. Còn Đức và Đan Mạch đang gửi tàu cho hạm đội NATO ở phía Đông Địa Trung Hải.
Về sự cố máy bay Su-24 của Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ hôm 24-11, đặc phái viên Nga tại NATO Aleksandr Grushko nhận xét bằng cách không đưa ra ý kiến về “hành động cố ý” của Thổ Nhĩ Kỳ, lãnh đạo NATO đã gián tiếp thừa nhận trách nhiệm vụ việc.
Grushko cho biết ông đã gặp Phó Tổng thư ký NATO Alexander Vershbow để thảo luận về sự cố nói trên nhưng vị này không đưa ra bất cứ đánh giá nào về “hành động hung hăng” của Thổ Nhĩ Kỳ, thay vào đó chỉ kêu gọi Moscow và Ankara kiềm chế và tiếp xúc trực tiếp để giải quyết.
“Ngay sau vụ tấn công, Thổ Nhĩ Kỳ nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của NATO, có nghĩa là khối này chịu trách nhiệm như nhau” – ông Grushko nhấn mạnh.
Hôm 1-12, Tổng thống Mỹ Barack Obama nhắc nhở Nga đừng sa lầy trong chiến dịch quân sự giúp chống đỡ chế độ Tổng thống Syria Bashar al-Assad như Liên Xô (cũ) từng vấp phải trong cuộc chiến ở Afghanistan năm 1979. Gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ở Paris, nơi đang diễn ra hội nghị thượng định về biến đổi khí hậu, ông Obama cam kết sự ủng hộ kiên định của Mỹ đối với an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ.
Ý kiến của nhà lãnh đạo Mỹ được đưa ra sau khi Nga công bố lệnh trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ về vụ bắn hạ máy bay. Theo đó, Moscow sẽ cấm các sản phẩm nông nghiệp gồm trái cây và rau quả (cà chua, hành tây, nho và táo) cũng như thịt gà. Reuters cũng dẫn nguồn tin cho biết Nga sẽ ngưng dự án đường ống dẫn khí đốt qua Thổ Nhĩ Kỳ vô thời hạn.
P.Nghĩa