Phải mất hai giờ xe chạy từ Erbil, thủ phủ của người Kurd tại Iraq, vượt nhiều trạm kiểm tra, đi qua các cung đường quanh co nhằm tránh những vùng đất IS kiểm soát, phóng viên Wall Street Journal mới tới được căn cứ mà Masrour Barzani, trưởng cơ quan tình báo người Kurd, đóng quân.
Các tay súng thuộc lực lượng Peshmerga của người Kurd. Ảnh: Iraqinews
Đó là một ngày cuối tháng 11, khi người Kurd vừa giành lại tỉnh Sinjar, 15 tháng sau khi IS chiếm đóng nơi đây và đẩy lùi lực lượng dân quân người Kurd Peshmerga ra khỏi khu vực. Việc đoạt lại Sinjar có ý nghĩa quan trọng vì nó cắt đứt tuyến đường cao tốc nối Mosul, thành trì của IS ở Iraq, với Raqqa, trung tâm đầu não của phiến quân tại Syria.
Căn cứ trên nằm ở khu vực biên giới Iraq – Syria, được canh phòng khá nghiêm ngặt. Ông Barzani, lãnh đạo Hội đồng An ninh thuộc chính quyền tự trị người Kurd, mặc bộ đồng phục với một khẩu súng lục cài ở thắt lưng, tiếp chuyện phóng viên của WSJ trong một khoang xe kéo được trưng dụng làm phòng hội nghị.
“Người Kurd giúp phá vỡ những bí ẩn về IS”, Barzani nói bằng tiếng Anh khá trôi chảy. Tính cả Sinjar, lực lượng Peshmerga của người Kurd đã tái chiếm gần 20.000 km2 lãnh thổ ở Iraq từ tay IS. Các chiến dịch được Peshmerga triển khai nơi tiền tuyến, kết hợp với đòn không kích từ liên quân do Mỹ dẫn đầu, đến nay tiêu diệt gần 20.000 tay súng cực đoan.
Barzani cho rằng chiến thắng ở Sinjar đạt được một phần là nhờ những nỗ lực yểm trợ của phương Tây, khiến IS bất ngờ, không kịp trở tay.
Theo ông, “thông tin tình báo xuất sắc” cũng là nhân tố tiên quyết làm nên thành công của chiến dịch bởi nó cho phép người Kurd dễ dàng vô hiệu hóa những hàng rào phòng thủ của IS. Chúng được cấu thành từ một mạng lưới những bẫy sập điều khiển từ xa cùng vô số thiết bị nổ cải tiến.
Trước khi triển khai tấn công, nhiều nhà phân tích quân sự dự đoán chiến dịch sẽ kéo dài trong nhiều ngày. Song thực tế, lực lượng người Kurd chỉ mất 48 tiếng để giành chiến thắng.
Trong khi các tay súng IS được truyền cảm hứng từ “tư tưởng cực đoan khủng bố” thì quân Peshmerga xông pha nơi chiến trường bằng tinh thần “quyết tâm bảo vệ người dân và lãnh thổ”, Barzani nhấn mạnh.
Nhưng nếu hành động đơn độc, người Kurd không thể đủ sức đánh bại IS, đặc biệt trong bối cảnh tổ chức khủng bố này vẫn thừa khả năng tuyển mộ thêm thành viên cũng như thu được không ít vũ khí hiện đại. Vì thế, bên cạnh việc tấn công vào tài chính và nguồn nhân lực của IS, cuộc chiến trên mặt trận tư tưởng cũng cần được đẩy mạnh, bình luận viên Sohrab Ahmari đánh giá.
“Nếu người Hồi giáo không chấp nhận những gì IS đang làm, các học giả Hồi giáo phải nói chuyện với chính những người dân của mình để làm rõ một điều rằng ‘người Hồi giáo kiên quyết phản đối hành động đó. Chúng không thể khủng bố cộng đồng'”, ông Barzani nói. “Đây là trách nhiệm của người Hồi giáo, phương Tây không thể can thiệp”.
Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất vẫn là vị trí địa lý. Người Kurd thực tế đã giành lại nhiều phần lãnh thổ từ IS. Nhưng nay, khi cuộc chiến được mở rộng tới những vùng đất khác ở Iraq và Syria, mọi thứ sẽ trở nên khó khăn hơn bởi họ không thể duy trì một lực lượng mặt đất đủ tin cậy để chống IS, ông Barzani khẳng định.
Đây như một thông điệp ngầm gửi tới Nhà Trắng khi mà chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama luôn quả quyết rằng có thể “đẩy lùi rồi tiến tới tiêu diệt hoàn toàn” IS mà không cần điều động bộ binh.
Theo Barzani, đòn không kích của Mỹ rất hiệu quả trong việc làm suy yếu IS, vô hiệu hóa khả năng di chuyển cũng như nhắm mục tiêu vào các đầu lĩnh của quân khủng bố. Nhưng IS sẽ không thể bị xóa sổ nếu thiếu sự tham gia của bộ binh. Trái với quan điểm của thượng nghị sĩ Ted Cruz, người Kurd không thể trở thành “lực lượng mặt đất của Mỹ”, nhất là khi họ phải hoạt động ở những nơi không phải lãnh thổ truyền thống của mình.
Điển hình như tại Mosul. Thành phố lớn thứ hai Iraq này hiện vẫn do IS kiểm soát dù nó chỉ nằm cách Erbil khoảng 80 km.
Quân Peshmerga đang bao vây Mosul. Người Kurd từng cam đoan sẽ đánh bật phiến quân khỏi thành phố nhưng chiến dịch này đến nay chưa thể thành công. Người Kurd cho rằng không phải họ mà chính quyền trung ương Iraq ở Baghdad và liên quân do Mỹ dẫn đầu mới là bên nên đảm đương vai trò lãnh đạo.
Nhiệm vụ này đòi hỏi “một lực lượng giải phóng, chứ không phải một lực lượng có thể tạo ra những tình huống nhạy cảm bên trong cộng đồng”, ông Barzani nói. Điều này có nghĩa chính quyền Baghdad với đa số là người Shiite cần giành lấy lòng tin của người Sunni và khuyến khích họ đứng lên chống lại IS.
Đây dường như là một yêu cầu quá khó khăn đối với Iraq khi họ đang ngày càng chịu sự phụ thuộc vào dân quân người Shitte, lực lượng chủ yếu duy trì sức mạnh và tầm ảnh hưởng bằng cách đốt phá làng mạc và giết hại người Sunni, theo WSJ.
Những mối ngờ vực
Dù Washington cam kết hậu thuẫn người Kurd chống IS nhưng những hỗ trợ mà lực lượng này nhận được tới nay vẫn rất hạn chế.
“Chúng tôi vẫn chưa nắm trong tay những trang thiết bị mình mong muốn, đồng thời số lượng cũng không đủ”, ông Barzani nói. Thiếu đạn dược là một vấn đề cấp bách. Bên cạnh đó, các vũ khí hạng nặng của người Kurd ở Iraq đã quá cũ, đôi khi là những “đồ cổ từ thời Saddam Hussein”. Hỏa lực của IS thì ngược lại, mạnh mẽ và hiện đại hơn nhiều lần.
Hiện có những ý kiến ở Washington phản đối việc Mỹ trực tiếp cung cấp vũ khí cho người Kurd. Họ cho rằng Peshmerga không phải một lực lượng quân đội chuyên nghiệp mà là một đơn vị dân quân chỉ thề trung thành với các đảng phái chính trị người Kurd.
Nhưng Barzani không nghĩ vậy. “Peshmerga là một niềm tự hào đối với chúng tôi. Sau sự sụp đổ của chính quyền Saddam, Mỹ đã huấn luyện quân đội Iraq trong 10 năm với chi phí hàng tỷ USD. Nhưng họ lại không thể chống cự với IS trong 10 ngày. Vậy thì hãy nói xem, đâu mới là lực lượng chuyên nghiệp, Peshmerga hay quân đội Iraq?”, ông đặt câu hỏi.
14 lữ đoàn Peshmerga, với quân số 2.500 người, đã được thành lập. Song theo Barzani, việc cải tổ tốn rất nhiều thời gian.
“Chúng tôi đang phải đổ xương máu, hy sinh tính mạng của mình. Chúng đáng giá hơn mọi hệ thống vũ khí… Để giúp đỡ chúng tôi trong cuộc chiến này, thế giới, phương Tây và Mỹ phải chuyển cho chúng tôi vũ khí tốt hơn”, Barzani cho hay.
Mặt khác, chính quyền Obama quyết định không chuyển trực tiếp vũ khí cho người Kurd cũng bởi họ không muốn đưa ra bất cứ hành động nào gây ảnh hưởng tới chính quyền Iraq.
Vấn đề lớn nhất đối với Iraq là “người dân trong nước không có một nền tảng chung”, ông Barzani nhận xét. Sau khi chính quyền Saddam sụp đổ, người Sunni và người Shiite luôn đấu đá lẫn nhau. Chủ nghĩa khủng bố nhanh chóng lan rộng từ lúc ông Obama tuyên bố rút quân khỏi Iraq vào năm 2011.
Giành được quyền tự chủ sau Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, người Kurd từ đây bắt đầu xây dựng một thể chế dân chủ mới. Chế độ dân chủ của người Kurd không hoàn hảo nhưng xã hội của họ được đánh giá tự do hơn so với hầu hết các khu vực khác ở Iraq. Người Kurd đón nhận các nhà đầu tư nước ngoài và họ cũng tạo dựng được mối quan hệ với các cường quốc láng giềng như Iran hay Thổ Nhĩ Kỳ.
Quan trọng hơn cả, người Kurd ở Iraq đã chứng minh được rằng họ là một đồng minh đáng tin cậy của phương Tây.
“Trong cả vùng này, người Kurd dường như là lực lượng thân phương Tây nhất”, Barzani nói. “Chúng tôi sẽ mãi biết ơn những hỗ trợ của Mỹ kể từ ngày chính quyền Saddam sụp đổ đến nay”.
Lực lượng Peshmerga trong khi đó vẫn đang tự củng cố sức mạnh để đương đầu với những nước đi tiếp theo của IS. Từ sau thắng lợi ở Sinjar, các tay súng IS không ngừng tổ chức các cuộc tấn công nhẳm vào những điểm trọng yếu, thách thức khả năng phòng thủ của người Kurd tại đây.
Đến lúc này, các cuộc công kích này đều bị đẩy lùi nhưng giới quan sát nhận định IS hiện vẫn còn nhiều quân và khả năng của chúng rất khó đoán. “IS có thể phản công ở bất cứ đâu, không nhất thiết cứ phải là Sinjar”, Barzani nhấn mạnh.
Khu tự trị của người Kurd ở miền bắc Iraq. Đồ họa: BBC