IS tăng cấp độ hung bạo nhằm giành lại ‘ánh đèn sân khấu’

Dưới sức ép từ đòn không kích của Nga và liên quân do Mỹ dẫn đầu, chiến dịch tuyên truyền mà Nhà nước Hồi giáo có dấu hiệu chững lại về tuần suất song mức độ bạo lực lại không ngừng gia tăng nhằm lôi kéo sự chú ý của dư luận.

IS hành quyết tù nhân bằng sử dụng điện thoại di động

IS hành quyết tù nhân bằng cách sử dụng điện thoại di động kích hoạt bom từ xa. Ảnh: Twitter

Từ khi tuyên bố thành lập nhà nước trên những vùng đất chiếm đóng được ở Iraq và Syria, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã trở nên “nổi tiếng” toàn cầu với những hành vi tàn bạo. Nhóm tận dụng triệt để sức lan tỏa của mạng xã hội để truyền bá những video hành quyết rùng rợn, từ chặt đầu, ném đá tới chết cho đến giết người bằng xe tăng, theo AFP.

Tổng thống Mỹ Barack Obama ví IS chẳng khác gì “một nhóm những kẻ giết người có kỹ năng truyền thông”. Song để duy trì hình ảnh điên cuồng ấy, IS phải “sáng tạo” ra những phương pháp hành quyết mới, không ngừng tăng tiến về độ bệnh hoạn cũng như sự công phu.

IS cho rằng nếu không thay đổi cách thức, người xem sẽ cảm thấy nhàm chán, trong khi đó, chúng lại luôn cần và muốn được chú ý, Mia Bloom, giáo sư tại Đại học bang Georgia, Mỹ, nhận định.

Bắn rocket hay buộc thuốc nổ vào nạn nhân sau đó kích hoạt từ xa là những cách mà IS sử dụng thời gian gần đây. Trong một video mới xuất hiện trên mạng ở Iraq, thay vì ghi lại hình ảnh nạn nhân trước và sau khi bị giết hại, nhóm khủng bố này gia tăng sự ghê rợn bằng cách quay chi tiết toàn bộ quá trình hành quyết.

IS cũng tuyên bố đứng sau chuỗi các vụ tấn công đẫm máu ở Paris hồi tháng trước khiến 130 người thiệt mạng, và vụ rơi máy bay của hãng hàng không giá rẻ Kogalymavia (Metrojet) trên bán đảo Sinai, Ai Cập, cướp đi sinh mạng của 224 người.

“Video với hình ảnh ghê rợn có sức hút đối với một số đối tượng nhất định, những người luôn ao ước được trải nghiệm trò ‘Call of Duty’ trong thực tế, những người có quá khứ gắn với bạo lực hay những người mong muốn được sống một cuộc đời khác”, Bloom đánh giá, nhắc tới một trò chơi điện tử mô phỏng chiến tranh nổi tiếng.

Ở đoạn video khác, IS còn quay lại cảnh các chiến binh nhí của tổ chức len lỏi trong một thành trì đổ nát để tìm giết các con tin, giống hệt những gì diễn ra trong một trò chơi điện tử đầy bạo lực. Bên cạnh đó, việc sử dụng trẻ em trong các đoạn băng tuyên truyền cũng là một yếu tố gây sốc đối với người xem.

“Những đứa trẻ đi từ việc đứng ngoài quan sát hành vi bạo lực đến chủ động tham gia vào các hành động trong video”, Bloom nói. “Điều này là độc nhất vô nhị”.

Nhóm rõ ràng muốn dùng các hành vi “bạo lực cùng cực” để thu hút những kẻ ủng hộ, đe dọa người chống đối và quan trọng hơn cả là “lan truyền thông điệp của IS tới thế giới”, nhà phân tích Charlie Winter bình luận.

Theo Winter, người chuyên theo dõi các hoạt động trên mạng của IS, chiến lược tuyên truyền của tổ chức chủ yếu dựa trên việc khắc họa hình ảnh bạo lực, đồng thời miêu tả “nhà nước” Hồi giáo như một điều không tưởng. Đưa ra các cách giết người mới là một phương pháp đặc biệt “có sức ảnh hưởng mạnh mẽ”.

Tuy nhiên, ngưỡng bạo lực để kích thích những kẻ ủng hộ và trấn áp người phản đối liên tục thay đổi theo chiều hướng tăng tiến, Winter cho biết. Nếu năm ngoái, chặt đầu hàng loạt là hành vi gây sốc thì năm nay chúng không còn tạo ra được làn sóng phản ứng gay gắt như trước nữa.

Chính vì thê mà “vài tháng qua, IS liên tục khám phá ra những cách thức hành quyết man rợ mới, từ cán chết người bằng xe SUV tới dìm chết đuối hay thiêu sống”, Winter cho hay.

 

Trong một video, tay súng IS đứng sau lưng, tuyên bố sẽ hành quyết nạn nhân bằng xe tăng. Ảnh: syriahr

Việc mức độ tàn nhẫn trong các video tuyên truyền không ngừng gia tăng đồng thời cũng phản ánh những áp lực về quân sự mà IS đang phải đối mặt ở Iraq và Syria, cũng như tham vọng tiếp tục xây dựng sức ảnh hưởng toàn cầu của tổ chức, bất chấp việc tốc độ cho ra đời các sản phẩm mới đang chậm lại.

Trong một bài viết cho Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế về Cực đoan hóa và Bạo lực Chính trị, chuyên gia Aaron Zelin chỉ ra rằng số lượng các ấn phẩm tuyên truyền của IS đã giảm đáng kể trong những tháng gần đây.

Lượng ấn phẩm tuyên truyền của IS ở Syria đạt đỉnh điểm trong giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 8 với 3.762 sản phẩm và giảm còn 2.750 sản phẩm từ tháng 9 đến tháng 11, khi Nga bắt đầu tham gia chiến dịch không kích nhằm vào nhóm.

Theo Zelin, sự suy giảm này một phần cũng là do IS phải chịu tổn thất về nhân lực, mất đi nhiều đầu lĩnh phụ trách truyền thông, bao gồm Junaid Hussain và Mohammed Emwazi, hai kẻ bị tiêu diệt trong chiến dịch không kích do Mỹ dẫn đầu hồi tháng 8 và tháng 11.

Hussain là một đại diện của IS hoạt động tích cực trên mạng xã hội Twitter, trong khi Emwazi là kẻ thường xuyên xuất hiện trong các video hành quyết con tin phương Tây, thường được biết đến với tên gọi “Phiến quân John”.

Sự sụt giảm này trùng khớp với thời điểm IS phải chịu không ít thất bại trên chiến trường khi đánh mất thị trấn Baiji và nhà máy lọc dầu lân cận đó vào tay quân chính phủ Iraq hồi tháng 10. Một tháng sau, dân quân người Kurd ở Iraq với sự yểm trợ của liên quân cũng chiếm lại thành phố Sinjar, phía tây bắc thủ đô Baghdad. Trong khi đó, các nhóm chống IS ở đông bắc Syria cũng khiến phiến quân phải chịu nhiều thất bại nặng nề.

Vũ Hoàng

 

comments

Nội dung liên quan