Chuyên gia Trung Quốc đánh giá tàu sân bay thứ hai vẫn lạc hậu

Các chuyên gia Trung Quốc, dựa trên các đặc điểm chính của tàu sân bay thứ hai, cho rằng nước này vẫn tụt hậu rất xa so với những tàu hiện đại nhất Mỹ chế tạo.

Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc. Ảnh: Xinhua
Bài xã luận trên Global Times hôm 31/12 cho rằng hai công nghệ nổi bật là năng lượng hạt nhân và máy phóng chiến đấu cơ vẫn chưa được áp dụng cho tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc. Đồng thời, lượng giãn nước của nó chỉ là 50.000 tấn, tức một nửa so với tàu Mỹ.

Xinhua hôm 2/1 dẫn lời Zhang Junshe, thuộc Học viện Nghiên cứu Quân sự Hải quân Trung Quốc, cho rằng quy mô việc chế tạo tàu sân bay Trung Quốc nhỏ hơn nhiều so với Mỹ và thậm chí cả Ấn Độ.

Là nước đi sau, Trung Quốc cần đóng tàu sân bay dùng năng lượng thông thường trước để lấy kinh nghiệm, sau đó là các tàu hạt nhân, tùy tình hình, ông Zhang nói, nhấn mạnh quy trình thiết kế và chế tạo hoàn toàn ở trong nước, không có sự trợ giúp của nước ngoài.

Ông Zhang nói thêm các tàu sân bay tương lai của Trung Quốc sẽ được gắn máy phóng cho chiến đấu cơ cất cánh trên khoang, nhưng quá trình sẽ diễn ra từ từ vì máy phóng đòi hỏi công nghệ phức tạp hơn.

Theo ông Zhang, tàu sân bay thứ hai sẽ tập trung vào các chiến dịch quân sự nhiều hơn là huấn luyện và thử nghiệm công nghệ. “Tàu sân bay này sẽ có nhiệm vụ khác so với tàu Liêu Ninh”, ông nói, đề cập đến tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, được mua lại từ Ukraine và tân trang, thêm vũ khí.

“Chúng tôi dùng Liêu Ninh để thử độ tin cậy và tương thích của các hệ thống trên tàu sân bay, và để huấn luyện. Tàu thứ hai sẽ chủ yếu làm nhiệm vụ các tàu sân bay đích thực vẫn làm: đó là tuần tra tác chiến và viện trợ nhân đạo”, ông nói. Nhà nghiên cứu cũng cho biết Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc cần ít nhất ba tàu sân bay, một làm nhiệm vụ, một dùng để huấn luyện và chiếc thứ ba được bảo dưỡng.

Tàu sân bay thứ ba đang được chế tạo theo từng bộ phận và sẽ được lắp ráp sau đó tại thành phố cảng Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh. Nó sẽ sử dụng đường băng cất cánh kiểu nhảy cầu (ski-jump) dành cho máy bay cánh cố định, tương tự tàu Liêu Ninh và chở các chiến đấu cơ sản xuất nội địa J-15.

Chen Xuesong, cũng là một nhà nghiên cứu tại Học viện Nghiên cứu Quân sự Hải quân Trung Quốc, nói ông tin tàu sân bay mới sẽ là thách thức với các kỹ sư nước này.

“Dù chúng tôi đã thu nạp chuyên môn và kỹ năng từ dự án cải tạo tàu Liêu Ninh, tàu mới sẽ thực sự là lần đầu tiên chúng tôi thiết kế và đóng một tàu sân bay”, China Daily dẫn lời ông Chen nói. “Các kỹ sư của chúng tôi phải đảm bảo thiết kế về cấu trúc tốt và đảm bảo chất lượng các bộ phận thép”.

Trung Quốc đang dần bổ sung các tàu khu trục nhỏ, tàu khu trục và tàu ngầm hạt nhân hiện đại vào đội tàu. Việc hiện đại hóa hải quân nhanh chóng của nước này được coi là nhằm củng cố yêu sách chủ quyền và mở rộng sức mạnh xa khơi. Những tham vọng của Bắc Kinh làm gia tăng căng thẳng với Nhật, Mỹ và các nước Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền chồng lấn.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi lý với hầu hết Biển Đông, nơi có những tuyến đường biển then chốt, với nguồn hải sản dồi dào và tài nguyên khoáng sản tiềm năng.

Trong báo cáo đầu năm nay, Lầu Năm Góc cho rằng Bắc Kinh có thể đóng nhiều tàu sân bay trong vòng 15 năm tới.

Tuyển dụng xuất khẩu lao động Đài loan

Thông báo tuyển trực tiếp xuất khẩu lao động Nhật Bản

comments

Nội dung liên quan