Chỉ tốt nghiệp trung cấp ở Việt Nam, rồi đi xuất khẩu lao động, chị Cẩm Tú, 36 tuổi, từng gặp muôn vàn khó khăn khi theo chồng Mỹ nhập cư.
Chị Cẩm Tú, cử nhân y tá sắp tốt nghiệp trường Nevada State College, Mỹ.
Ở độ tuổi 36, nhiều phụ nữ Việt ở nước ngoài đã có một công việc ổn định, hay yên phận với việc nội trợ, chăm sóc chồng con. Thế nhưng chị Cẩm Tú, người con gái Sài thành, vẫn miệt mài hoàn thành nốt kỳ học cuối ngành khoa học điều dưỡng, trường Nevada State College, Las Vegas.
Đi học thường đứng “đội sổ”, nói tiếng Anh bập bẹ, chỉ tốt nghiệp trung cấp ở Việt Nam rồi đi xuất khẩu lao động ở Nhật, những tháng ngày đầu tiên đặt chân lên đất Mỹ là chuỗi ngày khó khăn vô cùng với chị. Rào cản ngôn ngữ khiến chị không muốn giao tiếp với ai, trừ ông xã người Mỹ, công tác trong quân đội.
“Tôi nói tiếng Anh chỉ mỗi ông xã tôi hiểu vì anh đã quen với cách nói của tôi. Vì đã quen nhau 2 năm ở Nhật trước khi kết hôn nên hầu như chúng tôi hiểu ý nghĩ của nhau nhiều hơn là lời nói. Còn người khác không ai hiểu tôi nói gì”, chị .
Là người chăm chỉ, lại có vốn tiếng Nhật kha khá, nên ngay sau khi sang Mỹ năm 2010, chị Tú xin làm ở một nhà hàng của Nhật, làm phụ bếp cho các đầu bếp sushi. Thời gian này chị cũng đi học ở lớp tiếng Anh dành cho người nhập cư.
Bước ngoặt đến vào năm 2012, khi chị sinh con đầu lòng. “Tôi sinh mổ rất đau, bên cạnh chỉ có chồng nên rất tủi thân. May mắn là lúc đó có một y tá rất tuyệt vời. Cô ấy luôn chăm sóc, động viên và dành những lời ân cần cho tôi. Cô luôn miệng nói “I believe in you! You can do this”, (Tôi tin cô. Cô có thể làm được mà). Khi đó tôi nghĩ cô ấy như một người thân của mình vậy”, chị Tú nhớ lại.
Hình ảnh cô y tá tận tụy, hết lòng chăm sóc bệnh nhân luôn thường trực trong tâm trí chị. Vì thế, sau khi cai sữa con 6 tháng, chị Tú bảo lãnh mẹ sang Mỹ chăm con hộ và chính thức đăng ký học tiếng Anh chỉn chu ở trường cao đẳng cộng đồng.
Khi tiếng Anh đủ khá, chị đăng ký học lớp hộ sinh. Có được tấm bằng hành nghề, chị xin làm ở một viện dưỡng lão. Dù rất bận rộn, nhưng chị vẫn vừa đi làm bán thời gian, vừa đi học tiếp tiếng Anh nâng cao. Ngày càng thấy gắn bó với công việc chăm sóc người bệnh, chị sau đó còn đăng ký học tiếp lớp hoá, sinh, dinh dưỡng, giải phẫu học, sinh lý học, và nhiều lớp khác.
Chị Tú , lúc đầu chị chỉ định học hệ Cao đẳng nhưng thầy cô bạn bè, ai cũng nói chị có khả năng nên quyết định làm liều. Ngày chị đăng ký học Cử nhân trường Nevada State College, hai vợ chồng chị đã nói chuyện với nhau rất nhiều. Anh nói học ngành này rất khó, áp lực về điểm số rất cao, thời gian gò bó, sợ chị không chịu nổi. Nếu không đáp ứng chị có thể bị học lại, rất tốn kém và xa hơn là cho thôi học.
“Tôi biết trước mắt mình là cả núi khó khăn. Nhưng tôi không từ bỏ. Người ta học một, tôi sẽ cố học mười”, chị Tú tâm sự.
Chị Tú nhận được nhiều sự giúp đỡ từ người chồng làm trong quân đội.
Với tiêu chí học chậm mà chắc, chị Tú hoàn thành các môn học đại cương trong vòng 4 năm (tính cả thời gian học hộ sinh), trong khi nhiều bạn bè Mỹ của chị chỉ cần 2 hoặc 3 năm đã xong.
Chị kể: “Tôi còn nhớ ngày đầu đi thực tập ở bệnh viện, tôi ngơ ngác lắm. Tôi bị người hướng dẫn mắng ngay trước mặt nhiều người. Tôi đã khóc rất nhiều hôm đó, thấy xấu hổ vô cùng. Nhưng cũng từ lần đó, tôi tự nhủ sẽ cố gắng, nỗ lực gấp nhiều lần để không bao giờ bị như vậy”.
Tuần nào cũng vậy, cứ 3 ngày học lý thuyết xong, chị Tú lại đi thực tập ở bệnh viện. Lịch dày đặc từ 6 giờ sáng đến 4 giờ chiều khiến chị bận tối mắt tối mũi. Bước vào học chuyên ngành, chị càng tất bật hơn khi hoàn thành chương trình học 4 kỳ trong 15 tháng.
“Nhiều lúc tôi cảm thấy có lỗi với con vì không có nhiều thời gian cho bé. Có lần con ốm mà vẫn phải đi làm, đến nơi rơi nước mắt lo cho con nên sếp lại cho về. Rồi những hôm bận học quá, con muốn vào phòng chơi với mẹ nhưng tôi ra điều kiện phải im lặng. Nhìn con lủi thủi xem ipad tôi thương vô cùng”, chị Tú nói.
Được chồng hỗ trợ việc đưa đón con đi học và dọn dẹp nhà cửa trong nhà, chị vùi đầu vào việc học. Chị học ngày học đêm, lên thư viện, về nhà lại đọc sách, xem tivi, tra cứu internet, chỗ nào không hiểu lại hỏi thầy cô, bạn bè. Đã bao đêm chị ngủ mà trên tay vẫn còn cầm giáo trình học.
“Những lúc tôi làm bài thi không hài lòng, thực tập trong bệnh viện mệt mỏi, anh lại an ủi và động viên tôi nhiều. Gánh nặng đặt lên vai anh khi vừa phải lo toàn bộ chi phí trong nhà, vừa chi tiền cho tôi học. Vì thế, tôi không thể để phụ lòng anh”, chị Tú tâm sự.
Chị sẽ chính thức tốt nghiệp hệ cử nhân y tá trong 3 tháng nữa.
Những cố gắng của chị được đền đáp xứng đáng khi phần lớn các môn học chị đều giành điểm tuyệt đối (chỉ một môn điểm B). Chị còn được trường đề cử vào Nursing Hornor Society, hiệp hội dành cho sinh viên chuyên ngành y tá và cho y tá có thành tích xuất sắc.
Người hướng dẫn từng mắng chị trước mặt mọi người, sau này dành nhiều lời khen cho chị. Trong bức thư viết gửi học trò, bà tin chị sẽ là một y tá giỏi, bởi chị có chuyên môn tốt, và “kỹ năng giao tiếp, xử lý mọi việc tuyệt vời”. Nhiều bạn bè trong lớp cũng khâm phục chị bởi sự cần cù, chịu khó và giúp đỡ mọi người.
Còn 3 tháng nữa mới chính thức tốt nghiệp, nhưng chị Tú đã được cầm trên tay tấm bằng loại giỏi (Magna Cum Laude). Chị dự định sẽ xin vào làm y tá tại một bệnh viện quân đội, để phục vụ cho những người đồng đội của chồng.
“Tôi bắt đầu đi học bên này lúc 31 tuổi và chuẩn bị tốt nghiệp ở tuổi 36. Nếu không thử không bao giờ tôi nghĩ mình có thể làm được. Vì thế, tôi tin mọi người đều có thể làm đến cùng để theo đuổi ước mơ. Quan trọng nhất là sự kiên trì và đam mê ngành mình đã chọn”, chị Tú nói.