“Chúng tôi chiến đấu bảo vệ Hoàng Sa vì Tổ quốc, chứ không phải vì chế độ”, ông Lữ Công Bảy, cựu quân nhân Việt Nam Cộng hòa trên trục hạm Trần Khánh Dư HQ-4 trực tiếp chiến đấu với lính Trung Quốc tại Hoàng Sa 42 năm trước, nói.
Trời Lý Sơn đầy gió. Sóng lấp loáng nắng vẫn đều đặn xô vào ghềnh đá. Những cựu quân nhân hay người thân của những nghĩa sĩ Hoàng Sa mãi nằm lại dưới lòng biển lạnh, được mời đến dự lễ đặt viên đá xây khu tưởng niệm nghĩa sĩ Hoàng Sa trên ngọn núi Thới Lới, đều nói rằng chưa bao giờ họ thấy tự hào như lúc này.
Lý Sơn là quê hương của Hải đội Hoàng Sa từ thời chúa Nguyễn đã giong buồm ra biển Đông cắm mốc chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Chỉ 1 năm nữa thôi, khu tưởng niệm nghĩa sĩ Hoàng Sa trên khu đất rộng gần 2ha sẽ được dựng lên, với biểu tượng người mẹ cầm trên tay ngọn lửa hình trái tim, mắt dõi nhìn ra hướng biển đầy ngưỡng vọng.
Bà quả phụ Ngô Thị Kim Thanh (73 tuổi) thấy có dáng dấp mình trong biểu tượng Người mẹ thắp lửa, khi chiều chiều đứng chờ chồng – thiếu tá Nguyễn Thành Trí, hạm phó tàu HQ-10, đi bảo vệ Hoàng Sa năm 1974 nhưng mãi mãi không về. Tuổi cao, bà vẫn cùng con gái lặn lội từ TP.HCM ra Đà Nẵng, rồi ngược vào Lý Sơn (Quảng Ngãi), quên cả trận say sóng để được tận mắt nhìn khu tưởng niệm trong tương lai, nơi tên chồng bà cùng những đồng đội sẽ được nhắc đến thường xuyên hơn.
Ông Lữ Công Bảy. Ảnh: Nguyễn Đông.
Ngần ấy năm, tưởng chừng đã làm cho ký ức và cảm xúc chai sạn, nhưng ông Lữ Công Bảy, giám lộ trên tàu HQ 4, không quên được hình ảnh 74 đồng đội đã ngã xuống trước họng súng của tàu Trung Quốc. Ông đang nghĩ gì lúc này? “Khi đó chúng tôi đi chiến đấu để bảo vệ Hoàng Sa cho tổ quốc Việt Nam, chứ không phải bảo vệ cho chế độ Việt Nam Cộng hòa”, ông Bảy khẳng khái.
Đưa ánh mắt già nua hướng ra biển, ông Bảy quả quyết sẽ sớm quay lại Lý Sơn, đi bộ lên ngọn núi Thới Lới này để thắp nén hương cho những đồng đội đã ngã xuống, khi đó ông và những người đã nằm xuống đều cảm thấy ấm lòng.
Bà Nguyễn Thị Bội Liên, cháu ruột của nguyên sỹ quan phụ trách điện tử trên tuần dương hạm HQ 5 Trần Bình Trọng – chuẩn úy Nguyễn Phú Hảo – thật thà kể, chỉ đến khi ông Hảo lên tàu ra Hoàng Sa, quần đảo này mới thực sự là mối quan tâm thường trực của gia đình. “Khi chết chú tôi vẫn còn trẻ lắm, chưa có vợ con. Thời đó thông tin liên lạc còn hạn chế, chỉ đến lúc nhận được xác chú, gia đình mới biết rằng cuộc chiến giữ đảo lúc ấy rất ác liệt”, bà Liên kể.
Cũng từ ngày trên bàn thờ gia tộc ở Đà Nẵng đặt thêm một di ảnh, Hoàng Sa đã trở thành máu thịt với gia đình chị Liên. Trên bàn thờ ấy hiện vẫn treo ảnh của những người anh em từng ở hai bờ chiến tuyến. “Chú Nguyễn Sơn Trà đang được thờ, từng là bí thư đầu tiên của Đà Nẵng. Bây giờ tượng đài Nghĩa sĩ Hoàng Sa được dựng, chúng tôi rất đỗi xúc động bởi tượng đài như một sợi dây kết nối những người giữa hai chiến tuyến lại với nhau”, bà Liên bồi hồi.
Một năm nữa, khi tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa sẽ hoàn thành trên ngọn núi Thới Lới của huyện đảo Lý Sơn. Ảnh: Nguyễn Đông.
Phát biểu tại buổi lễ đặt phiến đá đầu tiên, xây dựng khu tưởng niệm, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, ông Đặng Ngọc Tùng nói rằng 42 năm qua, Hoàng Sa đau thương và mất mát. Lịch sử đất nước sẽ ghi tạc mãi trong tâm khảm hình ảnh những người Việt Nam ngã xuống vì chủ quyền biển đảo.
Nhắc lại sự kiện Gạc Ma ngày 14/3/1988, khi Trung Quốc gây hấn, cướp đi sinh mạng của 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam, trong đó chỉ tìm được hài cốt của vài người, ông Tùng rưng rưng: “Dù khác chiến tuyến, ý thức hệ, nhưng cuộc chiến đẫm máu và không cân sức ở Hoàng Sa – Trường Sa là minh chứng thiêng liêng lòng yêu nước Việt của con dân Việt. Họ đã yên lặng vĩnh viễn trong sự thét gào mãi mãi của biển Đông, những đêm giông tố, những ngày gió bão”.
Ông Tùng chia sẻ, nước biển Đông hơn 40 năm nay mặn đắng hơn, vì đó là vị mặn của muối, của máu và của nước mắt. Sự hy sinh vì Hoàng Sa – Trường Sa đã chạm vào tình cảm thiêng liêng nhất của mỗi ngươi dân nước Việt Nam… Chừng nào Hoàng Sa chưa trở về với Tổ quốc thì khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa sẽ nhắc nhở cho muôn đời con cháu phải làm điều cần làm để non sông thu về một mối.
Những thân nhân và nhân chứng Hoàng Sa rời Lý Sơn, khi những câu hò dân gian của bà Đỗ Thị Hảo (xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn), vẫn còn vang vọng:
Chiều chiều ra ngóng biển xa/Ngóng người đi lính Hoàng Sa chưa về….