“Thuê tôi đi. Bạn có thể thuê tôi làm những điều bạn muốn…”, nữ giáo viên ngoại ngữ ở Thanh Hóa viết trên trang Facebook cá nhân. Cô cho hay, toàn bộ số tiền kiếm được từ chiến dịch “Thuê tôi đi” sẽ dành trọn cho các em nhỏ ở Sài Khao.
Mấy ngày nay, trang Facebook cá nhân của Trần Thị Oanh (26 tuổi, giáo viên tiếng Anh ở TP Thanh Hóa) thu hút sự chú ý của rất nhiều người sau khi cô phát động chiến dịch “Thuê tôi đi”.
Status “Thuê tôi đi” trên trang cá nhân của cô giáo trẻ Trần Thị Oanh thu hút nhiều chú ý. Ảnh chụp màn hình.
Cô giáo trẻ tự giới thiệu và kêu gọi: “Tôi là Oanh, 26 tuổi. Tôi là giáo viên tiếng Anh, có kinh nghiệm giảng dạy 4 năm. Hiện tại tôi làm công tác giảng dạy tại thành phố Thanh Hoá. Ngoài các năng lực về mặt chuyên môn liên quan đến tiếng Anh như dạy học và dịch thuật, tôi có khả năng nói chuyện, lắng nghe, chia sẻ và truyền cảm hứng cho người khác. Tôi có thể làm việc nhà, bán hàng, đi dạo cùng bạn, lắng nghe bạn và chơi cùng trẻ nhỏ, dạy tiếng Anh cho bé. Tôi cũng biết chụp ảnh (ở mức độ cơ bản). Tôi sẽ không làm những việc vi phạm pháp luật, thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội. Tôi cũng sẽ từ chối các yêu cầu của bạn nếu cảm thấy không phù hợp”.
“Bạn có thể thuê tôi làm những điều bạn muốn, dựa trên thoả thuận giữa hai bên. Tiền công cho mỗi giờ của tôi là 200.000 đồng/giờ. Tôi có thể làm việc các buổi sáng (8h-11h) và các buổi tối thứ hai và thứ năm hàng tuần từ ngày 12 đến 21/1. Toàn bộ tiền công tôi nhận được với kế hoạch nhỏ Thuê tôi đi sẽ được dành trọn để mua áo ấm cho các em nhỏ trường tiểu học Sài Khao, xã Mường Lý, huyện Mường Lát trong chương trình thiện nguyện Vì trẻ em vùng cao ngày 22-24/1 tới đây”, cô viết.
Sau khi những dòng status được đăng tải đã có cả nghìn lượt like, hành trăm bình luận và nhiều lượt chia sẻ. Những người bình luận chủ yếu cảm phục lòng thiện nguyện của cô giáo trẻ với một “chiến dịch” nhân văn.
Điểm trường tạm bợ ở khu lẻ Sài Khao (Mường Lát). Ảnh: Lê Hoàng.
Oanh cho hay, sau ít ngày thực hiện kế hoạch nhỏ “Thuê tôi đi” vì trẻ em vùng cao, đã có nhiều người liên lạc thuê cô làm việc. Hiện chủ nhân thu về số tiền hơn 2.000.000 đồng. Toàn bộ số tiền này chị Oanh đã chuyển cho ban thiện nguyện “Vì trẻ em vùng cao” để mua áo ấm, sách vở cho trẻ em ở bản Sài Khao.
Ngoài triển khai kế hoạch “Thuê tôi đi”, chị Oanh còn vận động mọi người ủng hộ được hơn 3.000.000 đồng chung sức giúp trẻ em vùng cao sắp tới.
Anh Lê Bá Mai, thành viên chương trình thiện nguyện “Vì trẻ em vùng cao” cho hay, sau khi biết có chương trình thiện nguyện ý nghĩa này, cô giáo Oanh đã nghĩ ra kế hoạch nhỏ “Thuê tôi đi” để có thêm tiền giúp các trẻ có thêm áo ấm, sách vở và quà Tết.
“Ngay từ khi Oanh bắt tay vào thực hiện kế hoạch “Thuê tôi đi” đã nhận được nhiều ủng hộ, giúp đỡ. Toàn bộ tiền kiếm được, cô đều chuyển cho chương trình để bọn mình phân phối mua quà, sách vở cho các em học sinh ở Sài Khao”, anh Mai nói và cho hay, có rất nhiều cảm phục, ngưỡng mộ lòng thiện nguyện của cô giáo trẻ. “Nhiều người có khả năng hơn, nhưng dám nghĩ, dám làm như chị Oanh cũng không phải nhiều”, anh Mai nói thêm.
Một tiết học ở khu lẻ Sài Khao. Ảnh: Lê Hoàng.
Sài Khao là điểm trường lẻ thuộc trường Tiểu học Tây Tiến, xã Mường Lý, huyện Mường Lát. Đây là địa bàn xa xôi, khó khăn nhất tỉnh Thanh Hóa, cách trung tâm thành phố gần 300 km. Điểm trường khu lẻ Sài Khao có tổng cộng 66 học sinh từ khối 1 đến khối 5. Toàn bộ học sinh đều là con em đồng bào Mông.
Do chưa có đường ôtô nên để vào trung tâm bản Sài Khao chỉ có thể đi xe máy theo các con đường mòn cheo leo trên lưng chừng núi cao. Cuộc sống của đồng bào Mông ở Sài Khao còn khó khăn, chủ yếu mang tính tự cung tự cấp và phụ thuộc vào trợ cấp của nhà nước nên con đường đến trường của trẻ em nơi đây còn gặp rất nhiều khó khăn.