Cưỡng hiếp – hiểm nguy rình rập phụ nữ tìm đường tới châu Âu

Bị cướp bóc, đánh đập, đe dọa hay thậm chí cưỡng hiếp là những mối nguy hiểm luôn rình rập phụ nữ tị nạn trên con đường tìm đến miền đất hứa châu Âu.

Samar, một phụ nữ tị nạn người Syria, cùng ba con gái đến Đức hồi tháng 11 sau 14 tháng rong ruổi trên đường. Ảnh: New York Times
Một phụ nữ Syria trong dòng người tị nạn tới Đức bị ép quan hệ tình dục với những kẻ buôn người để trả số nợ mà chồng cô vướng phải. Một người khác thì bị đánh đến bất tỉnh bởi một cai ngục sau khi cô từ chối đáp ứng yêu cầu của hắn.

Người thứ ba, Esraa al-Horani, cựu chuyên gia trang điểm, lại phải cải trang thành nam giới để tránh ánh mắt soi mói của những người đàn ông đi cùng. Nay dù đã tới được một khu trại khẩn cấp dành cho người tị nạn ở Berlin, al-Horani vẫn sống trong tâm lý cảnh giác cao độ. Giống như nhiều phụ nữ khác, ban đêm, khi đi ngủ, cô phải kéo một chiếc tủ chặn cửa để giữ an toàn.

“Không có khóa hay bất cứ thứ gì khác”, al-Horani, nói. Cô được xem là một người may mắn khi chỉ bị “đánh đập và cướp”.

Tình trạng chiến tranh, bạo lực tại quê nhà, mánh khóe lọc lừa của những kẻ buôn người, những ngày dài đằng đẵng, chen chúc, lênh đênh trên biển hay một tương lai vô định đang chờ đón trước mắt tại một xứ sở xa lạ chỉ là số ít trong vô vàn hiểm nguy mà những người di cư phải đối mặt trên con đường từ Trung Đông tới châu Âu. Đối với phụ nữ, những hiểm họa này còn lớn hơn gấp nhiều lần.

Theo một số báo cáo, hàng nghìn phụ nữ đang bị ép phải kết hôn, bị lạm dụng thậm chí là bị buôn bán như nô lệ tình dục bởi chính những người đàn ông tị nạn đi cùng, những kẻ buôn người, thành viên nam trong gia đình và kể cả các nhân viên cảnh sát ở châu Âu. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có số liệu đáng tin cậy về tinh trạng bạo lực tình dục cũng như những hành vi ngược đãi khác đối với phụ nữ tị nạn.

Theo nhà tâm lý Susanne Hohne, lãnh đạo tại một trung tâm chuyên điều trị cho những phụ nữ nhập cư bị thương tổn về tinh thần, trong số 44 nữ bệnh nhân mà bà chăm sóc, hầu như tất cả đều từng là nạn nhân của bạo lực tình dục.

Một phụ nữ Syria 30 tuổi là mẹ của 4 con hồi đầu năm cùng gia đình rời quê hương để trốn chạy khỏi chiến tranh và nghèo đói. Nhưng khi người chồng hết tiền trả cho những kẻ buôn người ở Bulgary, anh ta đã dùng vợ mình để thay thế. Kể từ đó, trong suốt ba tháng, gần như ngày nào cô cũng bị hãm hiếp. Rồi rất nhanh chóng, chính người chồng cũng lạm dụng cô.

“Đây là một logic xoắn”, bà Hohne nói. “Những gì người chồng bắt vợ mình làm sau cùng lại thành thứ khiến danh dự của anh ta bị hoen ố. Người vợ bỗng dưng trở thành bên có tội”.

Người phụ nữ kể trên hiện tị nạn ở Berlin cùng các con. Tuy nhiên, cô vẫn ám ảnh đến mức không dám cung cấp tên của mình. Cô sợ bị chồng giết hoặc những người thân trong gia đình sẽ ghép cô vào tội làm “ô nhục” dòng họ.

Bà Hohne cho hay người phụ nữ này có mọi biểu hiện của triệu chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn như thường xuyên hồi tưởng về những gì đã xảy ra, mất ngủ và khó tập trung.

“Lúc này còn hoàn toàn bình thường nhưng chỉ một giây sau là cô ấy lại nhớ về quá khứ, những lúc phải xoay sở để né bom rơi đạn lạc ở Damascus hay những lần bị cưỡng hiếp ở Bulgary”, bà Hohne nói.

Ở Hy Lạp, một trong những cửa ngỏ chính vào châu Âu của người di cư, các trung tâm tiếp nhận thường đông đúc, chật kín người, thiếu thốn ánh sáng và không gian riêng dành cho phụ nữ độc thân, ông William Spindler từ cơ quan người tị nạn của Liên Hợp Quốc, cho biết. “Đàn ông, phụ nữ và trẻ em ngủ cùng chỗ”, ông nói.

Ngay cả tại Đức, một nơi được coi là tương đối an toàn, việc cung cấp những cơ chế bảo vệ cơ bản, tối thiểu cho phụ nữ, ví như một phòng ngủ có khóa, cũng không được đảm bảo.

“Ưu tiên hàng đầu chỉ là làm sao để những người tị nạn không phải sống trong cảnh vô gia cư”, bà Rabe, chuyên gia về bạo lực giới, nói. “Nhưng môi trường này lại vô tình tạo điều kiện cho các hành vi bạo lực nảy sinh. Chúng ta không thể bỏ qua các tiêu chuẩn”.

Tuy nhiên, theo Jan Schebaum, người quản lý hai cơ sở dành cho người tị nạn ở Berlin, để làm được điều đó không hề dễ dàng.

Cạm bẫy

Cựu chuyên gia trang điểm al-Horani là thành viên sống tại một trong những ngôi nhà mà ông Schebaum cai quản. Trong 120 người lớn ở đây, chủ yếu đến từ Syria và Afghanistan, có tới 80 người là đàn ông.

“Phụ nữ sống dưới cái bóng của những người đàn ông”, Schebaum nhận xét. “Tiếng nói của họ bị lấn át đi và đây chính là vấn đề”.

Tại các điểm phân phát thức ăn, phụ nữ thường xuyên phải đứng cuối hàng. Họ dành hầu hết thời gian sống trong phòng và rất hiếm khi đăng ký tham gia các hoạt động được thông báo trên bảng tin, ví dụ như đi thăm bảo tàng hay xem ca nhạc. Thậm chí, có một người phụ nữ Syria còn chưa bước chân ra khỏi khu nhà kể từ khi đến Đức vào hai tháng trước bởi chồng cô không cho phép điều này.

Ở các phòng giặt là, câu chuyện về việc những người phụ nữ bị lạm dụng, bạo hành, tấn công tình dục ngay trong chính gia đình mình cũng không phải là hiếm. Có người bị chồng đánh vì thói ghen tuông vô độ, người khác thì bị khinh rẻ, coi thường vì không thể sinh con.

Tuy vậy, những người phụ nữ tị nạn vẫn chịu sự phụ thuộc rất lớn vào chồng mình, vậy nên họ nhẫn nhịn chịu đựng và từ chối kháng cự. Theo lời kể của Schebaum, khi biết được trường hợp một người phụ nữ bị chồng đánh đập, ông đã gọi báo cảnh sát. Nhưng tất cả những gì Schebaum nhận được chỉ là những lời to tiếng của người vợ, đổ lỗi cho ông vì “cướp chồng” của cô ta. Kể từ đó, mỗi lần có báo cáo về một vụ bạo hành nào đó, ông chủ yếu xử lý bằng cách hòa giải.


Một bé gái Syria gào khóc khi bị những người di cư và tị nạn khác chèn ép tại biên giới của Hy Lạp và Macedonia. Ảnh: Reuters
Samar, 35 tuổi, là cựu nhân viên Bộ Tài chính Syria. Cô di cư đến châu Âu, rong ruổi trên những con đường suốt 14 tháng cùng ba con gái hai, 8 và 13 tuổi. Samar cho hay có lẽ cô sẽ không bao giờ quên được những căng thẳng và nỗi vất vả mà mình phải chịu trong hành trình đầy khó khăn này.

“Tôi chẳng dám rời mắt khỏi các con quá một phút”, Samar nói bằng tiếng Arab qua người phiên dịch. Cô cùng những bà mẹ đơn thân khác phải chia ca ra ngủ để thay phiên canh chừng các con.

Nhưng khi tới Izmir, Thổ Nhĩ Kỳ, lúc chuẩn bị lên thuyền tới Hy Lạp, Samar đã bị cướp. Trong người cô không còn tiền để trả cho bọn buôn người. Một người đàn ông tự xưng là Omar nói sẽ đưa Samar đi cùng nếu cô quan hệ tình dục với ông ta.

“Ai cũng biết chỉ có hai cách để trả cho bọn buôn người”, Samar nói. “Bằng tiền hoặc bằng chính thân thể”.

Tuy nhiên, Samar đã từ chối. Điều này khiến Omar vô cùng tức giận. Đêm đó, ông ta xông vào phòng cô và buông lời lẽ hăm dọa.

Samar phải ở lại làm việc ở Thổ Nhĩ Kỳ gần một năm để tiết kiệm 4.000 euro, số tiền cần để cô hoàn thành nốt hành trình.

Hohne tỏ ra đồng cảm với những gì mà phụ nữ tị nạn phải gánh chịu song theo bà không có một giải pháp dễ dàng cho vấn đề này. Xây dựng trại tị nạn dành riêng cho phụ nữ không phải là một phương án khả thi bởi mọi gia đình người tị nạn đều mong muốn được ở cạnh nhau. Thêm vào đó, “ngay chính những người đàn ông cũng bị tổn thương về tinh thần”, bà nhấn mạnh.

“Không có trắng hay đen, tốt hay xấu”, Hohne nói. “Nếu muốn giúp đỡ phụ nữ, chúng ta cũng phải giúp cả những người đàn ông nữa”.

Tuyển dụng xuất khẩu lao động Đài loan

Thông báo tuyển trực tiếp xuất khẩu lao động Nhật Bản

comments

Nội dung liên quan