Tháng 8.2016, chiến hạm lớp Gepard 3.9 thứ 3 của Việt Nam sẽ thử nghiệm trên biển, và tháng 11.2016 là chiếc thứ 4, theo giám đốc Nhà máy đóng tàu Gorky ở Zelenodolsk, CH Tatarstan, Nga.
Từ tháng 8.2016, cặp chiến hạm Gepard 3.9 thứ hai của Việt Nam sẽ thử nghiệm trên biển, theo Nhà máy đóng tàu Gorky ở Zelenodolsk, Nga – Ảnh: NM Gorky
Trả lời phỏng vấn tạp chí BusinessOnline (Tatarstan) ngày 11.12.2015, ông Renat Mistahov, giám đốc Nhà máy cho biết việc thử nghiệm trên biển cặp tàu hộ tống tên lửa lớp Gepard 3.9 (Dự án 11661) thứ 2 của Hải quân Việt Nam sẽ tiến hành vào năm 2016. Cụ thể chiếc đầu tiên sẽ thử nghiệm vào tháng 8.2016, và chiếc kế vào tháng 11.2016.
Việc huấn luyện đào tạo thủy thủ đoàn Việt Nam được tiến hành tại căn cứ Novorossiysk ở Biển Đen. Việc thử nghiệm cũng diễn ra ở đây, và dự kiến Nhà máy sẽ bàn giao cặp tàu Gepard thứ hai này cho Việt Nam cũng tại căn cứ nói trên.
Trước đó, vào năm 2011, Nhà máy này đã bàn giao 2 chiếc chiến hạm Gepard 3.9 đầu tiên cho Việt Nam là 011 Đinh Tiên Hoàng và 012 Lý Thái Tổ.
Diễn đàn quân sự Nga Bmpd cho biết theo hợp đồng cấp chính phủ, Việt Nam đặt Nga đóng tiếp 2 tàu hộ tống tên lửa Gepard 3.9 vào ngày 17.10.2012, trị giá 700 triệu USD. Ngày 15.2.2013, tập đoàn xuất khẩu vũ khí Nga Rosoboronexport ký hợp đồng giao Nhà máy đóng tàu Gorky đóng 2 chiến hạm này. Và ngày 24.9.2013, hai tàu đã được khởi công.
Theo hợp đồng, chiếc tàu số serie 956 sẽ được bàn giao cho Việt Nam vào tháng 11.2016, chiếc số hiệu 957 là vào tháng 3.2017. Tuy nhiên thời hạn giao hàng đã phải lùi lại.
Theo ông Mistahov, việc hoàn thành 2 tàu Gepard 3.9 thứ hai này cho Việt Nam vừa qua gặp một số khó khăn, đó là việc Ukraine ngưng không cung cấp động cơ turbin khí cho cặp tàu này theo như hợp đồng đã ký với phía Nga. Nhà máy đã tìm một đối tác nước ngoài khác để đặt mua động cơ và cam đoan người sử dụng cuối cùng là Hải quân Việt Nam, và điều này là đủ để tiếp tục giao hàng. Tuy nhiên, ngày giờ giao hàng bị chậm trễ. Nhưng Nhà máy đã tiến hành những “công việc tuyệt vời” về thay đổi công nghệ đóng tàu để thúc đẩy tiến độ, vì vậy sự chậm trễ trong việc giao động cơ là không nghiêm trọng.
Việc bàn giao cặp tàu Gepard thứ 2 này cho Việt Nam sẽ diễn ra lần lượt vào năm 2017 – 2018, theo ông Mistahov.
Cặp tàu Gepard 3.9 thứ hai của Hải quân Việt Nam trong nhà xưởng Nhà máy đóng tàu Gorky – Ảnh: Nhà máy Gorky
Được biết ngày 20.11, ông Mistahov nói với báo VZ.ru rằng 2 tàu Gepard của Việt Nam đã được lắp động cơ, và việc mua 2 động cơ này là nhờ sự hỗ trợ của khách hàng, tức phía Việt Nam: “Chúng tôi mua được các động cơ này thông qua Việt Nam”.
Về tiến độ đàm phán đặt đóng tiếp cặp tàu Gepard thứ ba, giám đốc Nhà máy đóng tàu Gorky cho hay phía Việt Nam rất quan tâm với loại tàu chiến này. Hơn nữa, sau khi đánh giá hiệu quả của các tàu tên lửa do Nhà máy chế tạo trong đợt tấn công bằng tên lửa Klub từ biển Caspi vào phiến quân IS tại Syria vừa qua, phía Việt Nam muốn thay thế hệ thống tên lửa Uran trên tàu Gepard cặp thứ 3 bằng hệ thống tên lửa Klub (phiên bản xuất khẩu của hệ thống Kalibr).
Tàu tên lửa của Hạm đội Caspi phóng tên lửa hành trình Kalibr (Klub) tấn công phiến quân IS ở Syria ngày 7.10.2015 – Ảnh: Hải quân Nga
“Chúng tôi có kinh nghiệm trong việc lắp đặt các hệ thống tên lửa Kalibr trên tàu lớp Gepard như chiếc Dagestan, soái hạm của Hạm đội Caspi. Tàu Gepard trang bị tên lửa Klub thậm chí sẽ có hỏa lực mạnh nhất ở Đông Nam Á. Tuy nhiên hợp đồng đặt đóng vẫn đang còn trong giai đoạn đàm phán, phía Nhà máy chúng tôi thì đã sẵn sàng. Hiện nay chúng tôi đang đóng 21 tàu chiến các loại, nhưng mặt bằng và thiết bị đều có thể đáp ứng với đơn đặt hàng mới”, ông Mistahov nói với BusinessOnline.
Anh Sơn