Hai kẻ tình nghi xả súng tại một trung tâm xã hội ở San Bernardino, Mỹ, từng bàn kế hoạch tử vì đạo và bị cực đoan hóa từ cách đây ít nhất hai năm.
Hai vợ chồng nghi phạm xả súng Tashfeen Malik (trái) và Syed Farook. Ảnh: AP
Các nhà điều tra tin rằng Syed Rizwan Farook và vợ Tashfeen Malik thậm chí bị cực đoan hóa từ khi hai người này còn chưa bắt đầu mối quan hệ trên mạng. Malik mang tư tưởng cực đoan từ trước khi đến Mỹ vào năm ngoái, AP dẫn lời ông James Comey, giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), hôm qua nói trước Ủy ban Tư pháp Thượng viện.
Hai nghi phạm “nói chuyện về chủ nghĩa cực đoan và tử vì đạo ít nhất là vào cuối năm 2013, trước khi đính hôn và làm đám cưới”, ông Comey nói.
Những phát hiện trên chỉ ra rằng Malik vốn đã mang tư tưởng cực đoan khi cô ta nộp đơn xin visa đến Mỹ và hệ thống kiểm tra, rà soát của chính phủ dường như không thể phát hiện ra điều này.
Malik được cấp visa K-1, diện hôn phu/hôn thê, và từ Pakistan đến Mỹ vào tháng 7 năm ngoái. Farook và Malik tổ chức đám cưới một tháng sau đó.
Theo Comey, Farook và Malik rõ ràng được truyền cảm hứng từ một tổ chức khủng bố nước ngoài nhưng nhà chức trách chưa biết liệu việc hai người gặp nhau trên mạng là do sắp đặt hay tình cờ.
Cơ quan điều tra trước đó tiết lộ Malik đăng tải những dòng thông điệp thề trung thành với thủ lĩnh tối cao của Nhà nước Hồi giáo (IS) Abu Bakr al-Baghdadi trên Facebook bằng một tài khoản không mang tên cô ta.
Những kẻ có vũ trang hôm 2/12 nổ súng tại Trung tâm Vùng Nội địa, một cơ quan hỗ trợ người khuyết tật ở San Bernardino, khiến 14 người thiệt mạng và 17 người bị thương. Hai nghi phạm là Farook, 28 tuổi, và Malik, 27 tuổi, bị tiêu diệt trong một cuộc đấu súng với lực lượng cảnh sát.