Lén điều quân đến Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ khuấy đảo khu vực

Hàng nghìn binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đã xâm nhập sâu vào lãnh thổ Iraq và lập nên ba trại huấn luyện cho người Kurd mà không được chính quyền Baghdad chấp thuận.
1-5087-1449461340
Iraq phản đối quyết liệt khi Thổ Nhĩ Kỳ điều các đơn vị quân đội vũ trang hạng nặng tới Mosul. Ảnh: DHA
Ngày 6/12, chính phủ Iraq tuyên bố có thể sẽ cầu viện Liên Hợp Quốc sau khi nước này phát hiện Thổ Nhĩ Kỳ điều một đơn vị quân đội lớn được xe thiết giáp hộ tống tiến vào khu vực gần thành phố Mosul của Iraq mà không xin phép Baghdad.

Ông Hakim al-Zamili, chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc phòng Quốc hội Iraq thậm chí còn đe dọa rằng Baghdad có thể nhờ tới sự “can thiệp quân sự trực tiếp” của Nga để đối phó với hành động “xâm phạm chủ quyền” này của Thổ Nhĩ Kỳ, theo Sputnik. Ankara đã phải tuyên bố ngừng đưa quân tới Iraq sau các tuyên bố trên.

Giới phân tích cho rằng việc Thổ Nhĩ Kỳ đưa hàng trăm quân tới Iraq để thực hiện kế hoạch hỗ trợ huấn luyện quân sự cho dân quân người Kurd “chống lại phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS)” ở Mosul là một hành động nhằm gây chia rẽ, bất ổn ở Iraq, nâng cao vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ ở khu vực Trung Đông, đồng thời gửi thông điệp mạnh mẽ tới Nga, nước đang có những bất đồng sâu sắc với Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo tờ Sabah của Thổ Nhĩ Kỳ, nước này hiện có khoảng 1.200 lính bộ binh, 500 lính bộ binh cơ giới với nhiều xe tăng, xe bọc thép và pháo ở khu vực Bamarni, gần thành phố Mosul của Iraq. Ngoài ra, họ còn có 400 lính đặc nhiệm đóng quân tại thị trấn biên giới Kanimasi, cùng 25 xe tăng được điều đến khu vực này.

Lực lượng này đã đóng quân bên trong lãnh thổ Iraq suốt hơn một năm rưỡi nay mà chính quyền trung ương Baghdad không hề hay biết. Từ năm 2014, Thổ Nhĩ Kỳ đã mở trại huấn luyện Bashiqa ở ngoại ô Mosul cho dân quân người Kurd, đồng thời mở thêm hai căn cứ nữa ở Soran và Qalacholan thuộc khu tự trị người Kurd ở miền bắc Iraq.

Trong thời kỳ này, Thổ Nhĩ Kỳ đã huấn luyện được khoảng 2.500 dân quân người Kurd (peshmerga) và 1.250 tay súng người Sunni, những người cáo buộc chính quyền trung ương Iraq phân biệt đối xử với họ.

Là một cường quốc Trung Đông với đa số người dân theo dòng Sunni, Thổ Nhĩ Kỳ có quan hệ mật thiết với lực lượng người Kurd ở Iraq do chính trị gia Massoud Barzani lãnh đạo hơn chính quyền trung ương do người Shiite nắm quyền kiểm soát ở Baghdad. Một phát ngôn viên của chính quyền tự trị người Kurd hôm 5/12 xác nhận người Thổ Nhĩ Kỳ đã ở trại huấn luyện Bashiqua để huấn luyện dân quân peshmerga.

Theo ông Mehmet Kaya, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tigris ở Thổ Nhĩ Kỳ, việc nước này điều quân tới Bashiqa là một động thái nhằm ngăn ngừa người Kurd ở Iraq đi theo đảng PKK, một lực lượng chính trị đòi độc lập cho người Kurd ở khu vực biên giới, và bị Ankara liệt vào danh sách khủng bố.

Ngoài ra, đây còn là một nỗ lực nhằm khoét sâu mâu thuẫn, xa cách giữa cộng đồng người Kurd tự trị ở Iraq với chính quyền trung ương nước này, nhằm gia tăng vị thế cho Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực.

Phản ứng giận dữ của chính phủ Iraq thể hiện mối quan hệ căng thẳng ngày càng tăng giữa Baghdad và chính quyền tự trị người Kurd ở Erbil của ông Barzani. Với việc điều quân tới gần Mosul, Thổ Nhĩ Kỳ đã tạo ra sự chia rẽ ngày càng sâu sắc giữa chính quyền trung ương Baghdad và chính quyền tự trị Erbil.

“Với quy mô của lực lượng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đóng quân ở Iraq, nhiều khả năng ông Barzani đã cho phép Ankara đồn trú lâu dài ở gần Mosul. Với việc Mỹ chuẩn bị triển khai hàng trăm lính đặc nhiệm tới Iraq, các quan chức ở Baghdad đang đặc biệt nhạy cảm với sự xuất hiện của bất cứ lực lượng nước ngoài nào”, ông Patrick Martin, chuyên gia phân tích tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh ở Washington, cho biết.

“Động thái điều quân mới nhất này nhằm tăng cường sự hiện diện của Thổ Nhĩ Kỳ, và đây chắc chắn là một phần trong tham vọng sáp nhập lãnh thổ do người Kurd kiểm soát ở Iraq vào Thổ Nhĩ Kỳ”, ông Aaron Stein, chuyên gia Hội đồng Đại Tây Dương ở Washington, nhận định.

“Đối với nhiều người, đây sẽ được coi là một động thái của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm phá vỡ quốc gia Iraq”, chuyên gia này nói.

Yusuf Halacoglu, giáo sư sử học kiêm nghị sĩ đảng Phong trào Dân tộc (MHP) ở Thổ Nhĩ Kỳ đã mạnh mẽ chỉ trích kế hoạch “huấn luyện người Kurd” này của chính phủ và cho rằng những chính sách của Ankara ở Iraq đang làm tổn hại đến lợi ích quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo ông Halacoglu, chính sách “liều lĩnh, bất chấp dư luận” này của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ có thể làm phức tạp thêm tình hình ở điểm nóng Trung Đông, làm phương hại đến tiến trình đàm phán hòa bình để giải quyết cuộc khủng hoảng Syria đang diễn ra ở Vienna.

Trong một tuyên bố trên truyền hình nhà nước, Bộ Ngoại giao Syria lên án “sự vi phạm trắng trợn lãnh thổ Iraq của Thổ Nhĩ Kỳ”, và điều này cho thấy “vai trò phá hoại tiếp tục của Ankara ở Syria và Iraq”. Còn Iran, nước ủng hộ chiến binh người Shiitte ở Iraq, cho rằng động thái triển khai quân của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ “tạo ra hỗn loạn và rủi ro với an ninh khu vực”.

2-2916-1449464122
Khu tự trị của người Kurd ở miền bắc Iraq, giáp giới Thổ Nhĩ Kỳ. Đồ họa: BBC
Thông điệp gửi tới Nga

Theo ông Haluk Ozdemir, trưởng khoa quan hệ quốc tế tại Đại học Kirikkale, việc Thổ Nhĩ Kỳ điều các đơn vị quân đội tiến vào Iraq mà không xin phép chính quyền trung ương nước này là một tín hiệu cảnh báo tới Nga, nước đang có quan hệ hợp tác ngày càng chặt chẽ với Iraq.

Mặc dù là một đồng minh của Mỹ, gần đây Iraq đã bày tỏ sự ủng hộ đối với chiến dịch quân sự chống IS của Nga ở Syria và cho rằng chỉ có Nga mới có đủ quyết tâm và sức mạnh tiêu diệt nhóm khủng bố này. Chính phủ Iraq thậm chí còn bật đèn xanh cho Nga thực hiện các vụ không kích chống IS trên lãnh thổ nước mình.

Trong khi đó, quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng xấu đi sau vụ bắn rơi máy bay Su-24 trên biên giới Syria. Nga cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ ngầm ủng hộ và mua dầu của IS, trong khi Ankara tố cáo Moscow cố tình tiêu diệt các nhóm phiến quân người Turk thân Thổ Nhĩ Kỳ ở biên giới.

Sau khi chiếc Su-24 bị bắn rơi, Nga đã tiến hành một chiến dịch không kích dữ dội ở khu vực biên giới phía bắc Syria và tuyên bố xóa sổ các nhóm phiến quân hoạt động ở đây. Thổ Nhĩ Kỳ đã không phản ứng được gì trước hành động quyết liệt này của Nga.

Theo giới phân tích, chiến dịch quân sự trả đũa của Nga có thể gây thiệt hại nặng cho các nhóm phiến quân được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, làm suy giảm đáng kể ảnh hưởng và tiếng nói của Ankara, buộc nước này phải có những hành động nhằm khôi phục vị thế của mình trong khu vực.

“Việc điều quân đến gần Mosul nhằm mục đích trấn an các lực lượng thân Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực rằng họ không đơn độc, và đây cũng là một thông điệp mạnh mẽ được gửi tới Nga”, ông Ozdemir nhấn mạnh.

5-2501-1449461341
Việc điều xe tăng, bộ binh tới Iraq của Thổ Nhĩ Kỳ có thể là một động thái nhằm thách thức Nga. Ảnh: RT

Tuyển dụng xuất khẩu lao động Đài loan

Thông báo tuyển trực tiếp xuất khẩu lao động Nhật Bản

comments

Nội dung liên quan