Dù không có cơ chế cưỡng chế nhưng các phán quyết của tòa án quốc tế vẫn có những sức mạnh riêng và Trung Quốc có thể phải trả một giá thích đáng nếu cố tình “bỏ ngoài tai” các phán quyết về vấn đề Biển Đông.
Hôm 30.11, phiên điều trần vụ kiện của Philippines về yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông tại tòa Trọng tài thường trực (PCA) của Liên Hợp Quốc ở The Hague (La Haye), Hà Lan đã kết thúc với sự tự tin chiến thắng của Manila trong khi Bắc Kinh tuyên bố không tham gia và không chấp nhận các phán quyết của tòa.
Trung Quốc thực hiện nhiều hành động xây dựng và bồi lấp phi pháp trên Biển Đông
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng, sự kiện này như một “hòn đá tảng” đeo trên “ngực” các nhà ngoại giao Trung Quốc, nhất là trong các cuộc họp cấp cao tầm khu vực bởi đây là lần đầu tiên một tòa án quốc tế chính thức can thiệp vào tranh chấp trên Biển Đông và khiến Bắc Kinh khó có thể phớt lờ luật lệ như trước đây.
Nếu tòa xử Philippines thắng thì đây sẽ là một thất bại lớn về mặt ngoại giao của Trung Quốc, và nếu vẫn cố tình phớt lờ các phán quyết, Bắc Kinh sẽ phải trả giá thích đáng.
Một chuyên gia nhận định, nếu tòa ra phán quyết chống lại Trung Quốc thì đây sẽ là mấu chốt quan trọng để các nước phương Tây gia tăng áp lực với Bắc Kinh trong các cuộc gặp song phương và các diễn đàn đa phương.
“Những nước khác đang có chung tranh chấp trên Biển Đông sẽ dùng đòn này để chống lại Bắc Kinh. Đó là lý do tại sao Trung Quốc “sợ” đem vấn đề này ra tòa”, Ian Storey, một chuyên gia về Biển Đông của Học viện Nghiên cứu Đông Á tại Singapore nhận xét.
Tòa án Trọng tài thường trực (PCA) của Liên Hợp Quốc ở The Hague (La Haye), Hà Lan.
Trong khi đó, chuyên gia an ninh Bonnies Glaser thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Washington lại cho rằng: “Trung Quốc sẽ phải trả một cái giá tầm cỡ quốc tế nếu tiếp tục phớt lờ các phán quyết của tòa án quốc tế về vấn đề Biển Đông. Rõ ràng việc từ chối tham gia phiên tòa là một chiêu bài của Bắc Kinh hòng trốn tránh vấn đề”.
Việc Trung Quốc “trốn” tham gia vào các phiên điều trần được tờ Reuters bình luận: “Bằng cách từ chối tham gia vào các phiên tòa, Trung Quốc đã tự bỏ qua cơ hội để chính thức bảo vệ tuyên bố của mình một cách pháp lý nhất”.
Cũng theo các chuyên gia, dù phán quyết của tòa án PCA mang tính ràng buộc với tất cả các thành viên, bao gồm Trung Quốc nhưng tòa án không có cơ chế thực thi. Do vậy, những phán quyết của PCA thường bị các nước bỏ qua. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là các quốc gia có thể phớt lờ những quy định của luật. Dù không có cơ chế cưỡng chế nhưng các phán quyết của tòa quốc tế vẫn có những sức mạnh riêng.
Trong lịch sử đã từng xảy ra tiền lệ về việc các cường quốc cố chấp phủ nhận phán quyết của tòa án quốc tế. Nhưng áp lực của dư luận và cộng đồng đã buộc họ phải tuân thủ và thực thi bản án.
Đơn cử như trong vụ kiện của Nicaragua và Mỹ tại Tòa án Công lý quốc tế năm 1984. Theo phiên tòa, Mỹ bị xử thua kiện và buộc phải bồi thường 300 triệu USD nhưng Washington từ chối chấp nhận bản án trên. Sau đó, trước sức ép của quốc tế, Mỹ phải đưa gói viện trợ trị giá 500 triệu USD cho Nicaragua dù không thừa nhận đây là tiền bồi thường.
Trưởng đoàn luật sư Philippines Florin T. Hilbay đọc tuyên bố của Manila tại tòa.
Trên bình diện ngoại giao, nhiều quốc gia đã lên tiếng ủng hộ việc tòa án quốc tế nhận vụ kiện của Philippines và gửi quan sát viên tới tham dự buổi điều trần.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby cho biết, Mỹ hoan nghênh việc PCA xét xử vụ kiện của Philippines và Trung Quốc. “Điều này cho thấy luật pháp quốc tế được áp dụng và quyết định của PCA sẽ có tính ràng buộc pháp lý với cả Philippines và Trung Quốc”, ông Kirby cho biết.
Thủ tướng Đức Angela Merkel trong chuyến thăm Bắc Kinh hồi tháng 10.2015 đã đề nghị Trung Quốc tham dự phiên tòa để cùng giải quyết các vấn đề tranh chấp trên biển Đông.
Tại các cuộc hội đàm của các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Australia và Nhật Bản tại Sydney hôm 22.11, các bộ trưởng của 2 nước này cũng lên tiếng ủng hộ việc đưa tranh chấp trên Biển Đông ra tòa án quốc tế.
Trong khi đó, Giám đốc an ninh của Indonesia hồi tháng 11 cũng cho hay, Jakarta có thể đưa Bắc Kinh ra tòa nếu yêu sách chủ quyền đường lưỡi bò của Bắc Kinh trên Biển Đông không thể giải quyết được qua đối thoại.