Huy động tới 25 máy bay ném bom hạng nặng cùng tham gia một chiến dịch tấn công Nhà nước Hồi giáo, Moscow đang cho thấy sức mạnh áp đảo cũng như khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Nga.
Máy bay ném bom chiến lược Tupolev Tu-160 của Nga. Ảnh: Reuters
Cơ quan An ninh Nga hôm 17/11 công bố nguyên nhân chiếc máy bay chở khách của nước này rơi trên bán đảo Sinai, Ai Cập, hồi cuối tháng trước, là do khủng bố khiến 224 người thiệt mạng. Trước đó, phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) khoe khoang đã hủy diệt chiếc máy bay. Để đáp trả, Kremlin cùng ngày triển khai một chiến dịch không kích lớn nhất nhằm vào các mục tiêu IS ở Syria, theo National Interest.
Bộ Quốc phòng Nga thông báo hàng loạt tên lửa đã phóng đi từ các oanh tạc cơ chiến lược của nước này như Tupolev Tu-22M3 Backfire, Tu-95MS Bear và Tu-160 Blackjack. Cả ba mẫu trên đều có thể bay hàng nghìn km và mang theo hơn 20 tấn vũ khí, đạn dược. Thêm vào đó, tàu chiến Nga trên Địa Trung Hải còn bắn tên lửa hành trình nhằm vào Raqqa, trung tâm đầu não của IS ở Syria.
Trong lượt tấn công đầu tiên, hơn 10 máy bay ném bom Tu-22M3 liên tục công kích vào những cứ điểm do IS kiểm soát thuộc tỉnh Raqqa và Deir Ezzor. Sau đó, một phi đội gồm máy bay ném bom siêu thanh Tu-160 cùng máy bay ném bom 4 cánh quạt Tu-95MS Bear phóng một loạt 34 tên lửa hành trình không đối đất vào các cơ sở của phiến quân ở Aleppo và Idlib. Chiến dịch này đánh dấu lần đầu tiên trong nhiều năm trở lại đây các máy bay ném bom chiến lược Nga mới tham gia chiến đấu.
25 oanh tạc cơ Moscow còn được hộ tống bởi 8 tiêm kích Su-34 Fullback cùng 4 chiến đấu cơ đa nhiệm Su-30SM. Các máy bay Su-34 Fullback góp phần tiêu diệt hai trạm cung cấp nhiên liệu cùng 50 phương tiện của các tay súng cực đoan. Kết quả là khả năng xuất khẩu dầu mỏ bất hợp pháp của quân khủng bố đã bị suy giảm đáng kể, thông báo từ Bộ Quốc phòng Nga cho hay.
Các khu vực máy bay Nga oanh kích trong chiến dịch hôm 17/11 (chấm đỏ). Đồ họa: BBC
Bên cạnh đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng yêu cầu tuần dương hạm Moskva, thuộc lớp Slava, đang hoạt động trên Địa Trung Hải phối hợp tác chiến với các lực lượng Pháp tại khu vực. Động thái này là dấu hiệu ban đầu phản ánh một thực tế là Nga và một số nước phương Tây đang xích lại gần nhau trong cuộc chiến chống IS dù để đạt đến mức độ hợp tác thực chất thì vẫn còn một quãng đường dài phải đi, chuyên gia đánh giá.
Pháp đang đẩy mạnh nỗ lực chiến đấu chống IS sau vụ việc tổ chức này hôm 13/11 thực hiện chuỗi 6 vụ tấn công đẫm máu ở thủ đô Paris, khiến ít nhất 129 người thiệt mạng và hơn 300 người bị thương.
Charles De Gaulle, tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân duy nhất của Pháp, được cho là sắp tới khu vực để bắt đầu bắn phá các cứ điểm IS. Con tàu này dù chỉ nhỏ bằng một nửa tàu sân bay lớp Nimitz hay Ford của hải quân Mỹ nhưng trang bị một loạt chiến đấu cơ hiện đại bậc nhất như Rafale, tiêm kích Super Étendard hay phi cơ cảnh báo sớm trên không E-2C Hawkeye. Theo thiết kế, Charles De Gaulle, còn có thể mang theo cả những chiến đấu cơ cỡ lớn hơn như Boeing F/A-18E/F Super Hornet.
Bình luận viên David Axe từ Daily Beast miêu tả đòn phủ đầu mới nhất của Moscow nhằm vào IS là “một trong những chiến dịch oanh kích lớn và phức tạp nhất trong lịch sử hiện đại”. Đây là tín hiệu cho thấy Nga đang có kế hoạch tăng cường hơn nữa nỗ lực không kích ở Syria, đồng thời làm hồi sinh những phi đội máy bay ném bom hạng nặng từng phải đắp chiếu vì vấn đề thiếu kinh phí.
Việc huy động tới 25 máy bay ném bom hạng nặng trong một nhiệm vụ tấn công cũng được xem như một nước đi mạnh tay của Điện Kremlin khi mà trong kho vũ khí của Nga hiện chỉ có khoảng 70 chiếc Backfire, 58 chiếc Bear và 13 chiếc Blackjack. Quy mô ấn tượng của chiến dịch cũng thể hiện năng lực sẵn sàng chiến đấu của Moscow đã được cải thiện đáng kể.Vào thập niên 90 hay đầu những năm 2000, Nga phải cho ngừng hoạt động hầu hết các chiến đấu cơ vì không đủ tiền mua nhiên liệu và trả lương phi công.
“Khi 25 chiến đấu cơ mạnh mẽ nhất thế giới cùng tấn công tại một thời điểm, đó còn hơn cả một cuộc không kích đơn thuần. Đó là một tuyên bố tới cả thế giới”, Axe bình luận.
Để so sánh, các máy bay ném bom Mỹ khi làm nhiệm vụ thường đi một mình hay thành cặp, rất hiếm khi bay thành đội với số lượng lớn như cách thức mà Nga thực hiện trong chiến dịch hôm qua.
Ivan Konovalov, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược, nhận định sự tham gia của máy bay ném bom Nga vào các nhiệm vụ công kích mục tiêu IS cho thấy tiềm năng lớn của Moscow trong việc sử dụng những loại vũ khí và phương pháp khác nhau để xử lý tình huống chiến trận, minh chứng cho “sức mạnh cũng như khả năng linh động của quân đội Nga” khi đối phó với khủng bố.