13 lao động từ Algeria về nước: Ám ảnh bị nhà thầu Trung Quốc đánh đập, bỏ đói

Ông Nguyễn Ngọc Trì, ở xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất (Hà Nội): “Từ khi đi tôi mới gửi về nhà được 192USD, nhà tôi chỉ làm nông, nợ nần chưa biết lấy đâu mà trả, chỉ mong Cty, mong Nhà nước tạo điều kiện cho tôi lấy lại tiền đặt cọc. Chúng tôi về đây rồi còn mấy chục anh em vẫn ở bên đó, hai người bị thương vẫn chưa về được. Nghĩ cảnh chủ Trung Quốc đánh lao động Việt Nam mà sợ, có khi họ đánh tại công trường, có khi họ lôi lên phòng làm việc, lãnh đạo cũng đánh”.

lao-động-Algeria-về-nước

Hơn 14h ngày 17.11, 13 lao động đầu tiên trong số 57 lao động được Cty Simco Sông Đà cử tuyển sang Algeria làm việc bị nhà thầu Trung Quốc đánh đập, bỏ đói đã về đến sân bay Nội Bài. Hàng chục thân nhân của nhóm công nhân đón họ trong nỗi tủi mừng: Vui vì gặp lại người thân, buồn vì gánh nặng nợ nần đổ lên vai khi lao động đi làm việc chưa được bao lâu lại trở về.

Trước đó, vào đầu tháng 10.2015, các công nhân VN tại Algeria kêu cứu khẩn cấp về việc bị chủ sử dụng Trung Quốc ngược đãi. Trước tình hình trên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo Bộ Ngoại giao, Bộ LĐTBXH cùng các đơn vị liên quan làm việc với cơ quan chức năng Algeria để giải quyết quyền lợi của NLĐ, khẩn trương giải quyết những trường hợp có nguyện vọng về nước.

“Nhìn thấy người thân muốn khóc”

Ông Nguyễn Ngọc Trì ở xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất (Hà Nội) cho biết: “Ở Algeria, công việc của lao động (LĐ) không đúng như trong hợp đồng, chủ Trung Quốc tính lương lúc khoán, lúc công nhật. Nếu làm công nhật, thợ xây dựng ngày phải đủ 14m2 ốp lát, đạt 24 – 27m2 trát, không ai làm đủ số đó, bản thân tôi chỉ làm chục mét/ngày. Trong khi đó, thợ ốp trát phải tự chở vật liệu từ dưới đất lên nơi thi công. Khi được hỏi có muốn đi tìm cơ hội ở một thị trường khác hay không, ông Trì quả quyết: “Về cho yên ổn, chẳng nghĩ chuyện đi. Đến đây nhìn thấy người thân chỉ muốn khóc”, vừa nói, ông Trì vừa ghì chặt cháu ngoại chừng hai tuổi trong tay.

Cũng theo ông Trì, trước khi về VN, chủ Trung Quốc yêu cầu toàn bộ LĐ phải ký vào biên bản LĐ chủ động về nước, nếu không ký, phía VN không gửi tiền sang, không có tiền về, nhưng tất cả đồng lòng không ký. Trước đó, ông Trì từng đi Libya, Dubai, các chuyến đi trước làm được đồng nào gửi về quê cho vợ con, không có tích lũy. Chuyến đi Algeria chưa được 5 tháng, ông Trì mới gửi được 192USD về cho gia đình. “Món nợ treo lơ lửng, là tôi vay của chị gái và chị vợ, chưa biết nhìn vào đâu mà trả” – ông Trì ngậm ngùi.

Vượt 60km đón chồng, chị Lưu Thị Hoa cũng ở xã Hương Ngải không giấu được sự nôn nóng ở sảnh sân bay. Chị Hoa cho biết, chồng chị không có tiền chủ động liên lạc về nhà mà toàn gia đình chủ động gọi sang. “Việc chồng về, Cty không hề cho biết, chúng tôi tự liên lạc rồi lên đón người thân. Đến nay cũng chưa nhận được thông báo cách xử lý hợp đồng như thế nào. Lần này chồng tôi đi chi phí hết 47,7 triệu đồng, phải vay mượn hoàn toàn. Đi chưa được 5 tháng anh lại về, nợ lại thêm nợ…” – chị Hoa than thở.

Giơ vạt áo rách nát, anh Nguyễn Hữu Cẩn sinh năm 1971, quê ở huyện Thạch Thất (Hà Nội) nói: “Áo quần chúng tôi cũng không nên hồn, không có quần áo bảo hộ ở công trường thì các bạn biết điều kiện làm việc như thế nào”. Đi Algeria từ tháng 6, anh Cẩn bảo nhìn anh em bị chủ Trung Quốc đánh ai nấy đều rất sợ, thậm chí, chủ Trung Quốc dùng cán xẻng đánh LĐ. “Em sợ đi lắm rồi, em ở nhà thôi” – anh Cẩn lắc đầu khi PV hỏi có định xuất khẩu LĐ tiếp hay không.

Cân nhắc hỗ trợ

Trao đổi với PV Báo Lao Động chiều 17.11, ông Phạm Viết Hương – Phó Cục trưởng Cục Quản lý LĐ ngoài nước (Bộ LĐTBXH) cho biết, sau sự việc nhà thầu Trung Quốc hành hung công nhân, các cơ quan liên quan của VN như Bộ Ngoại giao, Bộ LĐTBXH… đã tích cực cùng vào cuộc tham gia xử lý. Bản thân doanh nghiệp (DN) cũng tích cực và thiện chí giải quyết. “Chúng tôi đánh giá cao sự vào cuộc tích cực của phía DN, với quyết tâm bằng mọi cách đàm phán với chủ sử dụng phía Algeria để đưa LĐ về theo lộ trình đã cam kết với người nhà của họ: Chậm nhất ngày 30.11 đưa LĐ về. Chúng tôi dự kiến ngày 25.11 sẽ đưa toàn bộ LĐ về nước” – ông Hương cho biết.

Đến nay, việc đàm phán hoàn thiện thủ tục cho 50 LĐ về nước cơ bản đã xong, đã chuyển tiền đền bù hợp đồng 1.700USD/người, mua vé máy bay về nước; 7 LĐ có nguyện vọng tiếp tục ở lại làm việc cũng được tạo điều kiện. “Quan điểm của cục là thời điểm này DN phải tập trung đưa LĐ về nước an toàn theo nguyện vọng. Sau đó, DN căn cứ quy định hiện hành và hợp đồng đã ký giữa DN và LĐ đồng thời rà soát các khâu tuyển chọn, đào tạo, triển khai,… xem trách nhiệm của các bên đến đâu”. Cũng theo ông Hương, chiều 16.11, cục đã làm việc với Phó TGĐ Cty Simco Sông Đà để trao đổi cụ thể kế hoạch tiếp theo. DN thống nhất trước mắt đưa LĐ về và sẽ giải quyết vụ việc căn cứ hợp đồng đã ký kết. LĐ có nguyện vọng tiếp tục đi thị trường khác, DN sẽ hỗ trợ tối đa; thậm chí có thể cân nhắc hỗ trợ đóng chi phí ban đầu.

Về những rủi ro khi ký hợp đồng cung ứng nhân lực qua trung gian là DN Trung Quốc, ông Hương cho hay, hiện có 2 hình thức, hoặc ký trực tiếp giữa DN Việt Nam với chủ sử dụng LĐ, hai là ký với đơn vị trung gian. “Ở Algeia, Trung Quốc là một đối tác kinh tế lớn của họ và các công trình xây dựng ở nước sở tại Trung Quốc là chủ đầu tư lớn. Việc ký kết hợp đồng qua trung gian Trung Quốc không có gì bất thường vì trong số 15 DNVN đưa LĐ qua Algeria, hầu hết ký kết qua đối tác Trung Quốc, trước đến nay cơ bản ổn định, chưa phát sinh vấn đề nghiêm trọng cho đến sự việc vừa rồi” – ông Hương khẳng định.

Anh Nguyễn Hữu Hạnh, ở huyện Thạch Thất (Hà Nội): “Chi phí đi làm việc tại Algeria hết gần 50 triệu đồng, từ tháng 6.2015 đến nay gia đình tôi mới nhận được 6 triệu tiền lương. Lo cho con cái ăn học chưa xong, nay lại thêm nợ nần, tôi thực sự chán nản”.

Ông Nguyễn Ngọc Trì, ở xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất (Hà Nội): “Từ khi đi tôi mới gửi về nhà được 192USD, nhà tôi chỉ làm nông, nợ nần chưa biết lấy đâu mà trả, chỉ mong Cty, mong Nhà nước tạo điều kiện cho tôi lấy lại tiền đặt cọc. Chúng tôi về đây rồi còn mấy chục anh em vẫn ở bên đó, hai người bị thương vẫn chưa về được. Nghĩ cảnh chủ Trung Quốc đánh lao động Việt Nam mà sợ, có khi họ đánh tại công trường, có khi họ lôi lên phòng làm việc, lãnh đạo cũng đánh”.

comments

Nội dung liên quan