95% lao động Việt Nam bày tỏ lo lắng về an sinh hưu trí

Thông tin trên được công bố tại hội thảo “Tương lai hưu trí, từ thách thức đến cơ hội” do Prudential, Viện Lão hóa toàn cầu và Quỹ dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam tổ chức ngày 8.9 tại Hà Nội, nhằm tìm cách cải thiện kế hoạch hưu trí tại Việt Nam.

an-sinh-hưu-trí
an-sinh-hưu-trí

Theo “Kết quả khảo sát về hưu trí tại khu vực Đông Nam Á, giai đoạn 2: Thách thức và cơ hội” được công bố tại hội thảo, có tới 95% số người được hỏi ở Việt Nam bày tỏ lo lắng không đủ tiền sinh sống khi về hưu. Trong khi đó, tỷ lệ này ở Trung Quốc là 50%.

Khảo sát cũng cho thấy, hiện chỉ có 1/5 lao động Việt Nam được hỏi hy vọng sẽ có thu nhập từ tài sản tài chính khi nghỉ hưu; 10% lao động Việt Nam được hỏi tin rằng con cái hoặc các thành viên khác trong gia đình là chỗ dựa thu nhập khi nghỉ hưu của họ… Những kết quả trên cho thấy lao động Việt Nam đang rất quan tâm đến việc làm gì để đối phó với an sinh hưu trí trong tương lai.

Điều này diễn ra khi già hóa đang là thách thức lớn với Việt Nam. Theo Tổng Cục dân số và Kế hoạch hóa gia đình, hiện tốc độ già hóa dân số tại Việt Nam đang dẫn đầu Châu Á và nhanh nhất thế giới. Hiện, trung bình mỗi người cao tuổi phải chịu 14 năm bệnh tật trong cuộc sống của họ và 95% người cao tuổi có bệnh.

Theo TS Nguyễn Ngọc Quỳnh – Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc, có tới 13,7% người cao tuổi gặp khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày và có nhu cầu hỗ trợ trong sinh hoạt. Đặc biệt, dưới 50% người cao tuổi có bảo hiểm y tế. Vì vậy, việc cần thiết là xây dựng hệ thống hưu trí toàn diện đa tầng bao gồm cả hưu trí nhà nước, tư nhân và hưu trí xã hội gắn liền với xây dựng bảo hiểm chăm sóc dài hạn.

Ông Wilf Blackburn – Tổng Giám đốc Prudential Việt Nam cũng cho biết, để góp phần cải thiện kế hoạch hưu trí tại Việt Nam, Prudential đang đệ trình lên Bộ Tài chính Việt Nam để đưa ra các giải pháp tương lai hưu trí tốt hơn, phù hợp hơn với hoàn cảnh và điều kiện của Việt Nam.

comments

Nội dung liên quan