Việt Nam xuất khẩu bã dứa sang Nhật Bản cho bò ăn

Bã dứa và các phụ phẩm từ dứa được doanh nghiệp Việt sấy khô, chế biến vượt biển tới Nhật Bản làm thức ăn chăn nuôi.

Bên cạnh sự phát triển từ các nhà máy sản xuất sản phẩm nông nghiệp cung cấp thực phẩm trong nước xuất khẩu, một thực tế hiện nay là phụ phẩm của các nhà máy này cũng được chế biến lại để xuất ngoại.

Trao đổi với Đất Việt, chị Vũ Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Công ty TNHH Hà Bình Minh (xã Đông Sơn, TP. Tam Điệp, Ninh Bình) cho biết công ty chuyên chế biến phụ phẩm từ dứa và bã dứa sang Nhật Bản làm thức ăn chăn nuôi.

Công ty TNHH Hà Bình Minh đã hoạt động từ năm 2005, mỗi năm xuất sang Nhật Bản hàng chục tấn phụ phẩm từ dứa và sản phẩm bã dứa đã qua sơ chế.

phu phẩm từ dứa

Phụ phẩm từ vỏ, cùi, núm dứa được Công ty Nhật Bản nhập khẩu làm thức ăn chăn nuôi.

Hai sản phẩm chính của Công ty là phụ phẩm dứa tươi được sấy khô và bã dứa đã ép chế biến ngâm ủ.

Các phụ phẩm dứa như vỏ, cùi, núm, lá dứa sau khi được cắt bỏ thì được phơi tạm khô rồi sấy chống mốc, và nghiền nhỏ. Sau đó, sản phẩm được ép khối theo tấn, đóng bao bì nilon chống mốc và bao bì bên ngoài.

Sản phẩm tươi là bã dứa được phơi bớt nước, rắc men vào bao đựng bã dứa đóng thành tấn sẵn, đóng gói đợi lên men trước khi xuất khẩu.

Theo chị Mỹ, các sản phẩm bã dứa tươi được rắc men và phụ phẩm dứa khô sấy chống mốc nghiền nhỏ đều được công ty ở Nhật Bản nhập về để làm thức ăn cho bò.

Chị Mỹ tiết lộ, sản phẩm khô nghiền nhỏ trước khi cho bò ăn thì được trộn với một loại nguyên liệu nữa, còn bã dứa lên men thì được trực tiếp cho bò ăn luôn.

Nguồn nguyên liệu được lấy để chế biến là các chất rác từ nhà máy sản xuất dứa ép của Công ty CP Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Dao, một công ty sản xuất sản phẩm nông nghiệp tập trung quy mô lớn trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

Vị Phó Giám đốc Công ty TNHH Hà Bình Minh cho hay, “Thị trường Nhật Bản vốn rất khắt khe với các sản phẩm nhập khẩu nhưng họ vẫn đồng ý nhập sản phẩm phụ phẩm ở Việt Nam thì điều đơn giản nhất được chứng minh là nó hoàn toàn có giá trị dinh dưỡng cao. Song tôi chưa thấy doanh nghiệp hay các cơ sở chăn nuôi nào mua các chế phẩm này về để làm thức ăn cho gia súc”.

Với hình thức kinh doanh từ các phế phẩm nông nghiệp xuất sang Nhật Bản hơn gần 200 tấn/ năm, hàng năm, doanh thu của công ty đạt khoảng 700 triệu đồng.

Chị Mỹ cho biết, hiện tại, nguồn cung từ dứa phụ thuộc vào mùa vụ dứa trong năm là 2 mùa vào tháng 6- 7 và đầu tháng 1. Vụ chính, lượng phụ phẩm dứa khoảng 3.000 – 4.000 tấn còn vào những vụ phụ, rải rác lượng nguyên liệu tính trung bình khoảng 2.000 tấn. Lượng phụ phẩm này đủ để công nhân có việc làm quanh năm do tính chất của phụ phẩm khó bị ôi mục.

Song những tháng gần đây, chị Mỹ vẫn phải sang các nhà máy lân cận tại Nghệ An, Thanh Hóa để đàm phán thu mua thêm cho đủ số lượng hàng yêu cầu.

Chia sẻ về sản phẩm xuất khẩu “lạ” này, chị Mỹ tâm sự: “Việc phát triển loại sản phẩm này không cần nhiều vốn đầu tư, giá bán cũng không lớn song trước mắt đã giải quyết được lượng rác thải từ các nhà máy sản xuất trên địa bàn, ngăn tránh được tình trạng ô nhiễm môi trường và tạo được việc làm cho lao động nhàn rỗi tại địa phương”.

phụ phẩm từ dưa.

Phế phẩm từ các nhà máy chế biến cũng được tận dụng để xuất ngoại.

“Hiện tại, công ty cũng đang gặp khó khăn về nguồn cung nguyên liệu song tính ổn định của thị trường Nhật Bản cũng tạo điều kiện để Công ty phát triển thường xuyên, đảm bảo đồng lương cho hơn 10 công nhân của Công ty có việc làm thường xuyên chứ không chỉ mang tính chất thời vụ”, chị Mỹ chia sẻ.

Chia sẻ về tương lai phát triển sản phẩm, chị Mỹ cho biết Công ty TNHH Hà Bình Minh đang thử nghiệm sản phẩm vỏ gấc để xuất sang Nhật Bản cũng với loại hình sản phẩm thức ăn chăn nuôi cho gia súc.

Nói về ý tưởng kinh doanh loại hình này, chị Mỹ thông tin, do có người quen giới thiệu Công ty có trụ sở tại TP. HCM chuyên xuất khẩu các phụ phẩm nông nghiệp, phế liệu nói chung như râu đầu tôm, đầu mực, cùi ngô, bã mía… sang Nhật Bản.

Ninh Bình có thế mạnh là các nông trường dứa nên chị quyết định phát triển sản phẩm này tận dụng nguồn phế liệu thải ra từ các nhà máy.

Các sản phẩm hiện nay của Công ty chị được xuất cảng tới công ty này rồi mới được xuất khẩu sang Nhật Bản.

Hàng năm, Công ty của Nhật Bản đều cử cán bộ theo đoàn tới thăm công ty, kiểm tra các yêu cầu kỹ thuật và điều kiện của xưởng chế biến.

Hiện tại, trên thế giới, các sản phẩm phế liệu nông nghiệp cũng cạnh tranh với hàng cùng loại được xuất từ Thái Lan, Malaysia, Indonesia.

Cúc Phương

 

comments

Nội dung liên quan