Từ đầu năm tới nay, cả nước có khoảng 408.000 người đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 3,4 % so với cùng kỳ năm trước. Theo Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) việc chi trả bảo hiểm thất nghiệp còn gặp khó khăn do cơ chế, chính sách và cần được điều chỉnh kịp thời…
Nhu cầu tìm việc của lao động sau khi đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp luôn cao.
Hồ sơ trợ cấp thất nghiệp tăng
Theo Cục Việc làm, số nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) tới nay là 408.356 người, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2014, bình quân khoảng 45.372 người/tháng.
Khu vực Đông Nam Bộ là vùng có số người nộp hồ sơ lớn nhất, với 45% tổng số người nộp hồ sơ hưởng TCTN trên toàn quốc. Tiếp đến là các vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, Đồng bằng Sông Hồng lần lượt tỉ lệ người nộp TCTN là chiếm 17,2% và chiếm 15,5%.
Tại các địa phương có đông người nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN, khảo sát của các trung tâm dịch vụ việc làm (TT DVVL) cho thấy: Nguyên nhân chính bởi nhiều người lao động đi làm việc tại các địa phương khác, khi thất nghiệp về địa phương nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN theo quy định tại NĐ 28/2015/NĐ-CP.
“Mặt khác, một số địa phương số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN tăng do tình hình sản xuất kinh doanh chưa ổn định sau khủng hoảng kinh tế, nhiều doanh nghiệp chuyển đổi loại hình kinh doanh, tái cơ cấu, thu hẹp sản xuất. Một số doanh nghiệp phải di dời tới địa phương khác nên cắt giảm lao động như Bắc Giang, Gia Lai, Đắc Lắc…” – một chuyên gia của Cục Việc làm cho biết.
Tăng chất lượng tư vấn việc làm
Đánh giá của Cục Việc làm, số lượng người thất nghiệp được tư vấn, giới thiệu việc làm qua 9 tháng đầu năm 2015 là: 345.466 người, chiếm 84,6% so với số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN, tỷ lệ này giảm 1,4% so với cùng kỳ năm 2014 (350.215 người).
Trong đó, số người được giới thiệu việc làm là: 86.040 người, chiếm 21,6% so với số người có quyết định hưởng TCTN, giảm 11,8% so với cùng kỳ năm 2014 (97.503 người).
Đánh giá của Cục Việc làm cho thấy, bên cạnh những hạn chế về công tác tư vấn giới thiệu việc làm đối với người lao động như kỹ năng tư vấn, giới thiệc việc làm của cán bộ trung tâm dịch vụ việc làm chưa đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của người lao động khi họ có nhu cầu quay trở lại thị trường lao động.
Nhiều TT DVVL còn bị thiếu hụt số lượng cán bộ chưa đủ để tổ chức tư vấn việc làm, tư vấn học nghề trực tiếp cho từng người thất nghiệp, do đó chưa nắm bắt hết được nhu cầu việc làm và học nghề của người lao động.
Ngoài ra, nhiều nguyên nhân từ phía người lao động như: Người lao động thất nghiệp chủ yếu là lao động phổ thông, trong khi nhu cầu lao động phổ thông ở các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía nam lớn nên người lao động dễ tìm lại việc làm sau khi mất việc.
Lao động chủ động nghỉ việc để hưởng TCTN và tìm công việc mới phù hợp hơn nên không có nhu cầu tư vấn, giới thiệu việc làm.
Người lao động có tâm lý tự tìm kiếm việc làm nhưng không thông qua TT DVVL. Hơn nữa, phần lớn các doanh nghiệp tự tuyển dụng lao động không thông qua các tổ chức trung gian.
“Bên cạnh đó, người lao động làm việc tại các thành phố lớn chuyển hưởng TCTN về địa phương, sau đó chuyển sang làm nông nghiệp, tự kinh doanh hoặc vì lý do gia đình nên không có nhu cầu tìm việc làm mới.
Một số lao động lớn tuổi sau khi nghỉ việc không có nhu cầu tìm việc làm mới; Ở một số địa phương kinh tế chưa phát triển dẫn đến cầu lao động chưa phong phú, chưa đa dạng làm hạn chế nhu cầu tìm việc làm mới của người lao động khi bị thất nghiệp” – một lãnh đạo TT DVVL Hà Nội cho biết.
Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật Việc làm: Khó khăn và tháo gỡ”.
Chương trình do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức vào lúc 9h30’ ngày 1/12.
Khách mời là các lãnh đạo Cục Việc làm, Bộ LĐ-TB&XH, lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố Hà Nội, Bảo hiểm xã hội VN. Chương trình được phát trực tuyến trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, truyền hình trực tiếp trên kênh truyền hình Quốc hội.
Mọi thắc mắc, chia sẻ xin mời quý vị gửi thư tới địa chỉ doithoai@chinhphu.vn hoặc gọi tới số 08048113.
Phan Minh