Mô hình làm một vụ tôm, một vụ lúa và không sử dụng phân bón hóa học tại các vùng xâm nhập mặn đang giúp nhiều nông dân Đồng bằng sông Cửu Long thu lãi lớn.
Thời gian gần đây, nhiều nông dân thuộc vùng chuyên canh lúa năng suất thấp ở các tỉnh ven biển như Kiên Giang, Bạc Liêu, Trà Vinh… đồng loạt mở rộng mô hình sản xuất theo hướng một vụ lúa, một vụ tôm, cho thu nhập rất cao.
Là một trong những người tiên phong triển khai mô hình này tại huyện Châu Thành (tỉnh Trà Vinh), ông Hồ Quang Xê cho biết trước đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên độ mặn ngày càng cao và thời gian ngập mặn kéo dài, dẫn đến năng suất lúa giảm liên tục. Mỗi ha lúa sản xuất theo tập quán độc canh chỉ đạt sản lượng từ 1,8 đến 2 tấn. Từ khi áp dụng mô hình làm lúa và nuôi tôm trên cùng một diện tích thì sản lượng tăng vọt, trung bình đạt khoảng 4,8-5 tấn mỗi ha. Đồng thời, giá lúa thu mua cũng tăng 10%, dao động khoảng 6.000 đồng một kg.
“Điểm khác biệt lớn nhất của mô hình này là nông dân không sử dụng phân bón hóa học nhằm hạn chế ô nhiễm đồng ruộng, tránh độc tố gây hại quá trình phát triển của tôm. Tôm nuôi trong ruộng sử dụng chủ yếu thức ăn tự nhiên, ít dịch bệnh và thải ra sản phẩm có thể sử dụng cho lúa phát triển. Vì vậy, chi phí đầu tư cũng tiết kiệm hơn bình thường”, ông Xê nói và cho hay trong toàn vụ 2015, mô hình này mang đến thu nhập cho gia đình ông khoảng 2,5 tỷ đồng. Nhiều hộ tại đây cũng đạt mức 2-2,5 tỷ đồng.
Nông dân thu hoạch tôm trong ruộng canh tác theo mô hình một vụ lúa, một vụ tôm.
Theo kết quả khảo sát của Viện Quản lý và Phát triển Châu Á (AMDI), mô hình lúa tôm mang lại lợi nhuận cao hơn 1,5 lần so với lúa hai vụ truyền thống. Trung bình mỗi ha quảng canh cải tiến lúa tôm tại Kiên Giang cho thu nhập 81,4 triệu đồng, tại Bạc Liêu và Cần Thơ lần lượt là 77,8 và 54 triệu đồng.
Bên cạnh việc kết hợp tôm lúa, một số địa phương cũng thử nghiệm thả nuôi cá rô phi, cua đồng để tăng giá trị kinh tế.
Bà Lê Thị Tú Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp GAP cho biết, đơn vị này bắt đầu triển khai mô hình lúa tôm tại nhiều tỉnh miền Tây từ năm 2013. Những giống lúa có thời gian sinh trưởng khoảng 95 ngày như ST5, Nàng keo… đang được nhiều nông dân lựa chọn bởi khả năng thích ứng tốt với độ mặn cao. Dù chỉ sử dụng phân bón sinh học nhưng nhiều diện tích ruộng đã ghi nhận sản lượng vượt mức 6 tấn trên mỗi ha. Thương hiệu “Gạo hữu cơ Lúa Tôm” được canh tác theo mô hình này đã chinh phục các thị trường khó tính như Mỹ và châu Âu bởi vị thơm đậm đà, hạt thơm dài và đảm bảo an toàn thực phẩm.
“Tuy giá gạo hữu cơ thành phẩm bán ra thị trường không cao hơn nhiều so với các quy trình canh tác khác, nhưng bù lại năng suất tốt nên lợi nhuận rất đáng kể. Chúng tôi đang tiếp tục mở rộng mô hình này, cam kết theo dõi quá trình phát triển của lúa tôm và bao tiêu sản phẩm cho nông dân”, bà Tú Anh cho biết.
Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy tính đến năm 2014, diện tích canh tác lúa tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long đạt khoảng 153.000 ha. Một số chuyên gia nông nghiệp ước tính hiện diện tích này đã tăng lên xấp xỉ 18.000 ha và theo quy hoạch đến năm 2020, có thể đạt 200.000 ha và đạt giá trị khoảng 25.000-30.000 tỷ đồng.