Nhiều người dân vẫn sống cảnh “màn trời chiếu đất” sau lũ

Nhiều người dân vẫn sống cảnh “màn trời chiếu đất” sau lũ

Dân trí Nhiều hộ dân ở vùng lũ của huyện miền núi Thạch Thành (Thanh Hóa) vẫn phải sống trong cảnh “màn trời chiếu đất” khi nhà bị nước lũ nhấn chìm. Nhiều ngày nay, người dân đã phải dựng lều lán trên đê, tại những điểm cao để ở tạm tránh lũ.

Đợt mưa lũ vừa qua, xã Thạch Định là một trong những địa phương bị ngập lụt nặng nề nhất của huyện Thạch Thành. Mặc dù đã nhiều ngày trôi qua, nhưng hàng chục nhà dân vẫn ngập sâu trong nước.

Nhiều nơi tại xã Thạch Định vẫn ngập sâu trong nước

Khi nước lũ tràn vào nhà, để đảm bảo an toàn tính mạng, người dân nơi đây đã phải di chuyển lên mặt đê sông Bưởi, những vị trí cao không bị ngập lụt, dựng lều lán để ở tạm.

Đến sáng nay, ngày 14/10, trên địa bàn xã Thạch Định, nhiều nhà dân vẫn bị ngập sâu trong nước, nhiều điểm bị cô lập. Do nước lũ chưa rút hết nên nhiều hộ gia đình vẫn chưa thể trở về nhà.

Trước đó, khi cơn lũ tràn vào khu vực dân cư, nhiều gia đình chỉ kịp di chuyển một số đồ dùng thiết yếu và số ít gia súc, gia cầm, còn lại mọi tài sản đã bị dòng nước lũ nhấn chìm và cuốn trôi.

Nhà đang bị nước lũ tràn ngập…

Nhiều hộ gia đình tại xã Thạch Định vẫn đang phải tiếp tục sống cảnh “màn trời chiếu đất”

Ông Trịnh Trí Thuận (69 tuổi) ở thôn Thạch An, xã Thạch Định, cho biết, đêm ngày 11/10, nước lũ bắt đầu tràn vào rất nhanh. Gia đình ông chỉ kịp mang theo được mấy con gà, chiếc ti vi và một số đồ dùng thiết yếu. Riêng tài sản lớn của gia đình là con nghé đã bị nước lũ cuốn trôi.

Không chỉ gia đình ông Thuận mà nhiều hộ dân khác ở xã Thạch Định chỉ kịp “bỏ của chạy lấy người” khi cơn lũ lên nhanh, nhấn chìm nhà cửa trong biển nước.

Cuộc sống tạm bợ với muôn vàn khó khăn trong và sau khi cơn lũ ập vào

Trước tình hình nước lũ dâng cao, nhiều hộ dân, nhất là người già và trẻ nhỏ được ưu tiên di dời đến các điểm trường học. Còn lại, nhiều gia đình phải lên đê hữu sông Bưởi để ở tạm. Bên cạnh đó, nhiều người dân còn tìm đến các vị trí trên núi phía sau UBND xã Thạch Định để tránh lụt. Hiện tại, khu vực này cũng đang có hàng chục hộ dân dựng lều lán để ở tạm cùng với số trâu bò, lợn, gà còn sót lại.

 

Người dân còn di chuyển lên núi phía sau UBND xã để ở tạm

Cuộc sống “màn trời chiếu đất” của những hộ dân vùng lũ thiếu thốn đủ bề, nhất là về nước sạch để sinh hoạt. Trong khi đó, do mưa lũ ngập lụt nên không có củi đốt để nấu cơm ăn.

Cảnh sống chạy lũ khiến một số người dân ở thôn Thạch An bắt đầu xuất hiện các loại bệnh như: chân tay ngứa, đau bụng đi ngoài, đau mắt… Trước mắt, chính quyền địa phương và ngành chức năng đã cấp phát và hướng dẫn người dân sử dụng một số loại thuốc thông thường tại nơi tránh trú lụt.

Những lều lán đơn sơ dựng tạm trong những ngày mưa lũ

Hiện tại, trời đã nắng lên nên sinh hoạt của người dân ở tạm trong các lều lán tránh lũ trở nên ngột ngạt. Cuộc sống không điện, thiếu nước sinh hoạt đối với người dân nơi đây vẫn còn tiếp diễn.

Các gia đình đang mong mỏi từng giờ cho nước lũ rút để quay về dọn dẹp nhà cửa, ổn định lại cuộc sống. Trong khi đó, thông tin về cơn bão số 11 đang tiến vào biển Đông và có khả năng ảnh hưởng đến Thanh Hóa lại thêm một lần nữa khiến người dân thấp thỏm, lo âu. Có những gia đình chuẩn bị sẵn sàng lều lán để khi có sự cố thì còn kịp di chuyển.

Cuộc sống thiếu thốn đủ thứ

Theo bà Đỗ Thị Mười, Bí thư Huyện ủy huyện Thạch Thành, đợt mưa lũ vừa qua, nước sông Bưởi lên cao 13,89 m, cao hơn trận lũ lịch sử năm 2007 là 38 cm. Đến thời điểm này, 165 thôn trên địa bàn huyện vẫn bị cô lập, đời sống của hàng ngàn hộ dân gặp nhiều khó khăn.

Để hỗ trợ nhân dân trong cơn lũ lụt, huyện Thạch Thành đã trích hơn 200 triệu đồng mua mì tôm, nước uống, lương khô, viên xử lý nước và một cơ số thuốc để cung cấp cho nhân dân vùng lũ.

Đồng thời, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thanh Hóa cũng đã chuyển 2.000 thùng mì tôm, 2.000 chai nước loại 1,5 lít; hỗ trợ 10 nhà bị sập mỗi nhà 3 triệu đồng, 32 nhà bị ngập mỗi nhà 500.000 đồng để nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ vừa qua.

Tránh lũ trong trường học

Lũ lên, người dân chỉ kịp di chuyển một số đồ dùng thiết yếu và ít tài sản

Trời nắng lên khiến sinh hoạt của người dân càng thêm vất vả

Nhiều ngôi nhà nước vẫn ngập sâu

Nước lũ đang rút chậm, khiến người dân chưa thể về nhà

Người dân mong mỏi sớm được quay về nhà

Thông báo tuyển dụng trực tiếp xuất khẩu lao động Đài Loan

Thông báo tuyển trực tiếp xuất khẩu lao động Nhật Bản

comments

Nội dung liên quan