Nhiều du học sinh Australia không về Tết sau cú lừa vé máy bay

Bỏ ra 20-40 triệu đồng mua vé máy bay để về ăn Tết Nguyên đán với gia đình nhưng lại bị lừa, nhiều du học sinh Việt tại Australia ngậm ngùi ở lại vì không còn tiền mua vé mới, số khác chuyển hướng mua vé giá rẻ.

Nguyễn Ngọc Như Ý học ngành Bệnh lý tại thành phố Sydney (Australia) sau khi bị lừa mất 1.000 USD (hơn 22 triệu đồng) mua vé máy bay về Việt Nam qua người bán Vi Tran, hiện không còn tiền mua thêm vé mới. Mẹ em ở Việt Nam háo hức được đón con gái về quê ăn Tết, khi biết em bị lừa có thể không về được, mấy hôm nay bà khóc suốt.

“Em nhớ nhà, nhớ mẹ và bà ngoại quá mà giờ không biết làm sao. Giá vé cho ngày em muốn đi – về hiện khá cao. Nếu mua vé về quê, em phải tự lo nên đang cố gắng làm thêm để xem còn kiếm được vé giá rẻ của hãng khác không”, Như Ý tâm sự và cho biết bố đang ở Australia đã rất giận em về việc để bị lừa.

3 năm không về ăn Tết với mẹ nên khi có lương làm thêm, cộng với tiền xin gia đình, Như Ý đã háo hức đặt vé ngay. Qua một người bạn, Như Ý biết đến Vi Tran là người bán vé máy bay Vietnam Airlines qua mạng rẻ hơn các đại lý khác 300-400 USD (6-8 triệu đồng) và được nhiều phản hồi tốt.

Sau 1-2 tuần trao đổi, thấy những đòi hỏi của mình đều được nhiệt tình đáp ứng, Như Ý quyết định đặt vé khứ hồi Việt Nam – Australia cho ngày 1/2-17/2 giá 1.000 USD. “Vi hứa sẽ chuyển vé ngay nhưng phải 2-3 lần hối thúc, cô ta mới gửi vé cho em. Vì bận rộn công việc, em đã không check vé như thường làm mà tin tưởng mọi thứ đã ổn hết”, nữ sinh kể.

Có chị họ cần về Việt Nam gấp vào 1/1, Như Ý tìm tiếp tục tìm đến Vi Tran đặt vé khứ hồi và mua được với giá 1.900 USD, trong khi các đại lý khác là 2.300-2.400 USD. Đúng ngày bay, Vi Tran báo vé bị trục trặc, phải lùi lịch một ngày và sẽ bù lại tiền. “Chị em về Việt Nam được mấy hôm thì trên mạng xôn xao thông tin Vi lừa tiền. Em hối hả gọi lên hãng kiểm tra thì nhận được thông tin vé em mua không hợp lệ. Vé của chị họ thì không có chiều về”, Như Ý chia sẻ.

Trần Bảo (đang làm việc tại Australia) cho biết, cô bạn gái mới sang Australia du học được 8 tháng cũng bị lừa 1.200 USD (hơn 25 triệu) khi mua vé máy bay về Việt Nam và phải hủy chuyến về nước vì không muốn xin thêm tiền của bố mẹ. “Tuy nhiên, gia đình ở Việt Nam đã đặt vé của hãng hàng không khác với mức 800 USD cho bạn gái em dù khá lo về an toàn đường bay, chất lượng dịch vụ, vốn bị điều tiếng là kém, hay trễ giờ”, Bảo nói.

Theo chàng trai này, những người bị lừa khác muốn về dịp Tết hầu hết đã đặt vé giá rẻ mới. Khi mua, ai cũng cẩn trọng vì còn hoang mang sau vụ lừa đảo. Cả Bảo, Như Ý và nhiều du học sinh Việt tại Australia đều được thông báo Vietnam Airlines hỗ trợ giảm giá vé cho sinh viên bị lừa. Tuy nhiên, do chỉ được áp dụng cho các chuyến bay khởi hành vào 3 ngày 13-15/1 nên du học sinh không thể sắp xếp lịch học, công việc để về kịp.

“Các khóa học bên đây đang tiếp diễn. Nếu muốn về nước, em phải báo sớm cho trường để dời ngày học. Những người bị lừa mua vé hầu hết đã sắp xếp lịch xong với nhà trường nên giờ dù vé máy bay có giảm nhưng thời gian quá gấp gáp nên khó ai đi được. Với người đi làm như em càng khó hơn vì nghỉ sẽ phải báo trước một tháng để chủ sắp xếp người thay thế, nếu về ngang sẽ mất việc”, Bảo chia sẻ.

Ngày 13/1, nghi phạm vụ lừa bán vé máy bay cho du học sinh Việt ở Australia bị cảnh sát bắt giữ. Thông tin này khiến các nạn nhân cảm thấy an lòng. Tuy nhiên nhiều người cho rằng, rất khó có thể lấy lại được số tiền đã mất và xác định vụ lừa này là bài học đắt giá.

Theo thống kê của Hội sinh viên tại Australia, có khoảng 157 người thông báo bị lừa khi mua vé máy bay của người bán có tên Facebook là Vi Tran. Tổng số tiền lên tới 154.000 AUD. Giá vé mỗi người mua dao động từ 950 đến 1.800 AUD (một AUD bằng hơn 16.000 đồng). Người thông báo bị lừa nhiều nhất là Mai Hoàng (ở Melbourne) khi đặt mua vé máy bay cho 5 người trong gia đình với tổng số tiền lên tới hơn 8.000 AUD.

Cách làm của Vi Tran là nhận tiền qua ngân hàng rồi gửi vé cho người mua. Thông tin vé rất rõ ngày, giờ bay, nhưng thực chất chỉ là vé booking (đặt giữ chỗ) chứ không phải là vé chính thức. Nhiều người kiểm tra lại từ hãng thì mới phát hiện vé đã bị huỷ.

Tuyển dụng xuất khẩu lao động Đài loan

Thông báo tuyển trực tiếp xuất khẩu lao động Nhật Bản

comments

Nội dung liên quan