Sau khi xảy ra vụ thảm án tại Bình Phước, các phương tiện truyền thông liên tục thông tin kêu gọi mọi người tố giác tội phạm. Tuy nhiên, người được cho là nắm rõ kịch bản của kẻ thủ ác là Trần Đình Thoại lại không trình báo công an. Xoay quanh vấn đề này, luật sư Nguyễn Thành Công (Công ty Đông Phương Luật) có một số quan điểm về vụ việc.
Theo Luật sư Công, nếu kết quả điều tra xác định đúng nội dung trên thì Thoại không phải là đồng phạm của Dương và Tiến trong hành vi giết người và cướp tài sản.
Nếu có thể thì chỉ là hành vi “Không tố giác tội phạm” trong tội danh được quy định tại Điều 314 BLHS khi Thoại biết chắc chắn vụ án xảy ra do Dương và Tiến thực hiện nhưng không tố giác đến Cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Trường hợp Dương bàn bạc với Thoại về việc vào gia đình để cướp, giết và 2 đối tượng đã chuẩn bị công cụ, phương tiện hoặc tạo ra các điều kiện khác để thực hiện tội phạm giết người, cướp tài sản này nhưng sau đó Thoại đã không tham gia vụ án vì lý do riêng, thì Thoại có thể sẽ bị truy cứu ở tội Giết người và Cướp tài sản thuộc quy định tại Điều 7 “Chuẩn bị phạm tội” BLHS.
Vì theo Điều 7 “Chuẩn bị phạm tội” truy cứu trách nhiệm hình sự đối với sự chuẩn bị phạm một tội rất nghiêm trọng (khung hình phạt đến 15 năm tù) hoặc đặc biệt nghiêm trọng (khung hình phạt đến chung thân, tử hình) trong khi ở cả 2 tội danh này đều là tội đặc biệt nghiêm trọng.
Cần lưu ý, nếu 2 đối tượng này bàn nhau chỉ vào để trộm tài sản có giá trị không lớn, tức chưa thuộc trường hợp trộm cắp có khung hình phạt đến 15 năm tù (tội rất nghiêm trọng) hoặc trên 15 năm đến chung thân (tội đặc biệt nghiêm trọng) thì Thoại không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngoài ra, quá trình điều tra nếu chỉ căn cứ vào lời khai của Dương mà không có những chi tiết khác chứng minh như lời thu âm các cuộc điện thoại của Dương, Thoại, vật dụng, vũ khí,…. thể hiện sự chuẩn bị phạm tội của 2 đối tượng này, cùng với việc Thoại khai khác so với lời khai của Dương về việc bàn bạc thực hiện vụ thảm sát ở Bình Phước thì việc buộc tội Thoại sẽ rất khó khăn.