Muốn hạn chế nhà thầu Trung Quốc cần tự chủ được nguồn lực tài chính, thu hút vốn đầu tư tư nhân, nước ngoài, tăng cường các dự án đối tác công – tư
Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ vừa có bản tập hợp trả lời kiến nghị cử tri tại kỳ họp Quốc hội (QH) thứ 2 gửi đến kỳ họp QH thứ 3 khai mạc ngày 22-5. Nội dung nổi bật được nhiều ý kiến cử tri tập trung vào là các dự án liên quan đến nhà thầu và vốn vay của Trung Quốc (TQ).
Chậm tiến độ, chất lượng thấp
Cử tri TP Hà Nội và tỉnh Quảng Trị cùng kiến nghị kiểm tra việc các nhà thầu TQ liên tục được nhận các công trình quan trọng của Việt Nam dù chất lượng không đảm bảo; đề nghị rà soát và đánh giá chất lượng, hiệu quả những dự án do nhà thầu TQ trúng thầu ở Việt Nam, kể cả các dự án vay vốn từ TQ để tránh bị phụ thuộc.
Dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông có nguy cơ chậm tiến độ do chậm vốn Ảnh: NGUYỄN HƯỞNG
Trả lời kiến nghị này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) cho biết trong quá trình thực hiện các dự án quan trọng của Việt Nam do nhà thầu TQ thực hiện, đã xuất hiện một số tình trạng như: thi công chậm tiến độ, chất lượng hàng hóa, công trình sau khi hoàn thành không cao, xuống cấp nhanh…
Bộ KH-ĐT lý giải nguyên nhân chủ yếu nhà thầu TQ trúng thầu là do sử dụng vốn vay của TQ. Để vay được nguồn vốn này, phải chấp nhận nhà thầu TQ thực hiện gói thầu như một điều kiện vay. “Chất lượng công tác lập hồ sơ mời thầu của các chủ đầu tư còn yếu, chưa đưa ra được rào cản kỹ thuật để loại nhà thầu TQ” – Bộ KH-ĐT phân trần.
Đi vào dự án cụ thể, cử tri tỉnh Bình Định kiến nghị Bộ KH-ĐT phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các địa phương tăng cường công tác quản lý, nâng cao hiệu quả các dự án sử dụng nguồn vốn ODA, nhất là tình trạng đội vốn so với tổng mức dự toán ban đầu đối với các nhà thầu TQ, điển hình như dự án Đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông.
Về việc này, Bộ KH-ĐT cho rằng theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), dự án không hoàn thành đúng tiến độ do các nguyên nhân cơ bản như tổng thầu chậm trễ trong việc chỉnh sửa, hoàn thiện các hồ sơ thiết kế kỹ thuật, chỉ dẫn kỹ thuật/quy cách kỹ thuật các hạng mục thiết bị của dự án dẫn đến chậm trễ trong việc xác định giá trị chi phí, làm chậm tiến độ đấu thầu mua sắm thiết bị cho dự án. Tổng thầu không bố trí kịp thời vốn lưu động để phục vụ thi công. Các hạng mục bị chia nhỏ, không đồng bộ, khó khớp nối. Hồ sơ thiết kế kỹ thuật, bản vẽ thi công còn nhiều thiếu sót.
Trước tình hình này, Bộ KH-ĐT đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ góp ý kiến báo cáo của Bộ GTVT: “Các nguyên nhân dẫn đến dự án bị chậm tiến độ nêu trên đều là nguyên nhân chủ quan, do đó, đề nghị Bộ GTVT có biện pháp bắt buộc tổng thầu phải thực hiện các yêu cầu để đẩy nhanh tiến độ, kể cả phạt chậm tiến độ. Đề nghị Bộ GTVT có báo cáo làm rõ những khó khăn và đề xuất các giải pháp nhằm thực hiện hoàn thành dự án đúng với kế hoạch”.
Giảm dần nhà thầu TQ
Trước bất ổn từ các dự án có nhà thầu, vốn vay từ TQ, cử tri tỉnh Bình Thuận đề xuất xem xét, cân nhắc kỹ và không chấp nhận vay vốn TQ để đầu tư tuyến đường sắt Hà Nội – Lào Cai. Giải đáp lo lắng trên, Bộ KH-ĐT thông tin dự án trên nằm trong chương trình hợp tác Việt Nam – TQ: Hai hành lang một vành đai kinh tế Việt – Trung. Theo thỏa thuận giữa hai Chính phủ, hai bên đang lập báo cáo nghiên cứu tuyến đường sắt để làm cơ sở kêu gọi vốn đầu tư từ các ngân hàng TQ. Dự kiến tổng mức đầu tư của dự án với quy mô đường đôi, điện khí hóa là 11 tỉ USD và suất đầu tư là 19,64 triệu USD/km. Theo quy định phải trình dự án để QH phê duyệt chủ trương đầu tư.
Cử tri TP Hà Nội, tỉnh An Giang cùng đề nghị cân nhắc việc vay vốn ODA của TQ để đầu tư xây dựng cao tốc Hạ Long – Vân Đồn. Còn cử tri tỉnh Quảng Bình kiến nghị cân nhắc và không nên vay vốn TQ để làm cao tốc Vân Đồn – Móng Cái.
Đến nay, Bộ KH-ĐT chưa nhận được đề xuất về việc vay vốn ODA của TQ để đầu tư xây dựng cao tốc Hạ Long – Vân Đồn. UBND tỉnh Quảng Ninh cũng chưa đề xuất vay vốn xây dựng cao tốc Vân Đồn – Móng Cái. UBND tỉnh Quảng Ninh đang nghiên cứu, lập dự án đầu tư tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái theo hình thức đối tác công – tư (PPP). Đến nay, đã có một số nhà đầu tư trong nước quan tâm đến việc đầu tư dự án này.
Nhằm hạn chế và dần khắc phục tình trạng nhà thầu TQ trúng thầu, theo Bộ KH-ĐT, cần tự chủ được nguồn lực tài chính, thu hút vốn đầu tư tư nhân, nước ngoài; tăng cường các dự án PPP.