Lãnh đạo Bộ Giáo dục cho biết đã thống nhất với Bộ Y tế sắp tới đi kiểm tra các trường đào tạo Y dược, không phân biệt công tư, để chấn chỉnh quá trình đào tạo.
Trong buổi họp báo về kết quả kiểm tra điều kiện đào tạo Y dược của Đại học Kinh doanh và Công nghệ chiều 28/12, quyền Vụ trưởng Giáo dục Đại học Nguyễn Thị Kim Phụng và GS Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội đã làm rõ một số vấn đề người dân quan tâm:
Đại diện đoàn kiểm tra liên Bộ Giáo dục, Y tế trả lời thắc mắc của báo chí. Ảnh: Dương Triều
– Văn bản của Bộ Giáo dục ngày 5/10 nói Đại học Kinh doanh và Công nghệ đủ điều kiện để đào tạo Y dược, nhưng nay lại kết luận chưa đủ, nguyên nhân là gì?
– Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Văn bản đầu tiên, đoàn thẩm định cho mở ngành đã kiến nghị rằng các điều kiện của trường cơ bản đầy đủ, một số thiếu thì theo lộ trình đào tạo những năm cuối nếu tăng quy mô thì phải bổ sung. Như vậy nếu điều kiện cơ bản đã đủ thì cho mở ngành, vừa đào tạo vừa hoàn thiện.
Nhưng lần kiểm tra này, trước yêu cầu của xã hội chúng tôi quyết định trường phải đảm bảo đủ điều kiện mới cho tuyển sinh (không phải mở ngành). Hai văn bản ở hai giai đoạn khác nhau, với hai yêu cầu khác nhau nên có những quyết định khác nhau.
– Bao giờ thì liên bộ cho Đại học Kinh doanh và Công nghệ tuyển sinh Y đa khoa?
– Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Bao giờ trường chuẩn bị đủ điều kiện, báo cáo thì hai bộ sẽ xem xét. Thời hạn được tuyển sinh phụ thuộc vào việc hoàn thiện của nhà trường mà liên bộ đã đề ra.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng. Ảnh: Dương Triều
– Đại học Kinh doanh và Công nghệ dự kiến tuyển sinh Y dược từ 20 điểm, trong khi thí sinh thi vào Đại học Y Hà Nội 27 điểm vẫn trượt. Ông bà bình luận gì về điều này?
– GS Nguyễn Đức Hinh: Luật quy định các trường được tự chủ nhưng Y là ngành đặc biệt, chịu sự điều chỉnh của luật và quản lý nhà nước. Mặc dù vậy, đào tạo Y dược là sân chơi chung, không thể lấy điểm chuẩn vào trường Y này để áp cho trường khác.
– Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Bộ Giáo dục khuyến khích Hội đồng hiệu trưởng các trường Y Dược đưa ra mức điểm khuyến nghị để các ngành đặc thù thực hiện. Vừa rồi khi có phản ánh của báo chí, Bộ đã yêu cầu các trường tư thục, đa ngành báo cáo đào tạo y đa khoa. Theo báo cáo thì các trường đều tuyển sinh từ mức 20 điểm trở lên. Riêng Đại học Võ Trường Toản báo cáo có 2 năm tuyển sinh thì một năm lấy từ 19 điểm.
Đại học Kinh doanh và Công nghệ chưa được tuyển sinh nhưng họ cũng dự liệu lấy từ 20 điểm trở lên.
– Việc mở ngành và đào tạo Y dược từ lâu đã nhận được sự quan tâm của xã hội vì đây là ngành đặc thù liên quan đến tính mạng con người. Năm 2016 Bộ đã tính đến phương án đặt ra điểm sàn để đảm bảo chất lượng đào tạo?
– Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Hiện nay để chuẩn bị cho tuyển sinh 2016, chúng tôi đã có những hội nghị họp với các trường đại học và Sở Giáo dục, đồng thời đưa ra câu hỏi xin ý kiến nhân dân, xã hội. Điểm sàn là xác định điều kiện tối thiểu để vào học ngành nói chung và nếu có là ngành Y dược. Tuy nhiên, Luật giáo dục cho phép việc tuyển sinh là tự chủ của các trường nên phải lấy ý kiến các trường, sinh viên, toàn xã hội.
Thứ nữa, điểm sàn chỉ lấy từ kỳ thi tuyển sinh quốc gia, còn với các trường khác họ có thể tự do tuyển. Như vậy, vấn đề có ngưỡng điểm sàn cho khối Y dược hay không sẽ phải xin ý kiến và nếu được đồng ý thì sẽ đưa vào năm tới.
– GS Nguyễn Đức Hinh: Ngày 15/12, Hội đồng hiệu trưởng các trường đại học Y dược đã họp suốt một ngày và một đề nghị đã được đồng thuận là kỳ thi 2016 các trường vẫn sử dụng kết quả của kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh, đồng thời đề nghị Bộ áp dụng điểm ngưỡng cho hệ đào Dược học (học 5 năm) và Y đa khoa (6 năm).
Tuy nhiên, hiện chúng tôi còn băn khoăn về mặt kỹ thuật, làm sao để tính được mức điểm này. Sơ bộ các thầy trong Hội đồng đưa ra ý kiến là thí sinh phải đạt mức trung bình 7 điểm mỗi môn. Phương án khác là lấy trong giới hạn những thí sinh ở top 30% điểm cao nhất.
GS Nguyễn Đức Hinh. Ảnh: Dương Triều
– Bộ Giáo dục trước đây đã cấp phép đào tạo y khoa cho hàng loạt trường, việc kiểm soát chất lượng được thực hiện thế nào?
– Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Pháp luật cũng như cơ quan quản lý nhà nước không phân biệt trường công lập hay tư thục, đa ngành hay chuyên ngành. Hiện trong hệ thống có 21 trường đào tạo y đa khoa, trong đó 5 trường ngoài công lập; 26 trường đào tạo ngành dược, trong đó có 14 trường ngoài công lập. Hệ thống này không khác nhiều so với các nước vì họ cũng không có cơ sở chuyên ngành mà kết hợp đào tạo với các ngành khác.
Chúng tôi kiểm soát chất lượng từ lúc mở ngành, kiểm tra hàng năm, rà soát tổng thể vào mỗi thời kỳ. Trên cơ sở phối hợp kiểm tra liên bộ đã thống nhất có công văn tạm dừng mở ngành Y dược ở các trường đa ngành. Năm 2014, Bộ Giáo dục rà soát tất cả trường và dừng tuyển sinh 207 ngành, trong đó có 6 cơ sở đào tạo Y dược.
– Sau việc cấp phép đào tạo Y dược cho Đại học Kinh doanh và Công nghệ gây xôn xao dư luận, Bộ Giáo dục, Y tế đã nghĩ đến phương án rà soát việc đào tạo Y dược ở các trường đại học thế nào?
– GS Nguyễn Đức Hinh: Cần rà soát cả trường công và trường tư, điều này tôi rất ủng hộ. Sau việc này cần thành lập đoàn kiểm tra kể cả những trường đã tuyển sinh. Chúng ta cần có trách nhiệm với nhân dân.
– Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Sắp tới liên bộ sẽ họp thống nhất đi kiểm tra các trường đào tạo Y dược để chấn chỉnh quá trình đào tạo. Chúng tôi sẽ đi kiểm tra không phân biệt công tư, kế hoạch đã đưa ra từ năm 2014 nhưng có một số khúc mắc nên chưa thực hiện được.