Nhập khẩu than thời gian qua có tốc độ tăng rất nhanh, ít nhiều tạo áp lực cho sản xuất trong nước khi hiện đang tồn kho tới 12 triệu tấn. Theo dự báo, Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục phải NK than, song muốn nhập cũng không phải là điều dễ dàng.
Nhập khẩu than tăng mạnh về lượng và trị giá trong 9 tháng đầu năm 2016.
Nhập khẩu tăng đột biến
Than là một trong 3 trụ cột năng lượng do đó mấy năm nay, Nhà nước đã có chủ trương hạn chế XK than. Vì thế, lượng than XK giảm hẳn và than được liệt vào nhóm mặt hàng có kim ngạch XK giảm nhanh, nhiều nhất 9 tháng qua. Cụ thể, 9 tháng đầu năm 2016, XK than chỉ đạt hơn 730.000 tấn, kim ngạch 73,8 triệu USD, giảm 48% về lượng và hơn 51% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Ở chiều ngược lại, than NK lại tăng nhanh. Tính đến ngày 15-10, Việt Nam đã NK 11,14 triệu tấn, với kim ngạch gần 700 triệu USD. Nếu chỉ tính đến hết tháng 9, con số NK than đã là 10,5 triệu tấn, tăng 147,6% về lượng và 82,1% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. So với mức dự báo do Bộ Công Thương đưa ra đầu năm nay là 3,1 triệu tấn thì số lượng này đã tăng gấp hơn ba lần. Vì thế, nhiều câu hỏi được đặt ra trước thực tế này khi than trong nước đang dư thừa 12 triệu tấn thì tại sao NK than lại tăng nhiều như vậy?
Đánh giá hiện tượng này như một việc đương nhiên, ông Nguyễn Văn Biên, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Than- Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết, giá than thế giới đang rẻ hơn trong nước do chi phí sản xuất thấp hơn, công nghệ cao hơn. Nhiều nước thời gian qua khuyến khích đẩy than ra nước ngoài. Bên cạnh đó thuế NK than hiện bằng 0% nên lượng than NK tăng đột biến.
Cũng đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Khắc Thọ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) nhìn nhận, do nguồn than trong nước không đáp ứng và giá than NK rẻ hơn giá than khai thác trong nước. Bên cạnh đó, than trong nước cũng chịu tác động bất lợi từ cơ chế chính sách về thuế như từ 1-7-2016, thuế Tài nguyên môi trường đối với mặt hàng than là 10-12%. Chỉ riêng thuế tài nguyên của Việt Nam đã cao hơn 5-7% so với các nước trong khu vực, trong khi thuế XK than của nhiều nước là 0%, thuế NK than vào Việt Nam hiện nay là 0%, giá than ở nhiều thị trường lại giảm, đây chính là lý do khiến cho NK than tăng cao trong thời gian qua.
Giải thích thêm về việc nhận định cho rằng NK than dường như đang “vỡ trận”, ông Thọ cho hay, 3 triệu tấn than NK theo quy hoạch là lượng than tính toán theo trách nhiệm của Bộ Công Thương để đảm bảo cho sản xuất điện, chứ chưa tính đến phục vụ cho các lĩnh vực khác như xi măng, hóa chất, phân bón. Dự báo đến năm 2020 nhu cầu NK than phục vụ cho các lĩnh vực này cũng tương đương 8 triệu tấn. Trong số than NK trong 9 tháng đầu năm là bao gồm cả than cho sản xuất điện và sản xuất lĩnh vực khác nên sản lượng NK than thực tế không tăng. “Con số than NK lên đến 10,5 triệu tấn không hoàn toàn là “vỡ trận” mà vẫn dựa theo nhu cầu phục vụ sản xuất trong nước”, ông Thọ khẳng định.
Nhập cũng không dễ
Không thể phủ nhận NK than tăng nhanh thời gian qua ít nhiều đã tác động đến ngành than trong nước. Ông Biên nhìn nhận, đây là thời gian khó khăn nhất của ngành trong 10 năm qua, bởi lẽ, ngành than trong năm 2016 đã phải giảm sản lượng 3 triệu tấn, tồn kho của riêng tập đoàn là trên 10 triệu tấn. Kinh doanh khó khăn, doanh thu và lợi nhuận đều sụt giảm… khiến TKV phải tính chuyện cắt giảm 4.000 lao động trong năm 2016 sau khi đã cắt giảm trên 5.000 lao động trong năm 2015.
Với những khó khăn này, nhiều tháng qua, ngành than liên tiếp “kêu cứu” tới các bộ, ngành và kiến nghị được tháo gỡ bằng cách giảm thuế tài nguyên đối với mặt hàng than. Tuy nhiên, để tháo gỡ khó khăn trước mắt cho TKV trong bối cảnh hiện nay, Bộ Tài chính đề xuất Bộ Công Thương điều chỉnh kế hoạch XK than giai đoạn 2017-2020 từ 2 triệu tấn/năm lên 3-4 triệu tấn/năm. Đây là giải pháp khả thi hơn so với phương án giảm thuế XK bởi vừa giảm được lượng than tồn kho mà trong nước ít có nhu cầu sử dụng vừa không thay đổi thu ngân sách.
Trên thực tế, sản xuất than hiện nay của Việt Nam rất khó khăn khiến cho giá thành trong nước cao hơn giá NK. Cụ thể, kỹ thuật khai thác than, đa số mỏ khai thác ở dưới sâu, thậm chí âm 300m so với mực nước biển, chi phí khai thác mỏ lộ thiên với hệ số bóc đất đã tăng gấp 3 lần làm tăng chi phí sản xuất, giá thành sản xuất than trong nước. Trong khi đó, trên cơ sở cân đối cung cầu thì những năm tới chúng ta sẽ phải NK than cho nhiệt điện cũng như các hộ tiêu thụ với khối lượng không nhỏ. Theo Quy hoạch điện VII, đến năm 2020 tổng nguồn điện than vẫn chiếm 42,7%, đến năm 2025 còn 49% và chiếm 26% vào năm 2030.
Than trong nước dự báo sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu cho nhiệt điện và các hộ tiêu dùng khác, cộng với việc khai thác than hiện đã rất khó khăn nên việc NK than chắc chắn sẽ còn tăng trong thời gian tới. Mặc dù ông Thọ đã trấn an rằng, giá than thế giới đang nhích lên, tiệm cận giá trong nước nên các hộ tiêu thụ sẽ quay lại dùng than nội địa.
Song việc NK than đối với Việt Nam là một bài toán không hề dễ dàng. Ông Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Công ty New Technology Solutions- chuyên gia trong lĩnh vực than cho biết. Vấn đề khó khăn của Việt Nam khi NK than là Việt Nam không cạnh tranh được với các nước đang NK như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ… Những nước này đã có truyền thống NK hàng chục năm nay, có nhiều kinh nghiệm trên thị trường NK. “Bản thân các ngành kinh tế của họ có hiệu quả sử dụng than cao hơn nên có sức mua than cao hơn. Còn Việt Nam, mới gia nhập thị trường gần đây, các ngành kinh tế lại có hiệu quả sử dụng than thấp hơn nhiều nên khả năng cạnh tranh về giá sẽ rất kém”, ông Sơn nói.
Ngoài ra, điều kiện NK than của Việt Nam không thuận lợi. Các cảng biển Việt Nam phần lớn là nông, chỉ tiếp nhận được tầu có tải trọng nhỏ (5-6 vạn tấn), làm cho chi phí vận tải biển tăng. Cảng nhận than của các dự án điện thì phần lớn chỉ thiết kế tiếp nhận được các tầu 2-3 vạn tấn, lại thường xuyên phải nạo vét. Điều này còn làm tăng chi phí chuyển tải, bốc dỡ than. Với những lý do này, bài toán NK than đang là vấn đề gây “đau đầu”.