Câu chuyện người đàn ông quê Trà Vinh vì muốn cứu con trai đã vướng vào vòng lao lý một lần nữa là bài học cảnh tỉnh cho các bậc phụ huynh về việc giáo dục con em mình.
Vì mâu thuẫn nhỏ của con trai, 2 cha con đều vướng vào vòng lao lý. (Ảnh: Vnexpress)
“Có nuôi con mới hiểu lòng cha mẹ”. Từ lúc đứa trẻ ra đời cho đến khi trưởng thành, có ông bố, bà mẹ nào không đau đáu những nỗi lo toan, trải qua bao gian khó chỉ với một mong ước duy nhất: Con nên người.
Nhưng không phải chuyện gì bố mẹ cũng có thể gánh vác cho con cái được. Ví như khi đứa trẻ muốn tập đi thì đôi khi phải bị ngã rồi mới có thể đứng dậy đi tiếp. Trong cuộc sống cũng vậy, nếu con người ta không mắc sai lầm thì đâu thể khôn ra?
Tuy nhiên, chính tâm lý sợ con mình chịu khổ, chịu thiệt của đấng sinh thành lại là “hòn đá tảng” chặn đứng sự phát triển trong nhận thức và hành động của con.
Mới đây, chuyện về một người đàn ông (quê Trà Vinh) vì cứu con trai trong cuộc ẩu đả với nhóm thanh niên, đã dùng cây tầm vông đánh vào đầu kẻ đã đánh con trai mình, khiến nạn nhân tử vong.
Kết cục, người con trai nhận mức án 1 năm 6 tháng tù còn ông lĩnh án 10 năm tù về tội Giết người, trong khi cuộc ẩu đả này do chính con trai ông “khởi xướng”. Hình ảnh người con trai của ông cúi gập đầu nhận tội trước tòa, bên cạnh cha mình khiến người khác không khỏi đau lòng.
Câu chuyện này có tính chất không khác gì vụ án rúng động xảy ra một năm trước tại TP.HCM. Bi kịch bắt nguồn từ việc người con rể đánh đập vợ mình, chửi bới và dọa giết cả gia đình nhà vợ nên đã bị bố vợ dùng dao giết chết. Sau đó, ông bình tĩnh chở xác nạn nhân đi đầu thú.
Sự việc xảy ra ở Thừa Thiên – Huế cuối năm ngoái cũng khiến cả một miền quê chấn động. Vì muốn cứu con trai phạm tội giết người mà người cha đã vướng vào vòng lao lý. Chỉ bởi một cuộc cãi vã giữa cha và người anh trai mà người em đã đâm anh một nhát chí mạng. Tại cơ quan công an, người cha nhận tội thay con mình.
Vì thương con mà phải chịu cảnh tù tội không phải là chuyện hiếm xảy ra trong xã hội. Nhưng thực sự nó không phải cách “giúp con” mà lại chính là “hại con”. Bởi nếu cứ mãi nhận được sự bao che không đúng cách của bố mẹ, làm sao những “đứa trẻ to xác” mới có thể trưởng thành? Vì cứ mỗi khi mắc sai lầm, chúng lại được bố, mẹ đứng ra lo giúp.
Chẳng khác nào câu chuyện con sâu xấu xí phải tự mình phá vỡ vỏ kén để trở thành loài bướm xinh đẹp. Nếu nhận được sự tác động từ bên ngoài, nó sẽ mãi mãi chẳng thể có được đôi cánh tung bay trên bầu trời. Hay như bài học về quả trứng, nếu vỡ từ bên trong, người ta gọi là quá trình phát triển tất yếu nhưng nếu chịu lực từ bên ngoài nghĩa là nó đã bị giết chết.
Các bậc cha mẹ đừng quá o bế, bao che cho con mình. Nếu ở trường học, thầy cô không dạy được chúng thì hãy để “trường đời” dạy thay. Đừng để cả một đời vất vả nuôi con, cuối đời lại phải phải lao đao vì “con dại cái mang”.