Chuyện tình cảm động của người lính 13 năm cầm súng giữ Trường Sa

Từ nhỏ Trung úy Nguyễn Viết Tưởng đã mơ ước trở thành người lính đảo Trường Sa. 13 năm biền biệt xa quê, bố mẹ tưởng con đã quên hạnh phúc riêng. Nhưng trong một lần về thăm nhà, anh lính biển đã bén duyên với cô giáo mầm non.

13 năm làm nhiệm vụ trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, Trung úy thông tin Nguyễn Viết Tưởng (SN 1983, xã Thủy Xuân Tiên, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) đã dành cả tuổi trẻ ở nơi đầu sóng ngọn gió. Với anh, được trở thành người lính đảo, dù vất vả, chịu nhiều thiệt thòi nhưng luôn là một niềm vinh dự tự hào.

chuyen-tinh-cam-dong-cua-nguoi-linh-13-nam-cam-sung-giu-truong-sa (1)

Trung uy Nguyễn Viết Tưởng hạnh phúc bên vợ con.

Ngày anh lên đường nhận nhiệm vụ ra quần đảo Trường Sa, bố mẹ tiễn anh một đoạn dài và không quên dặn dò anh cứ yên tâm công tác. Ngoài quân tư trang, hành trang cha mẹ anh gửi gắm là một tập giấy, bút và lời nói của cha: “Dù có chuyện gì xảy ra con cũng phải hoàn thành tốt nhiệm vụ”. Chính điều này đã giúp anh chắc tay súng trong những thời điểm biển Đông căng thẳng sau này.

Mỗi lần anh biên thư về kể về cuộc sống nơi đảo xa, cha mẹ anh lại khóc vì thương nhớ con. Ra Trường Sa được mấy năm, từ những cánh thư tay, mẹ Tưởng đã nhắc khéo con trai mình phải lấy vợ để bố mẹ có cháu nội. Trung úy Nguyễn Viết Tưởng cho biết: “Cứ khoảng 2 năm tôi được nghỉ phép một lần. Cách đây gần chục năm khi đó tôi mới ngoài 20, mỗi lần về phép mẹ đều nhắc phải nhanh nhanh lấy vợ. Mẹ bắt đầu lo lắng vì tôi cứ đi biền biệt thì lấy thời gian đâu để tìm hiểu. Để mẹ vui lòng, tôi đã hứa lần về phép sau sẽ tìm cho mẹ một nàng dâu thảo. Có lẽ vì cái duyên chưa đến, phần vì lính đảo cứ đi biền biệt nên những lần nghỉ phép sau tôi cũng không gặp được ai chịu thương mình”.

Mãi đến lần nghỉ phép năm 2009, chỉ còn một tuần trước khi trở lại đơn vị, anh Tưởng bất ngờ gặp cô sinh viên ngành sự phạm mầm non tên Đỗ Thị Thơm. Ngay lần gặp đầu tiên, hình ảnh chàng trai trẻ trong bộ quân phục hải quân với thân hình rắn rỏi và gương mặt sạm đen vì nắng gió Trường Sa cứ hiện mãi trong tâm trí của chị Thơm. Còn với anh Tưởng, hình ảnh người con gái nhỏ nhắn, có nước da trắng hồng cùng nụ cười thân thiện đã khiến trái tim anh như “chết lặng”.

Khi đó, hai người chỉ kịp trao đổi địa chỉ rồi anh phải lên đường. Ngày đó, Trường Sa chưa có sóng điện thoại nên hai người chỉ có thể chia sẻ qua những cánh thư viết tay. Anh Tưởng kể cho chị Thơm nghe nhiều về biển, về Trường Sa nơi anh và những người đồng đội của mình đang ngày đêm chắc tay súng bảo vệ biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Chị cũng kể cho anh nghe về cuộc sống sinh viên, về ước mơ một ngày sẽ được đứng trên bục giảng, dạy dỗ những em nhỏ… Cứ thế tình cảm trong họ càng lớn dần lên.

7 năm yêu thương, 4 lần gặp mặt

Về với đảo, sau những giờ công tác vất vả, anh Tưởng đều dành thời gian viết lời yêu thương gửi về cho Thơm. Hồi đó, thư gửi đi phải mất 6 tháng mới về đến đất liền và ngược lại. “Ngày ấy, phải vài tháng mới có tàu ra Trường Sa một lần nên khi có tàu ghé thăm đảo, mình lại tức tốc viết thư gửi về quê nhà. Thường thì tàu chỉ cập đảo một vài ngày, nhưng có lẽ vì cảm xúc trào dâng, nên có khi mình viết được đến vài lá thư cho gia đình và người yêu”, anh Tưởng cười bảo.

chuyen-tinh-cam-dong-cua-nguoi-linh-13-nam-cam-sung-giu-truong-sa

Trung úy Nguyễn Viết Tưởng 13 năm bám biển bảo vệ quần đảo Trường Sa thiêng liêng của tổ quốc.
Có một lần khi con tàu cập bến, anh nhận được thư của chị Thơm: “Em rất tự hào về anh! Vì anh là một chiến sĩ của đảo Trường Sa anh hùng”. Đọc đến đây mà anh Tưởng vui mừng khôn xiết. Rồi rua mỗi cánh thư, tình yêu cứ thế lớn dần, để đến một ngày họ hứa hẹn chuyện trăm năm. Kể từ ngày hai người gặp nhau lần đầu tiên, những cánh thư qua lại đã giúp họ hiểu và thông cảm về công việc của nhau. Hai năm sau anh được nghỉ phép và về xin phép gia đình cho anh được kết hôn. Quá bất ngờ và vui mừng, mẹ anh cũng không dám tin vào sự thật.

Chuyện tình của người lính đảo với cô giáo mầm non khiến những ai từng một lần nghe đều xúc động. Không chỉ vì sự “nghiệt ngã” của khoảng cách địa lý giữa đôi bạn trẻ mà là tình cảm, sự nhớ nhung day dứt của thiếu nữ trẻ với người lính nơi đầu sóng ngọn gió.

Đến giờ hai vợ chồng chị đã lấy nhau được gần 5 năm, hai thiên thần nhỏ lần lượt ra đời, dù số lần họ gặp nhau chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhưng tình yêu dành cho nhau không gì có thể ngăn cách được. Chị Đỗ Thị Thơm hiện đã là giáo viên của một trường mầm non gần nhà. Chị Thơm chia sẻ: “Vợ chồng tôi đã về ở chung với nhau được 4 năm. Nhưng từ lúc yêu nhau đến giờ, vợ chồng tôi mới chỉ gặp nhau được 4 lần. Tôi rất thương chồng vì phải chịu nhiều thiệt thòi không được gần vợ con như bao người khác. Nhưng tôi luôn luôn động viên, an ủi để anh vững lòng làm nhiệm vụ…”.

Trong những ngày tháng 5/2014 tình hình biển Đông diễn ra vô cùng phức tạp. Không thể liên lạc với chồng, chị Thơm ở nhà theo sát diễn biến ngoài khơi qua các phương tiện truyền thông. Có lúc chị bật khóc vì lo lắng khi diễn biến trên biển Đông ngày càng phức tạp. Liên lạc với anh qua điện thoại có lúc sóng chập chờn, lúc gọi được chi mong được nghe tiếng anh trả lời. Lúc đó, anh lại động viên vợ con, người thân ở nhà cứ yên tâm, anh và đồng đội sẽ chắc tay súng bảo vệ Tổ quốc.

Chị chia sẻ trong nhật ký của mình: “Em mong anh va đồng đội cầm chắc tay súng để bảo vệ biển đảo của Việt Nam đến cùng. Còn em sẽ phấn đấu kiên trì, vượt qua mọi trở ngại, khắc phục mọi khó khăn để nuôi dạy con khôn lớn, hiếu thảo với bố mẹ hai bên”.

Tuyển dụng xuất khẩu lao động Đài loan

Thông báo tuyển trực tiếp xuất khẩu lao động Nhật Bản

comments

Nội dung liên quan