Vì sao Nga – phương Tây khó bắt tay?

Chính sách ngoại giao là đặt ra ưu tiên giữa các lợi ích quốc gia cạnh tranh nhau. Từ góc nhìn này, rõ ràng những gì các chính phủ phương Tây cần làm hiện nay là tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) và nhiệm vụ cấp thiết này khiến họ phải tính chuyện bắt tay với người Nga.

Theo nhà báo Jonathan Eyal của báo Straits Times, đó chính là những gì Tổng thống Pháp Francois Hollande theo đuổi. Ngay sau loạt vụ khủng bố ở Paris ngày 13/11, ông kêu gọi thành lập một “liên minh lớn” chống khủng bố. Đây dường như cũng là điều Tổng thống Nga mong muốn. Trong những bài phát biểu gần đây, Putin kêu gọi thành lập một liên minh toàn cầu “giống liên minh chống Hitler” thời Thế chiến II, để chống lại “những kẻ, cũng như phát xít Đức, gieo rắc tai ương và thù hận”.

cuộc gặp mặt giữa Putin và Obama

Tổng thống Mỹ Barack Obama gặp người đồng cấp Nga Vladimir Putin bên lề hội nghị G20 ở Thổ Nhĩ Kỳ ngày 15/11/2015.

Tuy nhiên, nói dễ hơn làm. Dù có lập trường tương tự về chống khủng bố quốc tế nhưng cách tiếp cận của Nga với vấn đề này rất khác biệt so với phương Tây. Lịch sử sự hợp tác Nga – phương Tây cũng là một trong những trở ngại lớn nhất.

Ít có khả năng Nga và phương Tây sẽ giảng hòa, cho dù thực tế hai bên có thể có những lợi ích chung ở Trung Đông.

Có thể nói, ở một mức độ nào đó, căng thẳng ngoại giao giữa Nga và phương Tây – tăng vọt vào năm ngoái khi Nga sáp nhập bán đảo Crưm từ Ukraina – đến nay đã được kiềm chế. Khi dự hội nghị G20 ở Brisbane (Australia) năm 2014, Putin đã bị lãnh đạo nhiều nước tẩy chay. Nhưng tại hội nghị G20 năm nay ở Thổ Nhĩ Kỳ, mọi người đều muốn nghe ông nói. Nhiều cuộc gặp đã diễn ra bên lề, bàn về các vấn đề thế giới và Putin thực sự đã thoát khỏi sự ghẻ lạnh.

Tuy nhiên, chỉ một tuần sau cuộc gặp giữa Putin và Obama, quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ xấu đi nhanh chóng vì sự kiện chiến đấu cơ của Ankara bắn hạ máy bay ném bom Su-24 của Moscow ở biên giới Syria. Các cuộc đối thoại về một cách tiếp cận chung giữa Nga và phương Tây đối với cuộc chiến chống IS cũng thất bại.

Tổng thống Pháp Hollande hối hả đi lại giữa Washington và Moscow để thuyết phục thành lập một liên minh thống nhất chống IS, đã phải thừa nhận rằng nỗ lực của ông không đạt kết quả.

Một trong những trở ngại là Nga và phương Tây có nghị trình khác biệt ở Trung Đông. Mỹ và các đồng minh châu Âu chi phối khu vực; hầu hết các chế độ trong khu vực hoặc theo phương Tây hoặc tìm kiếm tư vấn và giúp đỡ từ phương Tây. Do vậy, đánh bại IS và các nhóm khủng bố khác là một mục tiêu tức thì. Mục tiêu lâu dài hơn là trả lại hiện trạng ban đầu cho khu vực – như một nơi ổn định và tiếp tục cung cấp dầu khí cho cả thế giới.

Trong khi đó, mục tiêu của Nga là giành lại vị thế chủ thể khu vực ở Trung Đông mà Liên Xô để mất từ những năm 1970. Tất nhiên, Moscow rất muốn chứng kiến IS bị tiêu diệt, bởi tổ chức khủng bố này đã giết rất nhiều người Nga khi cài bom làm nổ tung máy bay chở 224 khách trên bầu trời Ai Cập đầu tháng 11. Nhưng với Moscow, tiêu diệt IS chỉ là một bước tiến tới sự hiện diện chiến lược rộng hơn ở Trung Đông. Tổng thống Syria Bashar al-Assad là nhà lãnh đạo Ảrập duy nhất mà Nga coi là đồng minh, và ưu tiên đầu tiên của Moscow là bảo vệ ông này.

Những cuộc hội đàm kín nhằm giải quyết những khác biệt kể trên đang tiếp tục ở thủ đô Vienna của Áo. Và trong tuần này, Ảrập Xêút có thể sẽ triệu tập một hội nghị giữa các nhóm nổi dậy ở Syria để thu hẹp bất đồng giữa Nga và phương Tây.

Tuy nhiên, để hai bên đạt đồng thuận là không dễ dàng. Nhiều nước phương Tây lo ngại họ không chỉ phải chấp nhận để Syria trong tầm ảnh hưởng của Nga mà còn phải đồng ý xóa bỏ cấm vận đối với Moscow liên quan đến khủng hoảng Ukraina, và buộc phải để Ukraina tiếp tục bị chia rẽ.

Kiểu “thỏa thuận gói” này – ràng buộc một thỏa thuận về Syria với thỏa thuận về Ukraina – chính là những gì ông Putin mong muốn khi nhắc đến khoảng thời gian hợp tác Đông – Tây trong Thế chiến II; cuộc chiến kết thúc bằng một sự phân chia tầm ảnh hưởng mà ông Putin muốn khôi phục.

Trong trường hợp Nga vẫn hợp tác về Syria mà vẫn chấp nhận chịu cấm vận của châu Âu thì rất khó có thể thấy Moscow làm được gì ở Trung Đông. Cũng như phương Tây, Nga không muốn đưa quân đến thực địa để chống khủng bố. Họ chỉ oanh tạc IS từ trên cao, không khác gì cách phương Tây đang làm.

Rất có thể người Nga buộc phải “hy sinh” tương lai của ông Assad và thay thế ông bằng một chính phủ “thống nhất quốc gia”. Nhưng họ khó mà đảm bảo chính phủ đó tồn tại, cũng không thể đảm bảo tất cả các phe nhóm ở Syria đồng ý buông vũ khí.

Chắc chắn, các chính phủ phương Tây sẽ tiếp tục tìm cách đạt được thỏa hiệp với Moscow, vì Nga có một vai trò không thể phủ nhận trong bất kỳ một giải pháp nào. Sự hợp tác với Nga cũng cần thiết để tránh va chạm tình cờ, chẳng hạn vụ Su-24, vốn có thể dẫn đến những hậu quả không ngờ.

Nhưng để người Nga đồng ý hợp tác thì cái giá mà Moscow đặt ra không hề nhỏ.

Theo Thanh Hảo

 

comments

Nội dung liên quan