Giới chuyên gia “dội nước lạnh” vào tên lửa Triều Tiên
Những lo ngại mới tiếp tục nổi lên sau khi Triều Tiên thử nghiệm tên lửa tiên tiến nhất của nước này là Hwasong-15 hôm 30-11.
Tuy nhiên, một số chuyên gia phân tích cho rằng loại tên lửa này vẫn chưa đạt mức độ “đột phá” như ca ngợi của chính quyền Bình Nhưỡng vì chưa chứng minh được những công nghệ then chốt, bao gồm khả năng tái xâm nhập khí quyển.
Quả tên lửa bay gần 960 km trong suốt 53 phút và đạt độ cao 4.500 km trước khi rơi xuống vùng biển đặc quyền kinh tế của Nhật Bản vào ngày 30-11. Mặc dù vụ phóng bị cộng đồng quốc tế chỉ trích nhưng Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết chính phủ Seoul “không xem đây là hành động vượt lằn ranh đỏ” vì vụ thử nghiệm chưa chứng minh được khả năng đầy đủ của tên lửa.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 1-12 thừa nhận Bình Nhưỡng đã thử tên lửa thành công. Hwasong-15 có khả năng bay hơn 13.000 km và tới Washington theo quỹ đạo bình thường. Tuy nhiên, họ cần tiến hành nhiều phân tích nữa để xác định xem liệu đây có phải là tên lửa tầm xa đáng tin cậy được trang bị công nghệ tái xâm nhập và dẫn đường chính xác giai đoạn cuối hay không.
Tên lửa Hwasong-15.
Dựa theo các bức ảnh do Triều Tiên công bố, Hwasong-15 dường như khá khác biệt so với 2 quả Hwasong-14 được thử nghiệm hồi tháng 7. Cụ thể, tên lửa mới dài 21 m, dài hơn các mẫu cũ 2 m. Điều này giúp nó mang theo nhiều nhiên liệu hơn, giúp bay lâu và xa hơn. Tên lửa Hwasong-14 chỉ bay được khoảng 10.000 km
Hwasong-15 còn có đường kính rộng hơn Hwasong-14 khoảng 30 cm, giúp mang được đầu đạn to và nặng hơn. Ngoài ra, các bức ảnh còn tiết lộ phương tiện phóng di động 18 bánh mới, to hơn so với loại 16 bánh được Trung Quốc và Nga sử dụng.
Các chuyên gia nhận định rằng tiến bộ quan trọng nhất của Hwasong-15 là quãng đường bay nhưng Triều Tiên vẫn sẽ mất thêm 1 hoặc 2 năm nữa trước khi đủ khả năng hạt nhân tấn công Mỹ.
Khu vực xảy ra động đất.
Trong một diễn biến khác, hãng tin Yonhap đưa tin một trận động đất tự nhiên mạnh cấp độ 2,5 vừa được phát hiện tại Triều Tiên vào ngày 2-12, gần nơi nước này thử nghiệm hạt nhân.
Trận động đất xảy ra vào lúc 7 giờ 45 phút (giờ địa phương) tại Kilju, tỉnh Hamgyeong, cách bãi thử Punggye-ri khoảng 2,7 km.
Triều Tiên từng thử hạt nhân lần 6 tại bãi thử Punggye-ri vào ngày 3-9.
Cơ quan khí tượng Hàn Quốc (KMA) cho biết đây là trận động đất tự nhiên nhưng có thể xảy ra vì những thay đổi địa chất của khu vực sau các đợt thử hạt nhân.