Chuyên gia Mỹ: ‘Biển Đông năm nay sẽ căng thẳng hơn’

Việc Trung Quốc tăng cường các chuyến bay phi pháp ra Trường Sa, tạo ra các sự cố trên biển, xây dựng thêm cơ sở hạ tầng, sẽ khiến tình hình phức tạp hơn.

Trung Quốc sẽ tăng cường các hoạt động trong năm 2016 khiến tình hình ở Biển Đông phức tạp hơn. Ảnh minh họa: Reuters
Giáo sư Sheldon Simon, chuyên gia chính trị tại Đại học bang Arizona, Mỹ, trao đổi với VnExpress về tranh chấp Biển Đông trong năm 2016.

– Trung Quốc mới đây liên tiếp thử nghiệm ba chuyến bay ra đá Chữ Thập mà họ xây trái phép, điều này phản ánh gì thưa ông?

– Bắc Kinh muốn các nước trong khu vực và thế giới bắt đầu chấp nhận thực tế rằng các đảo nhân tạo do họ xây dựng là một phần của Trung Quốc. Nó cũng cho thấy Bắc Kinh ít quan tâm tới sự phát triển chung, mà chú trọng hơn tới việc thực hiện quyền đơn phương trong tiến hành các hoạt động ở các đảo và vùng xung quanh nơi họ xây dựng. Tôi cho rằng chúng ta sẽ còn thấy thêm các chuyến bay tương tự.

– Ông dự đoán Trung Quốc sẽ thực hiện các hoạt động gì khác trong năm nay?

– Họ sẽ tăng cường các hoạt động ở Biển Đông. Tôi không rõ họ có cải tạo thêm các đảo nhân tạo hay không, nhưng trên các công trình đã hoàn tất, Bắc Kinh sẽ xây dựng thêm các cơ sở hạ tầng, tăng năng lực đón người và thiết bị. Bên cạnh đó, tôi cũng ngờ rằng Trung Quốc có thể tiếp tục gây hấn với một số nước liên quan đến tranh chấp như Việt Nam và Philippines. Những sự cố với tàu cá và giữa lực lượng tuần tra trên biển của các bên từng xảy ra thường xuyên, đáng kể nhất là việc Bắc Kinh đặt giàn khoan khổng lồ vào trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hồi 2014.

Bắc Kinh có thể sẽ trì hoãn việc điều các phương tiện quân sự vì muốn thể hiện rằng họ không cố khiêu khích để gây xung đột với các nước liên quan đến tranh chấp và những gì họ đang làm là hòa bình.

Các đảo Trung Quốc hiện kiểm soát hiện chưa có đủ cơ sở hạ tầng, có thể họ sẽ phải mất ít nhất 2-3 năm nữa để xây các căn cứ quân sự.

Những điều này cho thấy tranh chấp Biển Đông trong năm nay sẽ căng thẳng hơn so với 2015. Tuy nhiên tôi không cho rằng có xung đột tới mức gây sát thương.

– Mỹ có thể làm gì trên Biển Đông trong năm nay?

– Washington sẽ tiếp tục điều tàu đến tuần tra quanh các đảo do Trung Quốc xây dựng để bảo vệ tự do hàng hải. Chính quyền Mỹ năm ngoái đã chính thức tuyên bố hoạt động này sẽ được thực hiện ít nhất hai lần một quý, với thành phần tham dự gồm các tàu thuộc Hạm đội 7. Cả Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Mỹ đều khẳng định điều này.

Washington cũng sẽ lên án việc Trung Quốc nỗ lực chiếm các đảo là không chính đáng, kêu gọi các nước liên quan cần giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán.

– Ông đánh giá sao về việc Trung Quốc vẫn xúc tiến kế hoạch của họ, bất chấp nỗ lực của các nước muốn bảo đảm hòa bình và đề cao luật pháp quốc tế?

– Trung Quốc đã phớt lờ Công ước luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc dù Việt Nam và Philippines cố gắng áp dụng thực hiện. Sẽ rất đáng quan tâm nếu như Tòa trọng tài thường trực của Liên Hợp Quốc đưa ra phán quyết có lợi cho Philippines trong vụ kiện Trung Quốc. Nếu tòa cho rằng các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng là không hợp pháp, không giúp nước này giành được chủ quyền ở Biển Đông, đó sẽ là điều đáng hổ thẹn cho Bắc Kinh.

Tuy nhiên, tôi không thấy có thay đổi thực sự nào trên thực địa. Có thể nói Trung Quốc sẽ đạt được mục đích về phương diện tạo nên cái gọi là “thực tế trên biển”.

– Trong trường hợp nào Mỹ sẽ can thiệp ở mức kiên quyết?

– Mối quan tâm cơ bản của Mỹ, theo quan điểm của nước này, là tự do hàng hải. Việc đó không thể thỏa hiệp vì đường biển dành cho các tàu giao thương rất quan trọng. Washington đã tuyên bố bất kỳ nỗ lực nào chặn giao thương quốc tế sẽ dẫn tới việc Mỹ can dự. Do đó tôi không thấy khả năng Mỹ sẽ can thiệp chừng nào không có nước nào, hay cụ thể là Trung Quốc, ngăn chặn tuyến đường biển này.

– Nhận xét của ông về cách Việt Nam đối phó với các động thái của Trung Quốc trên Biển Đông?

– Tôi cho rằng Việt Nam đã có phản ứng phù hợp, gần đây nhất là đối với các chuyến bay của Trung Quốc ở đá Chữ Thập. Việt Nam nên tiếp tục làm những việc mình đang thực hiện, là phản đối cách hành xử của Trung Quốc, đồng thời tăng cường hoạt độngvà năng lực của lực lượng tuần tra trên biển.

Tại các diễn đàn của ASEAN, gồm Diễn đàn An ninh khu vực (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng mở rộng (ADMM+), Việt Nam cũng như các nước liên quan nên tiếp tục thúc đẩy lập Bộ Quy tắc ứng xử (COC). Các nước cần tiếp tục viện dẫn luật pháp quốc tế trong cuộc đấu tranh này.

Tuyển dụng xuất khẩu lao động Đài loan

Thông báo tuyển trực tiếp xuất khẩu lao động Nhật Bản

comments

Nội dung liên quan