Cha của một trong những kẻ xả súng vào nhà hát Paris từng liều mình sang tận Syria để thuyết phục con trai từ bỏ nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) và quay trở về nhưng y không nghe lời.
Ngôi nhà được cho là nơi Samy Amimour từng sống nằm ở ngoại ô Paris. Photograph: AFP
Ông Mohamed Amimour, 67 tuổi, không thể làm gì để kéo con trai Samy Amimour ra khỏi sự kiểm soát của IS. Những gì mà ông nhận được từ y chỉ là sự lạnh nhạt và xa cách.
Samy, 28 tuổi, sinh ra ở Drancy, ngoại ô đông bắc Paris, được xác định là một trong những kẻ tấn công nhà hát Bataclan tối 13/11. Y mặc áo gắn bom và tự kích nổ mình khi cảnh sát Pháp ập vào.
Thực tế, Samy không xa lạ gì với giới chức an ninh Pháp. Y từng bị truy tố vào năm 2012 vì tham gia vào một tổ chức tội phạm dính líu đến khủng bố. Y và những kẻ khác đã nỗ lực rời Pháp sang Yemen. Tuy nhiên, y không phải ngồi tù mà bị đặt dưới sự giám sát tư pháp.
Mùa thu năm 2013, y vi phạm và bị phát lệnh truy nã quốc tế. Ba người trong gia đình y đã bị tạm giam vào sáng qua.
Ông Mohamed, người Pháp gốc Algeria, từng nỗ lực thuyết phục con trai mình từ bỏ niềm tin vào những cuộc chiến Hồi giáo. Tháng 6 năm ngoái, ông đã tự thực hiện sứ mệnh giải cứu con trai bằng cách băng qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ đến thị trấn Minbej, gần tỉnh Aleppo, của Syria.
Sau khi trở về nhà năm ngoái, ông đã giải thích với tờ Le Monde về chuyến đi thất bại của mình.
“Daesh được tổ chức rất nghiêm ngặt”, ông dùng một cách gọi khác của IS. “Chúng chỉ dùng mỗi chip điện thoại một lần. Bạn có thể không bao giờ gọi cho chúng lại được”.
Ông Mohamed giữ liên lạc với Samy thông qua ứng dụng trò chuyện Skype nhưng không báo cho con biết mình sẽ bay sang Trung Đông gặp y.
Người cha lớn tuổi vượt biên trái phép qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ trên một chiếc xe buýt nhỏ gần Gaziantep và được đưa về phía nam băng qua một bãi mìn trên sa mạc để đến Minbej, nơi ông bắt đầu nhìn thấy những lá cờ đen của IS.
“Tại điểm kiểm soát đầu tiên, có một kẻ cầm khẩu AK”, ông nhớ lại. “Những người đi cùng tôi vỗ tay khi họ đến đây. Hộ chiếu của tôi bị lấy đi. Những tân binh được một đám đàn ông râu sậm chào đón bằng tiếng hô vang ‘Chúa trời vĩ đại’ “.
Mohamed chờ đợi. Ông không được phép hút thuốc. Đó là ngày thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi tuyên bố thành lập một đế chế Hồi giáo. Đứng bên ngoài một quán cafe Internet, ông được một đội tuần tra của IS đón đi và dẫn đến một thánh đường nơi ông bị yêu cầu tham gia cầu nguyện.
Samy Amimour. Ảnh: Ilta sanomat
Ngày hôm sau, ông gặp lại con trai. Tuy nhiên, Samy tỏ thái độ rất hờ hững với cha.
“Nó đi cùng với một kẻ khác, kẻ này không bao giờ để chúng tôi lại một mình. Cuộc hội ngộ của chúng ta rất lạnh nhạt. Con trai tôi không mời tôi đến nơi nó sống, không nói nó bị thương thế nào hay nó có tham chiến không”, ông kể.
Đêm đó, ông đưa cho Samy một lá thư của mẹ y cùng 100 euro mà ông giấu bên trong.
“Nó đi đến một góc đọc thư sau đó trả lại tiền cho tôi, nó nói không cần tiền”, người cha nhớ lại.
Ông Mohamed cảm thấy bị tổn thương trước sự lạnh nhạt của con trai. Ông có nói chuyện với các chiến binh khác của IS và được chúng cho xem video về những kẻ bị lực lượng chính phủ tra tấn.
“Một trong những đồng bọn của con trai tôi cho tôi xem đoạn phim quay cảnh chúng giết những người đàn ông tại những khu phố gần đó. Tôi đã xem những hình ảnh man rợ. Tôi rất đau lòng”, ông nói.
Hai ngày sau đó, ông Mohamed ngược đường về lại biên giới Syria – Thổ Nhĩ Kỳ cùng một phụ nữ Pháp người Montpellier. Cô này có đôi mắt màu xanh và ôm một đứa bé 6 tháng tuổi.
“Chồng cô ta đang học cách thực hiện một vụ tấn công liều chết. Cô ta dường như rất hạnh phúc”, ông kể.
Ông Mohamed bay từ thủ đô Istanbul về nhà. Ông không bị cảnh sát thẩm vấn. Sau đó, ông mới biết rằng con trai mình đã kết hôn và đổi tên thành Aby Hajia.
“Tôi không muốn nó chết mòn ở đó suốt phần đời còn lại”, ông nói.