Việt Nam sắp ‘tốt nghiệp’ ODA: Phải trả nợ nhanh gấp đôi

Việc trả nợ ODA nhanh gấp đôi vừa là thách thức, vừa là cơ hội để Việt Nam sàng lọc các dự án đầu tư.

Khó khăn với Việt Nam

Tại cuộc họp báo chuyên đề chiều 25/10, ông Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại của Bộ Tài chính, cho biết, từ năm 2010, Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình. Vì vậy trong thời gian tới, Việt Nam có thể sẽ không còn nằm trong nhóm những nước nhận được các khoản vay ưu đãi từ Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) thuộc Ngân hàng Thế giới (WB).

Trong trường hợp này, Việt Nam sẽ phải cam kết trả nợ nhanh, cụ thể phải tăng gấp đôi tốc độ trả nợ gốc.

Trao đổi với Đất Việt về vấn đề này, PGS TS. Nguyễn Văn Ngãi – Trưởng khoa Kinh Tế – Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM khẳng định, việc Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình là một niềm vui cho tăng trưởng và phát triển kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên mặt tiêu cực đi kèm đó là vấn đề “bẫy thu nhập trung bình”, trong đó ODA là vấn đề quan trọng.

Theo PGS.TS Ngãi, việc trả nợ nhanh là một vấn đề không đơn giản. Vì vậy Bộ Tài Chính và Bộ Kế Hoạch Đầu Tư phải chịu trách nhiệm trong việc giải quyết vấn đề này, cần có phương án rõ ràng để giải quyết nợ, và phải có giải pháp sử dụng vốn ODA từ nay về sau một cách hiệu quả.

“Những dự án kém hiệu quả cần phải chấm dứt và quy trách nhiệm cho người thẩm định và ra quyết định. Những tổ chức và cá nhâm tham gia quản lý ODA cần phải nhận biết vấn đề này từ lâu, không để đến hôm nay mới nhìn thấy”, PGS.TS Ngãi nói.

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Hồng Nga, Phó trưởng khoa Kinh tế, Đại học Kinh tế-Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho rằng thông tin trên đáng nhẽ ra phải được đưa ra từ năm 2010 khi Việt Nam bắt đầu là nước có thu nhập trung bình.

viet-nam-sap-tot-nghiep-oda-noi-lo-tra-no-nhanh_28639388

Việc trả nợ ODA nhanh vừa là thách thức, vừa là cơ hội để Việt Nam sàng lọc các dự án đầu tư một cách hiệu quả và minh bạch hơn.

Tuy nhiên, theo nhận định của ông Nga, việc không còn nằm trong nhóm được nhận những khoản ưu đãi từ WB vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội để Việt Nam sàng lọc các dự án một cách hiệu quả và minh bạch hơn.

Ở đây, khó khăn lớn nhất của Việt Nam trong việc trả nợ không phải là chúng ta lấy tiền từ đâu để trả nợ, mà là hiệu quả của việc sử dụng nguồn vốn ODA làm sao cho hiệu quả về kinh tế và xã hội, nhất là về môi trường trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay.

“Việc các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) nợ khoảng 1.5 triệu tỷ đồng (tương đương gần 70 tỷ đô la), trong đó nợ ODA hoặc do nhà nước bảo lãnh lên đến hơn 10 tỷ USD, dẫn tới việc sử dụng tiền vốn là rất không hiệu quả và lãng phí và điều này làm cho DN tư nhân khó khăn hơn trong việc tiếp cận với vốn tín dụng trong và ngoài nước. Nhiều khoản thu khó đòi vì DNNN hấp hối và làm ăn không hiệu quả. Đây là vấn đề rủi ro đạo đức mà các ông lớn trong các DNNN gặp phải. Điều này gây tổn hại rất lớn cho nền kinh tế”, PGS.TS Nga phân tích.

Phó trưởng khoa Kinh tế, Đại học Kinh tế-Luật cũng lo ngại trong điều kiện ngân sách hiện nay, nếu phải trả nợ nhanh hơn chắc chắn Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn không thể kiểm soát được, nhất là vấn đề ngân sách nhà nước (NSNN).

Vị chuyên gia lập luận, việc bỏ ra 1 tỷ USD để trả nợ vay nước ngoài hàng năm chỉ chiếm khoảng 2.27% NSNN (khoảng 0.5% GDP) thì không gặp quá nhiều khó khăn. Bởi lẽ VN trong năm 2016 dành 25% NSNN trả nợ trong và ngoài nước. Tuy nhiên hiện nay thâm hụt NSNN thường xuyên của chúng ta ở mức độ trên 5% GDP thì đây là vấn đề không đơn giản vì còn nhiều vấn đề nhức nhối cần phải quan tâm hơn việc trả nợ nước ngoài.

“Nếu phải trả nợ nhanh theo qui định mới, thì theo tính toán sơ bộ thì chúng ta phải trả hàng năm khoảng 2 tỷ USD, tức khoảng 4.5% NSNN, chiếm khoảng 18% tổng trả nợ hàng năm của chính phủ. Việc tăng 100% từ 1 tỷ USD đến 2 tỷ USD là tương đối lớn trong bối cảnh VN thâm hụt NSNN ngày càng tăng là một áp lực đối với Chính phủ và NSNN.

Trong hoàn cảnh này thì việc giảm chi tiêu của chính phủ là rất khó khăn, cho nên chúng ta phải làm cách nào đó để tăng nguồn thu. Lúc này áp lực lại quay lại phía người dân và doanh nghiệp. Tăng thuế hoặc các loại phí không phải là điều tốt đẹp cho dân chúng và các DN. Điều này ảnh hưởng không tốt tới đầu tư và GDP”, ông Nga lo lắng.

Bài toán tiết kiệm ngân sách

Một vấn đề khác được PGS.TS Nga nêu ra, đó là theo thông lệ quốc tế, nhiều nước vẫn thực hiện vay mới trả nợ cũ đặc biệt là các nước có thị trường vốn phát triển như Mỹ, Nhật Bản. Tuy nhiên với Việt Nam, việc vay mới để trả cũ theo ông Nga là điều cực chẳng đã trong bối cảnh thiếu tính thanh khoản và khó khăn về kinh tế.

“Về ngắn hạn, Việt Nam có thể làm điều này. Nhưng về lâu dài nếu cứ tiếp tục “lấy mỡ nó rán nó” thì e rằng chính phủ sẽ rơi vào bẫy Ponzi và việc Chính phủ phá sản là không phải không thực tế. Bởi vì VN vẫn chưa có thị trường tài chính phát triển và hiệu quả như các nước phát triển do việc nhà nước quản lý không hiệu quả và do hậu quả của tình trạng bất đối xứng thông tin trong nền kinh tế, nhất là khu vực tài chính”, PGS.TS Nga phân tích.

Từ những phân tích trên, vị chuyên gia nhấn mạnh, việc tiết kiệm chi tiêu là nhiệm vụ hết sức cấp bách và quan trọng.

Thông báo tuyển dụng trực tiếp xuất khẩu lao động Đài Loan

Thông báo tuyển trực tiếp xuất khẩu lao động Nhật Bản

comments

Nội dung liên quan