Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) rất có thể sẽ không được thông qua dưới nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Như vậy liệu có phải là điều quá “sốc” với Việt Nam hay không khi chúng ta đã đặt những viên gạch đầu tiên cho TPP và chuẩn bị nhiều mặt cho việc thực thi hiệp định này?
TPP không phải là tất cả
Đánh giá số phận của TPP dưới nhiệm kỳ của ông Donald Trump với khả năng “rất khó thông qua”, TS. Lê Quốc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng: Bản thân ông Donald Trump là người không mặn mà gì với TPP. Quan điểm của ông ấy là bảo hộ. Quốc hội Mỹ cũng do Đảng Cộng hòa kiểm soát, mà Đảng Cộng hòa thường theo hướng không ủng hộ lắm tự do hóa thương mại, theo tư tưởng bảo thủ, đóng cửa, lợi ích của nước Mỹ là trên hết. Cho nên việc thông qua TPP là rất khó.
Nếu trường hợp này xảy ra, ông Lê Quốc Phương cho rằng: Không có TPP thì chúng ta cũng vẫn thúc đẩy xuất khẩu. Tất nhiên với TPP thì cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu tăng lên rất nhiều, đặc biệt là thị trường Mỹ và Nhật Bản.
Tháng 2/2016, các bộ trưởng của 12 nước đã ký xác thực lời văn hiệp định TPP.
Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 20% xuất khẩu. Không có TPP thì chúng ta vẫn mở rộng được xuất khẩu sang Mỹ, với điều kiện hàng hóa phải đảm bảo chất lượng, có tính cạnh tranh – ông Phương nói.
Tuy nhiên, chúng ta chỉ nói đến TPP mà chưa lưu ý đến điều khác không kém phần quan trọng. “Đó là nếu Donald Trump lên làm Tổng thống thì có thể tăng cường thêm chủ nghĩa bảo hộ, tức chỉ đạo cho các cơ quan như Bộ Thương mại Mỹ gia tăng chống bán phá giá hơn nữa, tăng cường việc xây dựng các hàng rào kỹ thuật hơn nữa, gây khó khăn cho chúng ta”, ông Phương lưu ý.
Như vậy, việc ông Trump trúng cử sẽ gây ra 2 ảnh hưởng tới Việt Nam, một là TPP khó được thông qua, hai là hàng rào bảo hộ của Mỹ có thể sẽ tăng lên.
“Tuy nhiên, nếu chúng ta biết nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả hợp lý thì vẫn có thể đẩy mạnh được xuất khẩu, cho dù không được mạnh mẽ như khi có TPP”, ông Phương nhận định.
Bày tỏ thái độ vừa mừng vừa lo khi TPP có thể không được thông qua, một chuyên gia về kinh tế thế giới cho rằng: “TPP giúp Việt Nam có thêm thị trường để phân tán rủi ro, nhưng tôi lo là sự chuẩn bị của Việt Nam hầu như chưa theo kịp. Khi ấy, phần thua thiệt lại là doanh nghiệp Việt. Điều này cũng đã từng xảy ra với Hiệp định thương mại Việt Nam ASEAN – Trung Quốc. Dù có hiệu lực từ 2004 nhưng chúng ta không có sự chuẩn bị gì nhiều, nên càng hội nhập sâu thì mức độ nhập siêu của Việt Nam với Trung Quốc càng lớn”.
“Việc Việt Nam tham gia vào WTO cuối năm 2006 cũng vậy. Sau 10 năm, có thể khẳng định chúng ta đã không tận dụng được cơ hội từ làn sóng hội nhập này, trái lại nhiều cơ hội đã biến thành thách thức. Điều này hoàn toàn có thể lặp lại nếu như vào TPP mà sự chuẩn bị lại không được kỹ càng”, vị chuyên gia này lo ngại.
Dệt may từng được cho là sẽ hưởng lợi nhiều từ TPP.
Không có TPP thì Việt Nam vẫn hội nhập
Trên diễn đàn Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Chúng ta còn nhiều hiệp ước kinh tế khác, đảm bảo quá trình hội nhập kinh tế thế giới. Không tham gia TPP hay có tham gia TPP thì chúng ta vẫn tiếp tục hội nhập sâu rộng với quốc tế”.
Trên thực tế, thời gian qua Việt Nam đã gấp rút chuẩn bị các điều kiện cho TPP. Chính phủ rà soát các quy định pháp luật cho phù hợp với hiệp định thế hệ mới này. Bản thân nhiều DN cũng đã đầu tư để đón đầu cơ hội từ TPP, như dệt may đầu tư vào chuỗi bông, sợi, nhuộm, vải,…
Những sự chuẩn bị ấy, theo ông Lê Quốc Phương, là hết sức tích cực và không hề vô nghĩa, cho dù có TPP hay không. “Giả sử TPP không thành công thì những sự đầu tư đó cũng là tạo điều kiện cho công nghiệp phụ trợ phát triển, nâng cao giá trị hàng xuất khẩu. Đó là điểm mấu chốt. Nội dung nâng cao năng lực cạnh tranh như tôi nói ở trên muốn có được một phần cũng chính là từ sự phát triển công nghiệp hỗ trợ”, ông Phương nói.
Nhìn TPP dưới góc độ địa chính trị, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, đánh giá: Bản thân TPP là sợi dây kết nối giữa Mỹ và Việt Nam cũng như các nước khác. Bản thân kết nối ấy cũng quan trọng với Mỹ, nó như một mạng lưới giăng ra cân bằng sức mạnh với Trung Quốc ở khu vực châu Á Thái Bình Dương. Cho nên nếu không có TPP sẽ có một thứ khác tương tự như TPP, thậm chí còn có thể còn mạnh mẽ hơn để đối chọi lại thế cân bằng.
Cho rằng lãnh đạo mới của Mỹ hay Quốc hội Mỹ không vứt bỏ TPP một cách dễ dàng, TS. Nguyễn Đức Thành nhận định: TPP có thể chậm lại, đàm phán thêm. Nhưng bỏ TPP sẽ mất đi một khoảng trống quyền lực đối với Trung Quốc. Như vậy Mỹ thiệt, đồng minh của Mỹ thiệt chứ không phải Việt Nam.