Xây dựng cộng đồng văn minh làm du lịch, thương hiệu du lịch lớn ở các vùng và thể chế tốt là 3 giải pháp được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra trong phiên chất vấn sáng nay.
Trong phiên chất vấn Thủ tướng sáng 17/11, một số đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi về tiềm năng du lịch của nước ta lớn nhưng khai thác thế nào cho hiệu quả, giải pháp đột phá để phát triển ngành du lịch trong thời gian tới.
Theo Thủ tướng, muốn du lịch trở thành mũi nhọn thì phải đóng góp từ 7,5 đến 10% GDP. Mặc dù du lịch có tiềm năng lớn, lượng khách quốc tế trong năm nay tăng nhanh, 25% so với 2015 nhưng tổng số vẫn còn rất thấp so với một số nước trong khu vực, đóng góp của du lịch vẫn chưa đạt 7,5% GPD.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn sáng 17/11.
Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Thủ tướng cho biết Chính phủ đã triển khai Hội nghị toàn quốc về vấn đề này. Trước hết phải có cộng đồng văn minh làm du lịch, tức một cộng đồng không có ăn xin, ăn mày, chèo kéo khách, dù có thể cơ sở hạ tầng còn nghèo. Tiếp đến là xây dựng thương hiệu du lịch lớn ở các vùng và cuối cùng là phải có thể chế tốt, ưu tiên phát triển du lịch. Đồng thời đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá, dành điều kiện, cơ sở hạ tầng cần thiết để phát triển du lịch.
Thủ tướng cũng dẫn chứng nghị quyết thí điểm làm visa điện tử cho khách du lịch đã được Chính phủ trình Quốc hội thông qua.
“Với giải pháp đồng bộ như vậy du lịch Việt Nam chắc chắn sẽ cất cánh trong thời gian tới để xứng đáng là kinh tế mũi nhọn. Trong đó chúng tôi đặt vấn đề rất mạnh mẽ đó là nhân lực ngành du lịch, đáp ứng các nhu cầu cần thiết trong điều kiện khách quốc tế đa dạng như hiện nay”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Trong 10 tháng đầu năm, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 8 triệu lượt, tăng 25% so với cùng kỳ và bằng cả năm 2015. Mục tiêu của ngành du lịch là tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng về khách du lịch quốc tế và nội địa trong những tháng cuối năm. Dự kiến, Việt Nam sẽ đón 9,6 triệu lượt khách quốc tế và 60 triệu khách nội địa trong năm nay.