Đài Loan thu hút du khách Việt Nam ra sao?

Đài Loan thu hút du khách Việt Nam ra sao?

Hàng chục năm nay, Đài Loan đã đầu tư phát triển du lịch dựa trên văn hóa của các tộc người bản xứ, thu hút du khách từ khắp nơi trên thế giới.

Theo cổng thông tin điện tử Đài Loan, các tộc người bản địa chiếm hơn 2% tổng dân số 23,55 triệu người ở Đài Loan, 95% là người Hán, còn lại là người nhập cư. Từ năm 2014, Đài Loan có thêm 2 tộc người được công nhận, nâng số dân tộc bản xứ được công nhận lên 16.

“Văn hóa 
rất quan trọng”

Đó là khẳng định của ông Tony Wu, giám đốc Văn phòng du lịch Đài Loan tại Kuala Lumpur, Malaysia, khi trao đổi với Tuổi Trẻ. “Văn hóa rất quan trọng. Mỗi dân tộc đều có nền văn hóa riêng biệt” – ông nói. Theo ông Wu, ở Đài Loan, bảo tồn văn hóa luôn là một trong những ưu tiên của chính quyền, và Đài Loan đã và đang bảo tồn tốt văn hóa của các tộc người bản xứ.

“Vì lẽ đó, chúng tôi tự tin giới thiệu đến du khách các nước, những người muốn tìm hiểu văn hóa Đài Loan” – ông Wu khẳng định, đồng tình rằng du lịch cũng là một trong những cách hữu hiệu giúp quảng bá và bảo tồn văn hóa. Năm 2011, Đài Loan từng cử 15 người thuộc 15 dân tộc bản xứ đến Canada để học xem cách người bản xứ ở Canada làm du lịch như thế nào.

Một trong những địa điểm nổi tiếng về du lịch bản xứ ở Đài Loan phải kể đến công viên văn hóa Cửu Tộc ở xã Yuchi, huyện Nantou. Có diện tích 62ha, khu du lịch sáng lập vào năm 1986 này được quảng cáo là khu vui chơi về chủ đề dân bản xứ lớn nhất Đài Loan, giới thiệu tất cả 16 dân tộc bản địa.

Nằm kề bên thắng cảnh đầm Nhật Nguyệt nổi tiếng, nơi này cũng được Văn phòng kinh tế và văn hóa Đài Bắc ở Việt Nam đề cử là một trong những điểm đến hấp dẫn du khách của Đài Loan. Theo ông Richard Huang – quản lý phòng kế hoạch marketing của công viên văn hóa Cửu Tộc, mỗi năm nơi này đón khoảng 1,3 triệu khách.

Một địa điểm khác cũng được biết đến với loại du lịch văn hóa bản xứ là khu du lịch sinh thái Atayal Resort, nằm giữa xã Guoxing và Renai của huyện Nantou. Bắt đầu xây dựng vào năm 1987 và chính thức đi vào hoạt động từ năm 1992, công trình rộng 47ha này được ông Kao Ai-De – một người dân tộc Atayal – sáng lập với mục đích bảo tồn các di tích và văn hóa của dân tộc mình.

Ngoài các hạng mục nghỉ dưỡng và giải trí, một trong những trọng tâm của nơi này là tái hiện nếp sống truyền thống của người dân tộc Atayal qua các hoạt động mà du khách có thể tham gia như nhảy qua bếp lửa để rũ bỏ những điều xui xẻo trước khi vào làng, tục cõng vợ, được hướng dẫn làm cơm ống tre, tham gia trò chơi chọc quả cầu bằng lá để cầu may, bắn pháo tre ăn mừng, học bẫy thú và bắn cung..

Nỗ lực thu hút 
khách Việt

Một trong các trọng tâm du lịch trong những năm tới mà Đài Loan xác định rất rõ là thu hút thêm du khách từ Việt Nam. Chỉ trong tháng 9 vừa qua, Đài Loan đã tham gia ít nhất 3 sự kiện quảng bá du lịch được tổ chức tại TP.HCM và Hà Nội.

Phái đoàn Đài Loan tham gia Hội chợ du lịch quốc tế TP.HCM (ITE 2017) hồi đầu tháng 9 cũng lên đến gần 90 thành viên, gồm đại diện chính quyền và doanh nghiệp lữ hành.

Ông Tony Wu cho biết vài năm trước, khi tham gia hội chợ, số lượng doanh nghiệp Đài Loan chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhưng năm nay đã lên đến hơn 40 đơn vị cùng sang Việt Nam.

Chính quyền Đài Loan cũng thí điểm đài thọ một phần chi phí cho các doanh nghiệp Đài Loan tại Việt Nam tổ chức cho nhân viên sang thăm Đài Loan.

Một trong những nỗ lực lớn nhất mà Đài Loan đang hướng tới là miễn thị thực cho người Việt Nam, như khẳng định của ông Lương Quang Trung, chủ nhiệm Văn phòng Kinh tế và văn hóa Đài Bắc tại TP.HCM, tại một cuộc gặp gỡ báo chí trong khuôn khổ hội chợ ITE.

Bên cạnh đó, nhiều cơ sở du lịch ở Đài Loan cũng tỏ rõ định hướng nhắm đến khách Việt. Một số nơi như công viên văn hóa Cửu Tộc hay khu nghỉ mát West Lake Resortopia ở huyện Miaoli còn có hẳn tờ rơi và nội dung quảng bá bằng tiếng Việt.

Thông báo tuyển dụng trực tiếp xuất khẩu lao động Đài Loan

Thông báo tuyển trực tiếp xuất khẩu lao động Nhật Bản

comments

Nội dung liên quan