Lừa đảo xuất khẩu lao động chiếm đoạt hơn 13 tỷ đồng

Tin lời vị giám đốc trung tâm đào tạo xuất khẩu lao động, hàng trăm người đã sập bẫy lừa của Nguyễn Thành Trung (35 tuổi, trú tại số 12 BT4, khu Bắc Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội).

Đối tượng Nguyễn Thành Trung

 

Đối tượng Nguyễn Thành Trung

Tính đến thời điểm hiện tại, 13 tỷ đồng là số tiền mà Trung đã chiếm đoạt từ những hợp đồng xuất khẩu lao động này. Theo Cơ quan CSĐT, CAQ Hoàng Mai, số tiền này chưa dừng lại ở đó, bởi số người bị hại trên thực tế  còn lớn hơn rất nhiều.

Trong các nạn nhân của Nguyễn Thành Trung, có lẽ anh Nguyễn Văn Phi (19 tuổi, trú tại khối 3, phường Nghi Tân, thị xã Cửa Lò, Nghệ An), Nguyễn Ích Dương (26 tuổi, trú tại xóm 11, xã Viên Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) có số phận hẩm hiu hơn cả. Sinh ra và lớn lên tại một xã ven biển của huyện Yên Thành, Nghệ An, anh Phi và Dương được gia đình vay mượn khắp nơi để có đủ tiền đi xuất khẩu lao động. Giấc mơ “đổi đời” được anh Phi và Dương đặt trọn niềm tin vào Trung. Cùng với anh Phi và Dương còn có anh Nguyễn Đình Thanh (27 tuổi, ở tại xóm Tân Lập 2, xã Nghi Quang, huyện Nghi Lộc, Nghệ An).

Khoảng tháng 7-2016, qua giới thiệu của bà Chu Thị Trâm (ở tỉnh Nghệ An), 3 thanh niên quê tỉnh Nghệ An đã đến Trung tâm dạy nghề – đào tạo xuất khẩu lao động tại số 12 nhà BT4, khu vực Bắc Linh Đàm, phường Hoàng Liệt để tìm vận may. Đón tiếp các anh là Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Trung tâm. Trung tự nhận có khả năng lo cho tất cả những thanh niên có nhu cầu đi xuất khẩu lao động “bay” được với công việc và mức lương hậu hĩnh, tương xứng với sức khỏe, nhu cầu.

Tuy nhiên, để có thể xuất khẩu lao động được thì số trường hợp này phải trả cho Trung số tiền 6.500 USD/người theo hình thức du lịch thương mại và 3.700 USD/người theo hình thức công nhân xưởng. “Chỉ trong vòng 2 tháng, mọi thủ tục hoàn tất và các công nhân này sẽ có việc làm ở chân trời mới. Nếu không lo được thì sẽ trả lại tiền” – Trung hứa chắc nịch khi cầm đủ số tiền của các lao động này đưa.

Hứa hẹn  là vậy, song đã qua 2 tháng, những người lao động này vẫn chẳng thấy cơ hội xuất cảnh. Sau nhiều tháng ròng phải chờ đợi, các anh Phi, Thanh, Dương yêu cầu Trung phải trả tiền. Bị truy nợ gắt gao, Trung miễn cưỡng trả trước cho anh Thanh 70 triệu đồng, còn nợ lại 13 triệu đồng. Riêng hai anh Phi và Dương mỗi người 6.500 USD đến nay Trung vẫn chưa trả. Bức xúc trước hành vi lừa đảo của đối tượng, các bị hại này đã đến CAP Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội tố cáo.

Đừng để tiền mất tật mang

Trước tính chất phức tạp của vụ án, CAP Hoàng Liệt đã chuyển hồ sơ lên Đội CSKT, CAQ Hoàng Mai để điều tra, xử lý. Quá trình điều tra, đến thời điểm này, CAQ Hoàng Mai đã xác định ngoài 3 bị hại trên còn có hơn 100 người khác cũng là “con mồi” của Nguyễn Thành Trung. Tổng số tiền đối tượng này lừa đảo lên tới 13 tỷ đồng.

Nạn nhân bị Trung lừa đảo chủ yếu là các lao động ở khu vực miền Trung. Căn cứ vào tài liệu, hồ sơ thu thập được, Cơ quan CSĐT – CAQ Hoàng Mai đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Nguyễn Thành Trung về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Mở rộng điều tra, bước đầu Trung khai nhận là Giám đốc Trung tâm dạy nghề – đào tạo xuất khẩu lao động của Chi nhánh Bắc Giang thuộc Công ty CP Hữu Nghị Bắc Giang. Trung tâm này chỉ có chức năng dạy, đào tạo nghề cho người đi xuất khẩu lao động chứ không được quyền thu tiền, tổ chức cho người đi xuất khẩu lao động nước ngoài.

Tuy nhiên, dù biết như vậy song Trung vẫn quảng cáo có khả năng lo cho người lao động để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của họ. Quá trình điều tra đến nay, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Hoàng Mai xác định, Trung đã trả gần 1,6 tỷ đồng; số tiền còn nợ là 12,191 tỷ đồng. Hiện Trung đã tự nguyện nộp 370 triệu đồng.

Thông tin với phóng viên, chỉ huy CAQ Hoàng Mai cho biết: Những bị hại trong vụ án này đều xuất thân từ các vùng nông thôn nghèo khó. Không chỉ mất tiền xuất khẩu lao động, nhiều người còn bị bòn rút với những khoản tiền không tên khác. Kết cục của những “chuyến bay hụt” này đã khiến người lao động nợ nần chồng chất.

Cũng theo CAQ Hoàng Mai, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo xuất khẩu lao động đều dựa vào những công ty có chức năng đào tạo nghề liên quan đến xuất khẩu lao động. Nhiều đối tượng sau khi gom được học viên, thu tiền của họ đã “bán” họ cho một công ty khác để xuất khẩu với chi phí đắt gấp nhiều lần so với thực tế. Nhưng mất nhiều tiền mà vẫn được đi xuất khẩu lao động thì còn may mắn bởi có hàng trăm người lao động dù mất khá nhiều tiền do vay mượn, nhưng không có khả năng trả nợ.

Do vậy, người lao động có nhu cầu xuất khẩu lao động cần tìm hiểu kỹ thông tin, đến những cơ sở có uy tín, được cấp phép để liên hệ, tránh “tiền mất tật mang”.

Hiện vụ án vẫn đang được CAQ Hoàng Mai tiếp tục mở rộng. Đề nghị ai là bị hại của đối tượng lừa đảo Nguyễn Thành Trung, liên hệ với Đội Cảnh sát kinh tế – CAQ Hoàng Mai để trình báo, hoặc liên hệ với đồng chí Trường, số điện thoại 0.922.526.868 để giải quyết.

đăng bởi: anninhthudo

 

comments

Nội dung liên quan