Việc Mỹ sử dụng biện pháp quân sự để ngăn Trung Quốc tiếp cận đảo nhân tạo ở Biển Đông có thể làm gia tăng đáng kể nguy cơ nổ ra chiến tranh.
Rex Tillerson, người được Tổng thống đắc cử Trump đề cử vị trí Ngoại trưởng Mỹ. Ảnh: AP
Ngoại trưởng được đề cử Mỹ Rex Tillerson trong phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ hôm qua tuyên bố hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông là “cực kỳ đáng lo ngại” và ông muốn ngăn Trung Quốc tiếp cận với các đảo nhân tạo nước này bồi đắp phi pháp ở Biển Đông, theo Reuters.
Các chuyên gia phân tích cho rằng quan điểm này của ông Tillerson phần nào thể hiện sự thống nhất trong lập trường của Tổng thống đắc cử Donald Trump và các quan chức Nhà Trắng được ông bổ nhiệm đối với các hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông. Trong cuộc họp báo diễn ra sau đó, ông Trump nói rằng Bắc Kinh đang “lấn lướt” Mỹ trên Biển Đông bằng cách xây dựng những “pháo đài khổng lồ”.
Ankit Panda, chuyên gia phân tích của Diplomat, cho rằng những tuyên bố Ngoại trưởng được đề cử Tillerson đưa ra trong phiên điều trần về vấn đề Biển Đông là những gì mà ngay cả những quan chức Mỹ có lập trường cứng rắn nhất với Trung Quốc hiếm khi đề cập đến trước đây.
Theo Panda, với tuyên bố “không cho phép Trung Quốc tiếp cận các đảo nhân tạo ở Biển Đông”, ông Tillerson nhiều khả năng ám chỉ khả năng sử dụng sức mạnh của không quân và hải quân Mỹ để ngăn chặn hoạt động của tàu chiến, máy bay Trung Quốc tại các đảo nhân tạo nước này bồi đắp phi pháp ở khu vực.
Đây sẽ là hành động leo thang rất lớn về cường độ của Mỹ, bởi hải quân nước này dưới thời Tổng thống Barack Obama chỉ thực hiện các hoạt động tuần tra bảo vệ tự do hàng hải trên Biển Đông, không hề có bất cứ hành động nào nhằm ngăn cản tàu chiến Trung Quốc qua lại trên vùng biển.
Panda cho rằng dù việc Trung Quốc triển khai vũ khí, đưa tàu chiến, máy bay tới các đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông là hành động đi ngược lại luật pháp quốc tế, trái với phán quyết mà Tòa Trọng tài đã đưa ra hồi tháng 7 năm ngoái, Mỹ cũng không hề có bất cứ cơ sở pháp lý thuyết phục nào để ngăn cản các phương tiện quân sự của Trung Quốc hoạt động trên Biển Đông.
Mặc dù chưa phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS), hải quân Mỹ hiện nay hoạt động trên Biển Đông chủ yếu dựa trên cơ sở pháp lý của văn kiện này, trong đó nhấn mạnh các bên đều có quyền tự do đi lại trên những vùng biển quốc tế.
Nếu hải quân Mỹ thực hiện theo những gì ông Tillerson đề xuất, điều tàu chiến, máy bay ngăn chặn các phương tiện quân sự của Trung Quốc tiếp cận đảo nhân tạo phi pháp trên Biển Đông, Mỹ lại đang vô tình vi phạm các quy định về tự do hàng hải trong UNCLOS, bởi Mỹ không hề có lãnh hải hay vùng tiếp giáp lãnh hải trên Biển Đông. Hải quân các nước chỉ có thể hạn chế hoạt động qua lại của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải hoặc vùng tiếp giáp lãnh hải của mình, chứ không phải trên vùng biển quốc tế.
Tàu sân bay Mỹ hoạt động trên biển. Ảnh: USNI
Đề xuất của Tillerson không chỉ làm xói mòn lập trường của Mỹ ủng hộ luật pháp, thông lệ quốc tế trên Biển Đông, nó còn làm gia tăng nguy cơ nổ ra một cuộc xung đột giữa Mỹ với Trung Quốc trên vùng biển quan trọng này.
Theo Panda, việc sử dụng biện pháp quân sự để ngăn chặn hành động của Trung Quốc trên Biển Đông rõ ràng sẽ là hành động khiến Bắc Kinh cảm thấy “mất mặt” và có phản ứng quyết liệt hơn. Ngoài ra, nó còn thách thức trực tiếp tới cái mà Trung Quốc cho là “lợi ích cốt lõi” của mình trên Biển Đông.
Dù Tillerson không nói rõ sẽ ngăn chặn Trung Quốc trên Biển Đông như thế nào, phương án này gần như không được giới chức Mỹ nhắc đến trước đây. Ngay cả Tổng thống đắc cử Trump, người nhiều lần kịch liệt lên án Trung Quốc, cũng chỉ muốn nhắm vào nước này trong lĩnh vực kinh tế và thương mại, chứ không phải là biện pháp quân sự.
Những quan chức có lập trường cứng rắn với Trung Quốc ở Washington, chẳng hạn như thượng nghị sĩ Marco Rubio, cũng không đưa ra những đề xuất mạnh như vậy. Trong khi muốn thay đổi hoàn toàn cách chính quyền Obama phản ứng với Bắc Kinh, Rubio cũng chỉ dừng lại ở việc đề xuất các biện pháp cấm vận mang tính trừng phạt nhắm vào Trung Quốc và đưa ra lập trường về chủ quyền của các thực thể trên Biển Đông.
Nếu Thượng viện Mỹ phê chuẩn đề xuất bổ nhiệm Tillerson làm Ngoại trưởng, Bắc Kinh chắc chắn sẽ rất lo lắng với những kế hoạch hành động trên Biển Đông của chính quyền mới ở Washington. Tuyên bố của Tillerson sẽ càng khiến nhiều người Trung Quốc tin rằng Mỹ đang tìm cách củng cố vị thế “bá quyền” ở Biển Đông và hoạt động “tự do hàng hải” của chính quyền Obama chỉ là vỏ bọc cho mục đích này, theo Panda.
Căng thẳng giữa Tổng thống đắc cử Mỹ và chính phủ Trung Quốc tới nay vẫn chưa bùng phát một cách trực tiếp, nhưng giới lãnh đạo Bắc Kinh dường như ngày càng lo lắng với nguy cơ Trump hiện thực hóa những lời đe dọa về việc đánh thuế cao với hàng hóa Trung Quốc, từ bỏ chính sách Một Trung Quốc, và đến giờ là thay đổi hoàn toàn lập trường của Washington đối với những tranh chấp trên Biển Đông.
“Nếu các lãnh đạo Trung Quốc tiếp tục suy nghĩ rằng Mỹ đang tăng cường nỗ lực gây tổn hại đến ‘lợi ích cốt lõi’ của họ, đặc biệt là vấn đề Biển Đông, nguy cơ nổ ra xung đột và chiến tranh trong khu vực càng trở nên lớn hơn”, Panda nhấn mạnh.