Tàu sân bay USS Nimitz của Mỹ từng băng qua eo biển Đài Loan trong cuộc khủng hoảng năm 1995
Ngày 15.12, trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Pháp Jean-Marc Ayrault, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nhấn mạnh tôn trọng chính sách “một Trung Quốc” là điều kiện tiên quyết cho các nước khác phát triển quan hệ với Trung Quốc và không có quốc gia nào có thể ngoại lệ, theo Tân Hoa xã.
Phát biểu này được xem là phản ứng nhằm vào việc Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump hôm 2.12 điện đàm với lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn và sau đó tỏ ý Mỹ không nhất thiết phải tôn trọng “một Trung Quốc”.
Chính sách “một Trung Quốc” được thống nhất trong cuộc gặp bán chính thức giữa đại diện Trung Quốc đại lục và Quốc dân đảng Đài Loan năm 1992. Kết quả cuộc gặp này thường được gọi là Đồng thuận 1992 và hai bên nhất trí rằng trên thế giới chỉ có một nước Trung Quốc, nhưng đó là CHND Trung Hoa hay Trung Hoa Dân Quốc thì mỗi bên giữ quyền diễn giải theo quan điểm riêng của mình.
Như vậy, các nước khác một khi đã thiết lập quan hệ chính thức với đại lục thì không thể làm tương tự với Đài Loan và ngược lại. Đến nay, đa số các quốc gia trên thế giới đều tuyên bố tôn trọng chính sách này và giữ quan hệ ngoại giao chính thức với Trung Quốc, đồng thời hợp tác không chính thức với Đài Loan.
Bản thân Mỹ năm 1972 cũng ra tuyên bố: “Mỹ xác nhận tất cả người Hoa ở bên này hay bên kia eo biển Đài Loan tuyên bố rằng chỉ có một Trung Quốc và rằng Đài Loan là một phần của “một Trung Quốc”. Chính phủ Mỹ không thách thức lập trường này”. Đến năm 1979, tổng thống Mỹ Jimmy Carter cắt đứt quan hệ ngoại giao chính thức với “chính quyền Trung Hoa Dân Quốc” ở Đài Loan.
Kể từ đó, Trung Quốc xem việc tôn trọng chính sách “một Trung Quốc” là một trong những nền tảng của quan hệ với Mỹ và luôn phản ứng mạnh đối với những động thái mà nước này xem là “ủng hộ Đài Loan độc lập”. Hồi thập niên 1990, căng thẳng từng leo thang đến mức tưởng chừng như đụng độ có thể nổ ra bất cứ lúc nào, xuất phát từ cáo buộc Mỹ vi phạm chính sách “một Trung Quốc”.
Tên lửa gườm tàu sân bay
Tháng 6.1995, tổng thống Bill Clinton chấp thuận cấp thị thực cho lãnh đạo Đài Loan Lý Đăng Huy sang Mỹ dự một sự kiện do Đại học Cornell ở New York tổ chức. Đây là chuyến thăm Mỹ đầu tiên của một người đứng đầu chính quyền Đài Bắc kể từ năm 1979, theo báo Hồng Kông South China Morning Post (SCMP). Chưa hết, ông Lý là “cái gai” trong mắt đại lục khi luôn đẩy mạnh điều gọi là “độc lập và dân chủ cho Đài Loan”. Ngay lập tức, Bắc Kinh cáo buộc Mỹ vi phạm chính sách “một Trung Quốc” và đe dọa trả đũa bằng các biện pháp như trừng phạt doanh nghiệp Mỹ hoạt động ở Trung Quốc hoặc hợp tác hạt nhân với Iran.
Trung Quốc thật sự “nổi trận lôi đình” khi trong diễn văn tại Đại học Cornell ngày 9.6.1995, ông Lý đưa ra những phát biểu bị cho là cổ súy cho Đài Loan độc lập, đặc biệt là câu: “Tôi biết rằng thế giới sẽ công nhận Trung Hoa Dân Quốc ở Đài Loan là đối tác có năng lực và thân thiện vì tiến bộ”.
Một tháng sau, Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) bắt đầu chiến dịch trả đũa, khởi đầu bằng đợt phóng tên lửa kéo dài 8 ngày với nhiều quả rơi xuống vùng biển cách đảo Bình Giai do Đài Loan kiểm soát chỉ khoảng 65 km và cách Đài Bắc chưa tới 160 km, theo SCMP. Sau đó, PLA tiếp tục phóng tên lửa lần thứ hai kết hợp với tập trận bắn đạn thật từ ngày 15 – 25.8 trước khi tiến hành diễn tập tấn công đổ bộ ở tỉnh Phúc Kiến, nằm đối diện với Đài Loan vào tháng 11. Trong suốt giai đoạn này, Tân Hoa xã và tờ Nhân Dân nhật báo liên tục chỉ trích ông Lý.
Tình hình căng đến mức vào tháng 12, tổng thống Clinton ra lệnh tung nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz đi qua eo biển Đài Loan, còn nhóm tác chiến tàu sân bay USS Independence trấn giữ khu vực phía đông đảo này. Đó là lần đầu tiên Mỹ cùng lúc triển khai 2 nhóm tác chiến tàu sân bay tới châu Á kể từ sau Chiến tranh Việt Nam, và cũng là lần phô diễn sức mạnh quân sự rầm rộ nhất của nước này trong khu vực trong vòng hơn 20 năm, theo SCMP.
Washington xem đây là lời cảnh báo rằng sẽ không dung thứ cho mọi hành động tấn công nhằm vào Đài Loan, đồng thời cũng chuẩn bị sẵn sàng đối phó mọi tình huống. Trong khi đó, Trung Quốc cáo buộc Mỹ dùng vũ lực can thiệp vào nội bộ.