Không chỉ bị sang chấn tâm lý sau khi gặp tai nạn, những người lái tàu còn gặp phải vô vàn thách thức từ nhiều phía. Họ bị người dân quây đánh, bị trừ lương, thậm chí là bị cấp trên kỷ luật… Để rồi sau đó, nhiều người không trụ vững đã phải bỏ nghề.
Trong suốt cuộc trò chuyện, những người lái tàu đều nhấn mạnh: “Chẳng có ai muốn xảy ra tai nạn bởi sau mỗi tai nạn chúng tôi không chỉ bị ảnh hưởng về tâm lý mà còn bị trừ lương. Thậm chí có tai nạn, người lái tàu còn bị những người dân quá khích vây đánh”.
Lái tàu Nguyễn Cảnh Dương (SN 1964)
Hơn 32 năm kinh nghiệm trong nghề lái tàu, ông Nguyễn Cảnh Dương, XN đầu máy Hà Nội, vẫn còn nhớ như in khoảnh khắc ông và người lái phụ bị một nhóm người tìm đến tận buồng lái để “xử lý” vì lái tàu gây tai nạn cho người qua đường.
Ông Dương kể: “Hôm đó, tôi lái tàu đến địa phận TP. Phủ Lý (Hà Nam) thì va phải một người qua đường. Cú va chạm khiến người đó tử nạn. Chúng tôi phải dừng đoàn tàu để kéo người tử nạn ra khỏi đường ray, sau đó hoàn tất các thủ tục theo quy định của ngành.
Trong lúc làm thủ tục, người nhà nạn nhân chưa đến. Tuy nhiên một số người say rượu ở gần đó sau khi chứng kiến vụ tai nạn đã xông thẳng đến buồng lái chính đòi đánh lái tàu. Phát hiện ra người quá khích, tôi nhanh trí đóng chặt cửa buồng lái nên mới thoát nạn”.
“Lại nhớ về lần đầu tiên đi tàu gặp tai nạn” – ông Dương nói tiếp: “Người thân của nạn nhân đến, biết tôi là lái tàu họ quát tháo, chửi mắng tôi. Họ hỏi tôi: “Tại sao không hãm phanh, tại sao không kéo còi?”. Tôi giải thích và khẳng định đã kéo còi và hãm phanh nhưng người đi đường vẫn cố băng qua. Tàu thì không thể dừng ngay như các phương tiện giao thông khác được.
Tôi càng giải thích thì người nhà nạn nhân càng muốn gây sự. May sao một cảnh sát kéo tôi ra. Anh ấy khuyên tôi nên tránh mặt những lúc như thế này để khỏi thiệt thân. Anh nhấn mạnh, người nhà mất nhiều người không giữ được bình tĩnh sẽ có những chuyện không hay” – ông Dương kể tiếp.
Sau hàng chục năm trên cabin, ông Dương cho rằng, lời khuyên của người cảnh sát khi đó là hoàn toàn hợp lý bởi tai nạn không phải do lỗi của lái tàu nhưng chỉ cần thấy mặt lái tàu, nhiều người sẵn sàng lao vào hành hung.
Tuy nhiên, đó là những “tai họa” mà ở chừng mực nào đó, họ có thể tránh được, trong khi thực tế, nhiều lái tàu còn bị kỷ luật vì những lý do không ai ngờ.
Ông Đoàn Ngọc Thạch (SN 1963) – nhân viên lái tàu với 33 năm kinh nghiệm, 29 năm là lái tàu chính của Xí nghiệp đầu máy Hà Nội
Ông Đoàn Ngọc Thạch (SN 1963), XN đầu máy Hà Nội kể: “Những năm 90 có một lái tàu lái đoàn tàu Thống Nhất. Trên đường lái tàu, ông ta phát hiện một đứa trẻ đang bò trên đường ray. Bên cạnh đứa bé không có người lớn trông nom.
Vậy là người lái tàu nhanh chóng giật phanh hãm. May mắn, đoàn tàu dừng trước khi lao vào đứa trẻ. Thế nhưng sau đó, lái tàu lại bị kỷ luật vì dừng tàu trái phép không có lý do.
Hóa ra, người nhà khi thấy con mình không sao đã chạy đến bế cháu đi luôn. Người lái tàu không tìm được họ nên không có nhân chứng để chứng minh cho việc dừng tàu của mình là hợp lý.
Hôm sau, ông có quay lại tìm người nhà đứa trẻ đó để xin xác nhận. Tuy nhiên, việc xác nhận ấy không được công nhận từ phía cơ quan. Cuối cùng, người lái tàu ấy đã quyết định nghỉ việc, bỏ hẳn nghề… ”.
Ông Thạch chia sẻ, mọi chuyện đã qua lâu rồi, không phải vì một người bị kỷ luật như vậy mà cánh lái tàu sợ hãi không cứu người. “Họ vẫn hãm tàu để tránh và cứu được rất nhiều mạng người trước lưỡi hái tử thần” – ông khẳng định.