Bầu cử Mỹ căng trước giờ G

Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng tuyên bố Mỹ sẵn sàng bảo đảm an ninh cho cuộc bầu cử ngày 8-11

Khi cuộc chạy đua vào Nhà Trắng chỉ còn vài ngày cuối cùng, 2 đối thủ Donald Trump và Hillary Clinton đã tranh thủ những giờ phút còn lại để thu hút phiếu bầu qua chính sách kinh tế.

So kè quyết liệt

Báo chí Mỹ cho biết ứng cử viên Dân chủ bày tỏ sự lạc quan đối với triển vọng của nền kinh tế Mỹ khi ca ngợi báo cáo về tình hình việc làm tháng 10 vừa qua ở nước này.

Vận động tranh cử ở TP Pittsburgh, bang Pennsylvania cuối tuần rồi, bà Clinton gọi báo cáo mới nhất của Bộ Lao động Mỹ là bằng chứng về sức mạnh của nền kinh tế đất nước – tạo ra 161.000 việc làm và tỉ lệ thất nghiệp giảm từ 5% còn 4,9% trong tháng 10. “Tôi tin rằng nền kinh tế của chúng ta sẵn sàng cất cánh và phát triển mạnh. Khi tầng lớp trung lưu phát đạt, nước Mỹ sẽ thịnh vượng” – bà nhấn mạnh.

Trái với bà Clinton, ông Trump cho rằng báo cáo trên là một “thảm họa” và chứa đựng số liệu giả tạo. “Chẳng ai tin vào các con số. Những con số mà người ta nêu ra là giả tạo” – ông Trump nói trước đám đông ủng hộ tại bang New Hampshire.

chot-1478443522680

Tỉ phú Donald Trump được nhân viên mật vụ đưa đi khi đang phát biểu tại TP Reno hôm 5-11. Ảnh: Reuters

Theo Reuters, tình hình kinh tế và quan điểm trái ngược nhau của 2 ứng cử viên về tương lai đất nước có thể đóng vai trò quyết định trong việc tác động đến những cử tri còn lưỡng lự ở các bang như Ohio, Pennsylvania và Michigan.

Kết quả cuộc thăm dò mới nhất của báo The Washington Post – đài ABC, được công bố ngày 6-11, cho thấy bà Clinton dẫn trước đối thủ 5 điểm, tăng 2 điểm so với cuộc thăm dò trước đó 2 ngày. Trái lại, kết quả cuộc thăm dò mới nhất của báo Los Angeles Times cho thấy 48% cử tri sẵn sàng bỏ phiếu cho ông Trump, trong khi tỉ lệ này dành cho bà Clinton là 42,6%. Cuộc thăm dò của website Rusmussen Report lại cho thấy sự ngang bằng nhau – tỉ lệ ủng hộ 44% cho cả 2 ứng cử viên.

Các cuộc thăm dò nêu trên báo hiệu giai đoạn cuối của cuộc đua đến Nhà Trắng vẫn còn đầy kịch tính. Trong bối cảnh cuộc bầu cử ngày 8-11 đang đến gần, 2 ứng viên đang dồn sức lôi kéo cử tri tại các bang chiến địa.

Bà Clinton đã vận động tranh cử tại Philadelphia đêm 5-11 và đến 2 bang Michigan, Bắc Carolina vào hôm sau. Trong khi đó, tỉ phú Trump tự tin tuyên bố “tấn công” các bang được xem là thành trì của Đảng Dân chủ, như Pennsylvania, Michigan và Minnesota.

Đối mặt nguy cơ khủng bố

Ngoài cuộc đua song mã nêu trên, an ninh cũng là vấn đề thu hút nhiều sự quan tâm trước thềm bầu cử, nhất là sau khi tỉ phú Trump được nhân viên mật vụ đưa khỏi sân khấu lúc đang phát biểu tại TP Reno, bang Nevada vào đêm 5-11 do một đối tượng bị nghi mang súng trong đám đông.

Vài phút sau khi đối tượng này bị dẫn đi, ông Trump tiếp tục phát biểu vận động tranh cử. Dù vũ khí không được tìm thấy trên người đối tượng này, phe của ông Trump vẫn khẳng định có âm mưu ám sát ở đây.

Trong bối cảnh đó, người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng tuyên bố Mỹ sẵn sàng bảo đảm an ninh cho ngày bầu cử, đồng thời tự tin vào khả năng phát hiện mọi mưu toan can thiệp của nước ngoài vào quá trình bầu cử.

“Xã hội Mỹ và nền dân chủ của chúng ta vững chắc trước các âm mưu thao túng ý kiến dân chúng. Chính phủ Mỹ bảo đảm quá trình bầu cử an toàn và có khả năng ngăn chặn mọi âm mưu can thiệp vào cuộc bầu cử” – hãng tin RIA Novosti trích dẫn phát biểu của ông.

Bên cạnh đó, nhà chức trách liên bang và chính quyền các bang còn áp dụng thêm nhiều biện pháp nhằm đối phó khả năng xảy ra tình trạng hỗn loạn hoặc bạo lực liên quan đến thường dân.

Nguy cơ khủng bố cũng là nỗi lo thường trực sau khi bà Rita Katz, Giám đốc Công ty SITE Intelligence Group (Mỹ) chuyên theo dõi các nhóm khủng bố, hôm 5-11 tiết lộ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã kêu gọi “tàn sát” cử tri Mỹ trong ngày bầu cử sắp tới. Theo một bài viết đăng tải trên mạng, IS kêu gọi người Hồi giáo không tham gia bỏ phiếu vì Đảng Cộng hòa hay Đảng Dân chủ đều có quan điểm chống lại tín đồ Hồi giáo cũng như đạo Hồi.

Trước đó, chính quyền các bang New York, Texas và Virginia đã được cảnh báo về nguy cơ tấn công đến từ tổ chức khủng bố Al-Qaeda trong ngày bầu cử.

Thế giới lo lắng

Khi trở về văn phòng ở TP San Francisco sau chuyến thăm Canberra mới đây, ông Jeffrey Bleich, cựu đại sứ Mỹ tại Úc và là người ủng hộ bà Clinton, bắt đầu nhận email từ các đồng minh Mỹ ở châu Á, trong đó bày tỏ nỗi lo về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới.

Chứng kiến tỉ lệ ủng hộ ứng viên Trump tăng dần sau tiết lộ gây sốc của FBI về việc tiến hành điều tra những email mới liên quan đến bà Clinton, chính phủ một số nước như Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… không khỏi lo lắng trước viễn cảnh tỉ phú bất động sản này trở thành ông chủ Nhà Trắng. “Họ lo ngại về tác động của một nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump đối với danh tiếng của Mỹ trên thế giới, về mối quan hệ giữa Washington và các đồng minh…” – ông Bleich nói với tờ The Australian Financial Review (Úc) ngày 6-11.

Một phần nỗi lo của họ đến từ những chính sách không thể đoán trước, mang tính biệt lập và bảo hộ thương mại của ông Trump. Ứng viên theo đường lối chủ nghĩa dân tộc này chỉ trích chính sách đối ngoại lâu nay của Mỹ khiến đất nước lãng phí nhiều tiền của cho các cuộc chiến ở nước ngoài. Ông cũng cho rằng các thỏa thuận thương mại, chính sách nhập cư đang khiến người Mỹ mất công ăn việc làm.

Trái lại, sự ổn định là điều mà bà Clinton có thể mang đến nếu thắng cử. Khi đó, nữ tổng thống đầu tiên của Mỹ này nhiều khả năng sẽ tiếp tục chính sách đối ngoại chủ đạo hiện nay của Mỹ, trong đó có việc duy trì phần lớn chiến lược xoay trục sang châu Á của người tiền nhiệm Barack Obama.

Khắp thế giới, nhiều chính phủ và nhà đầu tư cũng theo dõi sát sao cuộc bầu cử ngày 8-11 trong tâm trạng tương tự. Ngay cả tại Mỹ, thị trường chứng khoán đã giảm trong ngày thứ 9 liên tiếp hôm 4-11, một phần vì ông Trump đang bám đuổi sít sao bà Clinton sát ngày bầu cử.

Ông John Alterman, một nhà ngoại giao Mỹ kỳ cựu, nhận định kết quả cuộc bầu cử sắp tới sẽ có tầm quan trọng to lớn đối với thế giới. “Người Mỹ chỉ quan tâm đến tầm quan trọng của bầu cử đối với họ. Không nhiều người Mỹ suy nghĩ về tác động của bầu cử trong nước đối với phần còn lại của thế giới” – ông Alterman đánh giá.

Thông báo tuyển dụng trực tiếp xuất khẩu lao động Đài Loan

Thông báo tuyển trực tiếp xuất khẩu lao động Nhật Bản

comments

Nội dung liên quan