Đầu bếp người Nhật Kenji Fujimoto là người hiếm hoi có cơ hội tiếp xúc với hai đời lãnh đạo Triều Tiên và được ông Kim Jong-un mời trở lại Bình Nhưỡng để thực hiện lời hứa cưỡi ngựa cùng.
Kenji Fujimoto giơ bức ảnh về lần tái kiến với ông Kim Jong-un năm 2012. Ảnh: Washington Post
Kenji Fujimoto xuất hiện trong cuộc phỏng vấn của Washington Post với một trang giấy viết tay đã chuẩn bị sẵn về vụ thử hạt nhân ngày 6/1 của Triều Tiên. Kết luận ông đưa ra: ưu tiên hàng đầu của Kim Jong-un là cải thiện kinh tế, do đó ông cần quảng cáo về công nghệ của đất nước với những khách hàng tiềm năng như Iran.
Những phân tích như vậy chính là thông tin có thể giúp Fujimoto hái ra tiền những ngày này. Bởi ông là một trong số ít những người không phải công dân Triều Tiên từng được gặp ông Kim, và nằm trong một số ít hơn nữa những người từng nói chuyện với nhà lãnh đạo trẻ này từ khi ông lên nắm quyền 4 năm trước.
Fujimoto chỉ từng dùng chung một bữa trưa với ông Kim năm 2012. Phần lớn thời gian họ biết nhau là từ những năm 1990, khi Fujimoto là đầu bếp sushi cho nhà lãnh đạo Triều Tiên khi đó, Kim Jong-il, cha của ông Kim Jong-un.
Thông tin về nhà lãnh đạo thế hệ thứ ba của Triều Tiên ít ỏi đến mức chỉ từng đó tiếp xúc đã đủ để khiến Fujimoto trở thành “nhà Kim Jong-un học”.
“Chẳng có ai khác tại Nhật Bản, tôi là người duy nhất”, Fujimoto, 68 tuổi, khẳng định. “Đây là điều bí mật và tôi sẽ tiết lộ toàn bộ bí mật của mình cho thế giới”.
Fujimoto là người Nhật duy nhất mà công chúng biết tới từng gặp ông Kim (trong khi người Mỹ duy nhất là cầu thủ bóng rổ Dennis Rodman cùng đoàn tùy tùng). Do đó, ai cũng muốn tiếp cận Fujimoto. Một mặt tấm danh thiếp của ông là bìa cuốn sách mới nhất ông vừa xuất bản, có ảnh ông đang ôm Kim Jong-un. Ở mặt còn lại là dòng chữ: “Đầu bếp của Kim Jong-il. Vui lòng gọi số này nếu bạn muốn nói chuyện”.
Truyền hình Nhật từng trả cho đầu bếp này 1.000 USD để xuất hiện và nói về nhà lãnh đạo Triều Tiên. Báo chí cả tại Nhật và khắp thế giới trả khoảng một nửa số đó. Fujimoto còn cho biết các chính phủ cũng trả tiền để lấy thông tin từ ông, dù ông không cho biết chi tiết cụ thể.
Những thư tín ngoại giao của Mỹ năm 2008 bị Wikileaks tiết lộ cho thấy các nhà phân tích của chính phủ Nhật đã nghiên cứu kỹ lưỡng cuốn sách đầu tay của Fujimoto. Dù vậy, cựu đầu bếp này phủ nhận thông tin ông đã được chính phủ Nhật trả những món tiền lớn trong nhiều năm.
Ký ức với nhà lãnh đạo
Fujimoto là người có chút lập dị, cả về những trải nghiệm của ông lẫn tính cách. Ông luôn lo ngại cho tính mạng, đến mức phải mặc áo chống đạn khi rời thành phố Saku của mình. Nhưng ai cũng có thể nhận ra ông ngay lập tức với chiếc kính màu tím, đồng hồ nạm kim cương hào nhoáng, cùng chiếc xe thể thao hạng sang.
Năm 1982, khi đang vất vả kiếm sống, Fujimoto đã đọc được quảng cáo tìm đầu bếp sushi làm việc tại Triều Tiên. Cuối cùng, ông được chọn để chế biến món ăn từ cá này cho nhà lãnh đạo Kim Jong-il. Ông đồng thời là “bạn cùng chơi” với Kim Jong-un, người mà theo đầu bếp này sinh năm 1983, và cả anh trai của ông Kim.
Những năm sau đó là quãng thời gian phiêu lưu khắp nơi. Fujimoto có những buổi đi trượt tuyết và cưỡi xe leo núi cùng nhà lãnh đạo. Fujimoto đã bay khắp thế giới để mua trứng cá hồi muối và rượu cognac cho ông Kim Jong-il.
Sau khi trốn khỏi Triều Tiên năm 2001, Fujimoto đã viết cuốn sách có tên “tôi từng là đầu bếp của Kim Jong-il”. Cuốn sách trở thành tư liệu của vô số giai thoại về khẩu vị của nhà lãnh đạo Triều Tiên. Nhận thấy mình được dư luận chú ý, Fujimoto viết thêm hai cuốn sách nữa và thường xuất hiện trên truyền hình.
Một số người sau đó bày tỏ hoài nghi về chuyên môn của ông, nhiều câu chuyện ông kể bị xem là không nhất quán, nhưng uy tín của Fujimoto được củng cố khi ông dự đoán chính xác việc Kim Jong-un được chọn kế nhiệm ông Kim Jong-il. Tại thời điểm đó, dư luận nhìn chung nhận định người con trai thứ hai, Kim Jong-chol sẽ được chọn làm lãnh đạo mới.
Khi Kim Jong-un nhậm chức năm 2010, Fujimoto cho biết ông đã được nhiều người bên ngoài Triều Tiên đề nghị chia sẻ về quãng thời gian từng có với nhà lãnh đạo trẻ.
Ông nhớ lại những câu chuyện cũ, ví dụ như khi 8 tuổi ông Kim đã cố đẩy cửa nhà vệ sinh xông vào dù Fujimoto ở bên trong; hay chuyện khi ông Kim 17 tuổi, vừa trở về sau quãng thời gian học tại Thụy Sỹ, đã mượn chiếc CD nhạc Whitney Houston của đầu bếp người Nhật.
Cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il ngồi ngoài cùng bên trái, còn Fujimoto đứng bên tay phải ông. Ảnh: Washington Post
Lời hứa
Fujimoto kể đi kể lại những câu chuyện này dù luôn sống với nỗi sợ rằng, một ngày nào đó sẽ bị một mật vụ Triều Tiên đánh gục. Cuối cùng, năm 2012, khi ông đang ở tại thị trấn Saku, đông bắc Tokyo, ông thấy một người đàn ông cao lớn mà ông nhận ra là người Triều Tiên. “Lúc đó tôi nghĩ’ ‘cuối cùng họ cũng đến tìm tôi'”, Fujimoto nhớ lại.
Nhưng rồi ông gặp người đàn ông đó tại một khách sạn và nhận được giấy mời đến Bình Nhưỡng gói trong nhung đỏ. Tháng sau đó, thêm một thông điệp nữa được gửi tới: “Tư lệnh Tối cao Kim Jong-un muốn ông thực hiện lời hứa năm 2001”.
Năm đó, Fujimoto đã hứa sẽ đi cưỡi ngựa cùng ông Kim, và thông điệp được gửi tới chính là nhắc lại lời hứa này. Do đó, Fujimoto đã lên đường.
“Khi cánh cửa từ từ mở ra, người đầu tiên tôi nhìn thấy là Kim Jong-un, ông ấy nói rằng ‘lâu rồi không gặp, Fujimoto-san'”, vị đầu bếp kể lại. Đó là khi ông biết mọi chuyện sẽ ổn cả. Lúc còn là một cậu bé, Kim chưa khi nào dùng kính ngữ “san” trong tiếng Nhật với Fujimoto.
Trong cuộc phỏng vấn, Fujimoto đã đưa ra những tấm ảnh từ cuộc gặp với ông Kim. Một ảnh cho thấy ông dùng khăn tay lau mũi khi ngồi cạnh người chú rể sau này bị xử tử của ông Kim, Jang Song-taek. Một bức ảnh khác cho thấy Fujimoto đang lau nước mắt trong lúc cúi đầu trước nhà lãnh đạo Triều Tiên.
“Tôi đã nói với Kim Jong-un bằng tiếng Triều Tiên: ‘Tôi, kẻ phản bội Fujimoto, đã trở về’, và ông ấy nói ‘không sao, không sao’, trong khi vỗ lên vai tôi”, Fujimoto nhớ lại. “Tôi đã khóc rất nhiều”.
Fujimoto cũng viết một cuốn sách về cuộc gặp gỡ đó, có tên: “Lời hứa bị phá vỡ. Lời thú nhận với Đồng chí Tư lệnh”. Đó là cuốn sách có hình ảnh hai người ôm nhau trên trang bìa.
Fujimoto khóc khi kể lại câu chuyện về cuộc gặp gỡ giữa họ. Ông cho biết lần tái ngộ đó kéo dài vài giờ, và họ đã uống nhiều rượu vang, cũng như rượu soju của người Triều Tiên. “Tôi không buồn, tôi thấy vui khi nói về các cuộc trò chuyện với Kim Jong-un”, Fujimoto giải thích. “Tôi biết ông ấy từ khi ông ấy mới lên 7 tuổi”.
Vị đầu bếp vẫn dành cho ông Kim và chính quyền của ông nhiều tình cảm, dù cô vợ người Triều Tiên của Fujimoto, từng là ca sĩ nổi tiếng, bị đưa đi lao động khổ sai tại một mỏ than cùng hai con, sau khi ông bỏ trốn năm 2001.
Ông gặp lại vợ và con gái, đang sống tại Bình Nhưỡng, trong lần quay trở lại năm 2012. Nhưng cậu con trai 22 tuổi, cũng có tên Jong-un, mà theo ông được đặt do hoàn toàn tình cờ, đã chết vì đau tim vài tuần trước đó.
Fujimoto cho biết ông vẫn tiếp tục viết thư cho Kim Jong-un, nhưng ông chưa xin được thị thực để quay trở lại Bình Nhưỡng.
“Các tờ nhật báo có thể gọi cho tôi”, Fujimoto nói tại bữa trưa tuần trước, sau khi Triều Tiên tuyên bố thử bom nhiệt hạch. Sau đó, ông rời đi trên chiếc xe màu bạc của mình, để viết một bức thư chúc mừng sinh nhật cho Kim Jong-un.