Triều Tiên đã khiến quốc tế giật mình với lời tuyên bố thử bom, khi thế giới đang chìm sâu vào khủng hoảng và các cường quốc còn bận bịu đối phó với những vấn đề riêng.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: AP
Theo Telegraph, vụ thử bom nhiệt hạch có thể được coi là một món quà sớm cho lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, người sẽ đón sinh nhật vào ngày 8/1. Tuy nhiên, đây có lẽ không phải là yếu tố quyết định thời gian xảy ra vụ thử.
Ông Kim, một lãnh đạo trẻ rất quan tâm đến việc củng cố quyền lực, đang muốn thể hiện với người dân trong nước, trước đại hội đảng đầu tiên trong 35 năm, dự kiến tổ chức vào tháng 5.
“Tiến bộ của chương trình hạt nhân Triều Tiên là một trụ cột trong quyền lực của ông Kim”, Yanmei Xie, một nhà phân tích về châu Á thuộc Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, nhận xét.
“Ông Kim có thể cảm thấy rằng ông chưa làm đủ để khẳng định vị trí của mình. Vì vậy, việc thể hiện Triều Tiên đang sở hữu bom nhiệt hạch có thể là bước đi được tính toán để ông Kim tăng cường đáng kể quyền lực”.
Các nước đã nhanh chóng lên án hành động của Triều Tiên, nhưng cho đến nay, chưa chắc chắn những tuyên bố này sẽ đi đến đâu. “Cộng đồng quốc tế không có nhiều phương án để đáp lại”, Ian Bremmer, chủ tịch của Nhóm Á-Âu và là tác giả của cuốn sách “Siêu cường”, nói.
Theo giới chuyên gia, Bình Nhưỡng đã tính toán cẩn thận để tung ra đòn phô diễn sức mạnh hạt nhân vào thời điểm các cường quốc đang tập trung vào các cuộc khủng hoảng quốc tế khác.
Châu Âu đang vất vả xử lý cuộc khủng hoảng người tị nạn. Tổng thống Putin tuyên bố vô cùng quan ngại trước động thái của Triều Tiên nhưng Moscow khó có thể tập trung vào vấn đề này khi còn đang dồn lực vào chiến dịch không kích ở Syria. Các nước cũng đang phải sát sao theo dõi tình hình Trung Đông, đặc biệt là sau khủng hoảng leo thang giữa Arab Saudi và Iran.
Bình Nhưỡng cũng có thể có thể tính toán rằng ông Barack Obama đang bước vào năm cuối của nhiệm kỳ tổng thống. Ông sẽ không mặn mà với việc tham gia vào một cuộc đối đầu mới với Triều Tiên, khi vẫn đang vất vả đối phó với tàn dư từ các cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan.
Không chỉ có vậy, ông Obama còn đang phải tập trung vào vấn đề kiểm soát súng đạn trong nước. Tổng thống Mỹ sẽ khó có khả năng đưa ra một cách tiếp cận mới đối với Bình Nhưỡng, theo John Delury, giáo sư tại Đại học Yonsei ở Seoul.
“Washington dường như đã mất lòng nhiệt tình đối với chính sách “kiên nhẫn chiến lược” trước đây, nhưng vẫn chưa ai có thể đề xuất một phương án thay thế thuyết phục”, ông nói.
“Cả hai biện pháp trừng phạt và dùng vũ lực đều được xem là ngõ cụt. Tổng thống Obama có quá nhiều điều để lo lắng và khó có khả năng muốn đổ công sức vào việc đối phó với Bình Nhưỡng. Vì vậy, chúng ta đang lâm vào bế tắc”, ông nói.
Đồng minh Trung Quốc
Nhưng quan trọng nhất đối với Bình Nhưỡng là phản ứng của Trung Quốc, đồng minh duy nhất của nước này. Trung Quốc có thể gây ảnh hưởng lớn đến Triều Tiên bằng cách chấm dứt hỗ trợ tài chính.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã làm rõ tại cuộc họp báo hàng ngày rằng Bắc Kinh không hề được cảnh báo trước cuộc thử nghiệm. Trung Quốc cũng dự kiến ủng hộ một nghị quyết tại Liên Hiệp Quốc để lên án các hành động của Bình Nhưỡng, nhưng khả năng cao sẽ không tán thành phương án sử dụng vũ lực.
Thực tế, Trung Quốc đang lo lắng về tình trạng bất ổn trong nước, chủ yếu tại khu vực Thiên Tân, trong khi tình hình kinh tế bấp bênh. Chứng khoán nước này đã lao dốc sau khi Trung Quốc hạ giá NDT mạnh tay nhất từ tháng 8/2015. Thị trường ngày 7/1 phải ngừng hẳn giao dịch chỉ sau 30 phút mở cửa. Do đó, Bắc Kinh sẽ né tránh thực hiện các hành động có thể gây bất an trong nước, các nhà phân tích trong khu vực nhận xét.
Bà Xie thuộc Nhóm Khủng hoảng Quốc tế cho rằng, nếu Trung Quốc có một nỗi sợ hãi lớn hơn khả năng hạt nhân ngày càng tăng của Triều Tiên, thì đó là hậu quả của việc sụp đổ trong nước.
“Trung Quốc đã giúp đỡ chính quyền của ông Kim trong nhiều năm bằng việc cung cấp nhiên liệu, hỗ trợ lương thực, giúp Triều Tiên bớt cô lập về ngoại giao và kinh tế. Thật khó tưởng tượng rằng Trung Quốc sẵn sàng từ bỏ ông Kim ngay cả sau một vụ thử bom, mặc dù mối quan hệ sẽ trải qua một cơn ớn lạnh sâu sắc hơn”, bà nói.
“Đối với Bắc Kinh, khả năng hạt nhân của Triều Tiên là đáng lo ngại, nhưng nếu chính quyền Triều Tiên sụp đổ thì Trung Quốc có nguy cơ phải đối phó với sự hỗn loạn ngay bên cạnh nước mình và có khả năng bán đảo Triều Tiên sẽ thống nhất. Điều này dẫn điến việc Washington mở rộng ảnh hưởng về phía bắc, ngay trước cửa nhà Trung Quốc, một tình huống hoàn toàn đáng sợ đối với Bắc Kinh”.
Phản ứng
Rah Jong-Yil, một cựu giám đốc tình báo Hàn Quốc, cho rằng quốc tế sẽ không có phản ứng khác biệt đáng kể so với những cuộc khủng hoảng trước đó. “Đây là một cú sốc lớn ở Hàn Quốc và theo tôi thấy, không có lựa chọn khả thi để ngăn chặn Bình Nhưỡng trên con đường này”, ông nói.
“Cộng đồng quốc tế lên án hành động, nhưng chúng ta không có cách nào hiệu quả để chống lại sự phát triển này. Ngay cả Trung Quốc, nước đã hành động như một bên làm ổn định tình hình, cũng không có quá nhiều ‘lá bài’ để tung ra”.
Giáo sư Shigemura dự doán rằng Bình Nhưỡng sẽ chuyển sang giọng hòa giải hơn, giống như cách tiếp cận chính quyền nước này đã thực hiện trong vài thập kỷ qua. Bình Nhưỡng đã vài lần dịu giọng và hứa hẹn hợp tác nhưng chỉ là động thái câu giờ để phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa tầm xa.
Triều Tiên cũng có thể đang chờ đợi các đối thủ nhượng bộ. Họ đẩy căng thẳng lên cao rồi sau đó yêu cầu viện trợ để đổi lại việc xuống thang.
“Ông Kim muốn đàm phán từ một vị thế mạnh mẽ, chắc hẳn ông đã theo dõi chặt chẽ việc giải quyết tình hình hạt nhân của Iran”, giáo sư Shigemura nói thêm.
“Nhiều nhà lãnh đạo Mỹ trước đây đã cố gắng đạt được tiến bộ về vấn đề Triều Tiên khi sắp rời Nhà Trắng. Và khi Tổng thống Obama bước vào năm cuối của nhiệm kỳ, ông Kim có thể đang mong đợi ông Obama làm điều tương tự và đưa ra các cuộc đàm phán”.