Những người mới đến như chúng tôi luôn được hỏi “Bạn có quen với bóng tối không?”. Tôi chưa bao giờ tưởng tượng mình sẽ đến một nơi nào đó xa trên cả vòng Bắc Cực, nơi có một khoảng thời gian mặt trời không thể xuất hiện cao hơn đường chân trời.
Thậm chí tôi còn chẳng nhớ gì về nó trong mớ kiến thức địa lý thời trung học từ cách đây mười mấy năm. Thế nhưng, tôi đã đến nơi này và có cơ hội để trả lời những người bạn ở đây, Na Uy, rằng “Tôi yêu nó”.
Ảnh chụp lúc giữa buổi trưa trên bến cảnh thành phố.
Vòng Bắc Cực là một trong 5 vĩ tuyến quan trọng trên bản đồ Trái đất. Khi mặt trời không xuất hiện liên tục 24 giờ đồng hồ, khoảng thời gian đó được gọi là Đêm Bắc Cực (Polar Night). Càng cách xa vòng Bắc Cực về phía bắc, thời gian của Đêm Bắc Cực càng dài. Tromso, thành phố nơi tôi sống, cách vòng Bắc Cực 350 km về phía bắc. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc chúng tôi có 60 Đêm Bắc Cực trong một năm.
Nếu đang nghĩ, làm thế nào để chúng tôi sống sót trong 60 ngày mà không có một chút ánh sáng thì câu trả lời đơn giản là khi ở Na Uy, hãy làm như người Na Uy làm!
Chứng trầm cảm mùa đông đặc biệt thường xuất hiện ở những người sống tại vùng Bắc Âu. Một yếu tố quan trọng để sống chung với bóng tối của vùng Scandinavia này là nhận thức của về chứng trầm cảm mùa đông.
Căn bệnh được phát hiện từ thế kỷ thứ 6 bởi một học giả người Gothic, có nguồn gốc từ sự thiếu cân bằng sinh hoá do thiếu ánh sáng mặt trời. Các triệu chứng chính là mệt mỏi, ngủ quên, thèm ăn các thực phẩm có đường, cảm giác buồn bã, cảm giác tội lỗi, khó chịu, ngại tiếp xúc với xã hội cũng như các liên hệ về thể chất.
Chúng tôi thì không nhưng người Na Uy được dạy về chứng rối loạn này trong cuộc sống hàng ngày, từ gia đình đến trường học và các chiến dịch truyền thông trên truyền hình của chính phủ. Không có buồn bã, không có trầm cảm mùa đông, khó có thể diễn tả những nỗi niềm háo hức của những người mới đến như tôi.
Chúng tôi như những đứa trẻ thấp thỏm mong chờ được bóc đồ chơi sau đêm Giáng sinh và mang theo cái cảm giác nôn nao giống như trong những đêm mất ngủ ngay trước các cuộc hành trình. Chúng tôi đã đi qua mùa đông với những trải nghiệm đầy kỳ thú!
Tromso nhìn từ trên cao, ngày tối nhất trong năm thường rơi vào khoảng từ 21 -23/12.
Thực ra, cuộc sống không ngừng vận động, dù sáng hay tối. Mọi hoạt động của thành phố này vẫn diễn ra bình thường trong bóng tối và những ngày tuyết rơi mù mịt. Thật dễ dàng để quyết định ta sẽ ở trong nhà thôi chỉ vì trời tối hay tuyết đang rơi. Nhưng nếu bước ra ngoài, ta cũng sẽ thấy mọi nỗ lực là xứng đáng.
Tiếng bước chân lạo xạo trên lớp tuyết xốp, tiếng đinh giày đâm vào lớp băng, đi bộ ra bến xe buýt, đi xe buýt, đi xem phim, ghé vào một quán cafe, đọc một cuốn sách trong thư viện, lang thang giữa trung tâm thành phố… và trở về nhà. Đầu đội mũ lùm xùm, những lần mất thăng bằng trên băng, nước bùn bám trên ủng, mũi đỏ lên, đầu ngón tay lạnh buốt, tuyết lẩn đầy trong mũ áo khoác… tất cả đều là những trải nghiệm thú vị mà không phải ai cũng có trong đời. Nó là một phần cuộc sống của Na Uy, cũng sẽ là một phần cuộc sống của tôi.
Lũ trẻ con bên trường cấp hai đối diện nhà vẫn chạy đuổi nhau trên sân mùa đông, lăn lộn trên tuyết, cười đùa váng một góc trời. Thi thoảng tụi học mầm non lại rồng rắn kéo nhau đi bộ ngang qua con đường dốc cạnh hiên nhà, những buổi học ngoài trời hay dã ngoại vẫn được duy trì trong cả những ngày tối nhất và tuyết rơi ngập quá đầu gối chỉ sau một đêm. Những ông bố bà mẹ nơi đây thường cho con ra ngoài, kể cả những em bé sơ sinh, hoặc đi bộ hoặc ngồi và nằm trong xe đẩy.
Chẳng có gì lạ nếu bạn bắt gặp hình ảnh một đứa trẻ Na Uy nằm trên xe đẩy được ủ ấm bên ngoài hiên nhà hay ban công để ngủ. Không khí trong lành giúp chúng ngủ ngon hơn và lâu hơn. Chúng sẽ lớn lên và được dạy về bóng tối. Chúng sẽ đi xe trượt tuyết, xây người tuyết và ném những quả pháo tuyết về phía nhau, ở góc sân phía trước nhà, trên đường phố hay trong các công viên suốt những ngày không ánh sáng. Chúng đi bộ đến trường trong bóng tối, và tất nhiên cũng đi bộ về nhà trong bóng tối. Bởi vậy, phản xạ cũng trở nên cực kỳ quan trọng trong khoảng thời gian của những Đêm Bắc Cực.
Tromso có 60 Đêm Bắc Cực nhưng đồng thời cũng có tới 60 ngày mặt trời không tắt và không đi ngủ. Đó là những ngày dài tưởng như là vĩnh cửu, giữa đêm vẫn được tận hưởng ánh nắng và ánh sáng chói lóa, những bữa BBQ trên bãi biển, những trận bóng chuyền trên cát và những buổi hoà nhạc ngoài trời kỷ niệm “mặt trời lúc nửa đêm”.
Tôi, và những người sống quanh tôi, thực tế rất lạc quan, họ ăn mừng ngày mặt trời lên và luôn ở trong tâm thế sẵn sàng chờ đợi mùa hè. Chúng tôi sống trọn vẹn những ngày hè ngập nắng, để cho thoả sự đợi chờ và khi mùa đông tới lại không ngừng hy vọng, mong chờ.
Cực quang, hiện tượng lý thú chỉ xuất hiện vào mùa đông ở các thành phố phía bắc của Bắc Âu.
Những người đến từ xứ ấm nóng nhiệt đới như tôi không bao giờ nghĩ hay tưởng tượng ra rằng Đêm Bắc Cực thực ra là một phong cách sống. Cho tới khi tôi thực sự trải nghiệm nó.
Không có mặt trời nhưng ánh sáng của mặt trời vẫn còn đủ để làm người ta còn nhìn được thấy mặt nhau khoảng một vài tiếng giữa ngày. Có thể là một giờ hoặc lâu hơn chút cho tới khi mặt trời lặn xuống dưới đường chân trời và để lại thứ ánh sáng xanh tuyệt đẹp.
Người ta cũng sẽ thắp những chiếc đèn chùm lấp lánh toả ra cái thứ màu ấm áp giữa mùa đông mà ta dễ dàng bắt gặp khi nhìn qua những ô cửa kính của bất kỳ ngôi nhà nào ở đây. Họ cũng sẽ dùng nến, bên bậu cửa, trên bàn ăn. Ánh nến lung linh trong những căn nhà, trong các nhà hàng, quán xá. Và những ngọn đuốc nhỏ bên ngoài đường phố cũng sẽ được đốt lên. Cho dù mặt trời đi ngủ, hay ngủ quên tới mấy chục ngày trong năm, thì chúng tôi cũng không ai cảm thấy lạnh lẽo trong tâm hồn mình.