Khi Mima Ramirez sinh non hai tháng, cô bị cảnh sát bắt với cáo buộc cố ý giết người và chịu án tù 12 năm rưỡi.
Cristina Quintanilla, một phụ nữ El Salvador bị kết án tù 30 năm vì sảy thai nhi 7 tháng. Ảnh: News Team SG
“Nhớ lại chuyện này thật đau đớn”, Ramirez, sống ở El Salvador, nhỏ giọng nói, giải thích về 12 năm 6 tháng tù. “Tôi phải vào tù vì sinh non, và họ buộc tội tôi cố tình phá thai”.
The Guardian, bà mẹ 48 tuổi này vừa được trả tự do một năm, nhưng vẫn bị ám ảnh bởi luật cấm phá thai khắc nghiệt nhất thế giới.
Ramirez lúc đó 34 tuổi, đang mang bầu 7 tháng thì đột ngột lên cơn đau bụng rồi vào phòng tắm.
“Đó là lúc đứa bé ra đời”, cô nói, nhớ lại một người hàng xóm chạy sang giúp, sau đó lại tố cáo cô với chính quyền. “Cô ta nói rằng tôi muốn giết con. Tôi cứ tưởng cô ta là bạn, và cô ấy sẽ nói sự thật để giúp tôi, nhưng cô ta lại dối trá”.
Một giờ sau, cảnh sát đến và đưa Ramirez đi giam giữ.
“Tôi vẫn còn đang chảy máu”, cô nhớ lại. “Tôi còn sống là một phép màu. Tôi không được chăm sóc y tế. Mọi việc giống như một cơn ác mộng. Tôi chưa từng nghĩ mình sẽ phải đi tù”.
Nhưng đúng là cô đã phải vào tù. Cho dù đứa bé sống sót, nhưng cô bị buộc tội âm mưu giết người vì người hàng xóm khẳng định, cô hoài thai đứa bé khi ngoại tình với một người đàn ông khác. Sau 5 phút trình bày với luật sư được chính quyền chỉ định, Ramirez bị kết án 15 năm tù.
Không chỉ mình Ramirez bị bỏ tù. Những tổ chức nhân quyền cho biết, 17 phụ nữ El Salvador đã bị bỏ tù vô cớ vì sảy thai, và vô số người phải ngồi tù vì phá thai.
Đạo luật cấm phá thai
Trong khi một số quốc gia khác trong khu vực đã nới lỏng luật cấm nạo phá thai, thì El Salvador lại siết chặt hơn. Năm 1973, luật hình sự của nước này quy định, được phép phá thai trong trường hợp người mẹ bị hãm hiếp, thai nhi bị khuyết tật bẩm sinh hay tính mạng người mẹ gặp nguy hiểm.
Tuy nhiên, luật này vô hiệu từ khi hiến pháp sửa đổi mới công nhận con người hình thành từ khoảnh khắc thụ thai. Kết quả là, phá thai, hoặc sảy thai do cố ý phá thai – được xem như tội giết người, chịu án tù đến 40 năm.
Điều đó không ngăn cản việc phá thai chui vẫn xảy ra khắp nơi. Trích dẫn số liệu của bộ Y tế, Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết, từ năm 2005-2008, có gần 20.000 ca nạo phá thai ở El Salvador. Tuy nhiên, các tổ chức phi chính phủ (NGO) cho rằng, con số thực tế cao hơn nhiều.
Hàng trăm phụ nữ tử vong vì biến chứng nạo phá thai chui. Những người còn sống thì bị bắt và bỏ tù. Rủi ro pháp lý và sức khỏe của nạn phá thai chui là gánh nặng đối với cộng đồng nghèo.
Nhiều phụ nữ mù chữ, thiếu kiến thức về sức khỏe sinh sản. Rất ít người được phép có luật sư khi bị buộc tội. Trong khi những người giàu có bay tới Miami, Mỹ, để phá thai, thì phụ nữ nghèo chỉ còn cách ra tòa.
“Đáng thương thay, họ là những phụ nữ tới bệnh viện mong sự giúp đỡ, mà lại thấy mình ở trong tù”, Doris Rivas Galindo, thẩm phán tòa án tối cao nói. “Điều này không bao giờ xảy ra ở các bệnh viên tư”.
Người nghèo hiếm khi kháng án được lên tòa tối cao, Galindo cho biết. Bà đã kêu gọi tranh luận công khai về việc sửa đổi luật này. Bà nói rằng, từng chứng kiến nhiều vụ phụ nữ bị sảy thai và rồi bị hàng xóm tố cáo họ đã nạo hút thai.
Trong một phiên tòa khác, một thiếu nữ bị buộc tội giết người khi đẻ non và đứa trẻ bị chết. Bản thân cô bé không nhận ra mình đang có thai.
“Tôi tuyên bố cô bé vô tội”, Galindo nói. “Tôi cho rằng cô bé không cần phải ra tòa, nhưng tổng chưởng lý nhất định đòi đưa vụ án ra tòa”.
Giới luật sư chỉ trích cảnh sát và công tố viên không biết phân biệt giữa sảy thai và nạo phá thai.
“Họ nói rằng phụ nữ phải chịu trách nhiệm chăm sóc thai nhi”, Dennis Munoz, đại diện pháp luật cho hai người phụ nữ bị bỏ tù nói. “Thường là họ thiếu hiểu biết, không có ý định điều tra. Ngoài ra, còn bị ảnh hưởng của giáo luật. Tôi chứng minh đó là ca sảy thai nhưng tòa án không quan tâm”.
Ông cho rằng, luật chống nạo phá thai của El Salvador tồi tệ nhất thế giới, vì họ mặc định hỏng thai là tội lỗi. “Nếu một phụ nữ đi tới bệnh viện công trong tình trạng xuất huyết và có thể chết, đầu tiên, y bác sĩ sẽ chữa trị cho cô ấy rồi sau đó báo cảnh sát”, Munoz nói.
Munoz cũng cho rằng điều này không chỉ phá vỡ quy tắc giữ kín bí mật của bệnh nhân, mà còn đi ngược với nghĩa vụ chăm sóc người bệnh. Một vài vụ, phụ nữ còn bị còng tay vào giường. “Đó là một hình thức tra tấn. Họ không thèm quan tâm liệu đó là sảy thai cố ý hay tự nhiên”.
Tổ chức Ân xá Quốc tế kêu gọi chính quyền El Salvador trả tự do cho 17 phụ nữ bị giam giữ vì sảy thai. Ảnh: Facebook
“Đôi khi, nói thật là buồn, chúng tôi có bệnh nhân nữ bị còng tay vào giường. Vài vụ một năm”, Guillermo Ortiz, một bác sĩ sản tại bệnh viện phụ nữ công lớn nhất nước, thừa nhận.
Tuy nhiên, ông nói rằng bác sĩ không được lựa chọn vì họ có nghĩa vụ pháp lý phải báo cáo nghi phạm cho cảnh sát, nếu không, họ sẽ bị buộc tội đồng lõa.
“Chúng tôi đã có vài vụ bác sĩ bị đưa ra xét xử vì không báo cho nhà chức trách về một ca có thể là nạo phá thai. Mặc dù cuối cùng họ không bị kết tội, nhưng nó khiến họ mất thời gian, tiền bạc, và phải chường mặt ra báo chí”, Ortiz nói.
Ngay cả khi người phụ nữ mang thai gặp nguy hiểm tính mạng, ông vẫn buộc phải tư vấn cho họ tiếp tục thai kỳ cho đến lúc cận kề cái chết. Hai năm trước, vụ Beatriz gây chấn động toàn cầu, khi người phụ nữ 22 tuổi này suýt chết vì mang thai đứa bé không có não. Ortiz tuyệt vọng đến độ, khuyên bệnh nhân nên kiện mình. Tuy nhiên, thẩm phán từ chối cấp phép cho phá thai, cho đến phút cuối cùng của thai kỳ.
Oritz cho biết, Beatriz vẫn đang phải chi trả cho hậu quả của việc này. Cô bị rối loạn chức năng thận, hô hấp có vấn đề, huyết áp thấp.
“Nếu chúng tôi hủy thai kịp lúc 12 tuần, có thể thận cô ấy sẽ không sao”, Ortiz nói. Ông và đồng nghiệp tiếp tục đấu tranh với vài trường hợp tương tự, một số kết thúc khi người mẹ tử vong.
“Tôi đã hy vọng vụ của Beatriz sẽ thay đổi mọi thứ, nhưng chẳng có gì khác đi. Đôi khi tôi băn khoăn, ‘ý nghĩa của việc này là gì?'” ông than thở. “Không có chính trị gia nào dám đụng đến vấn đề này. Ngay cả bộ y tế cũng gặp rắc rối với nó”.
Quan niệm
Nhiều cuộc thăm dò dư luận cho thấy, người dân vẫn kịch liệt phản đối bất kỳ thay đổi về luật nào, ngay cả trong những vụ như Beatriz hoặc những vụ trẻ vị thành niên bị hiếp dâm.
“Kiếp người rất thiêng liêng. Ta không có quyền giết người vì một người khác sẽ phải đau khổ”, Carla de la Cayo, chủ tịch Quỹ Yes to Life, chuyên cung cấp nơi trú ẩn cho phụ nữ mang thai và cố gắng can ngăn họ không phá thai cho biết.
“Hoàn toàn không thể chấp nhận. Chỉ Chúa mới có quyền định đoạt mạng sống, đưa người ta đến bên ngài. Không ai có quyền cướp đi một mạng sống”, Elsy de Jesus Cabrera, một phụ nữ 73 tuổi, chăm đi nhà thờ vào chủ nhật cho biết.
Giữa bầu không khí này, thường có sự nghi ngờ hơn là cảm thông với phụ nữ mang thai bị mất con. Munoz cho biết 17 phụ nữ bị giam giữ vì sảy thai, chỉ có hai người được thả. Trong số còn lại, hầu hết đang thi hành án tù lên tới 40 năm. 6 người đang chờ bị kết án.
Manuela, một người trong số đó, đã chết trong tù. Cô đang là mẹ của hai bé gái khi được đưa vào cấp cứu ở bệnh viện, trong bụng là thai chết lưu. Các nhà chức trách buộc tội cô đã giết chết đứa bé vì đó là con ngoài giá thú. Cô bị kết án 30 năm tù. Sau khi bị kết án năm 2008, cô bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư máu trắng – căn bệnh có thể gây sảy thai – và chết hai năm sau đó.
Ủy ban nhân quyền liên Mỹ, một cơ quan thuộc Tổ chức các quốc gia châu Mỹ với 35 thành viên, đưa ra phán quyết cô đã phải chịu bất công, nhưng chính quyền El Salvador vẫn chưa xin lỗi hay bồi thường cho hai con gái của cô.
Người biểu tình giơ biểu ngữ đòi chính quyền cho phép Beatriz hủy thai. Ảnh: AFP
Kể cả Ramirez, người đã ngồi tù hơn 12 năm, cũng không được thông cảm hay tha thứ. Giờ đây cô đang làm lại cuộc đời, trở thành một đầu bếp và có mối quan hệ tuyệt vời với cô con gái tuổi thiếu niên – người mà Remirez bị cáo buộc đã cố ý giết hại. Trước đây, khi còn ngồi tù, thỉnh thoảng Remirez mới được gặp con.
“Con bé biết tôi ngồi tù, nhưng không biết lý do. Có một lần nó hỏi tôi: ‘Tại sao mẹ không giao lưu với hàng xóm?” Remirez nói. “Thỉnh thoảng tôi lại nổi giận khi nghĩ về những thứ từng trải qua. Mọi điều tôi muốn nói là, điều luật đó không công bằng”.
Hồng Hạnh