Để di chuyển 1 km bằng taxi, người Singgapore trả ít nhất 8.800 đồng, Thái Lan là 3.454 đồng, Campuchia là 5.500 đồng, còn giá ở Việt Nam là 11.000 đồng.
Theo báo cáo Chi phí Sinh hoạt Toàn cầu 2015 do Economist Intelligence Unit công bố, Singapore là quốc gia có chi phí sinh hoạt đắt đỏ nhất thế giới. Với khách du lịch hay chính người dân tại quốc gia này, taxi là phương tiện di chuyển đắt đỏ. Hệ thống taxi tại quốc đảo này vẫn được chia thành 2 loại bình dân và cao cấp, phân biệt bằng màu sơn xe.
Theo Hiệp hội taxi Singapore, giá mở cửa dao động từ 3 đến 4 SGD (khoảng 60.000 đồng). Cước phí tối thiểu là 0,55 SGD/km (8.800 đồng), phí chờ xe trong 45 giây là 0,22 SGD/lần. Singapore kiểm soát và hạn chế giao thông nên tính cước giờ cao điểm sáng 7h-9h30 và chiều 17h-20h tối là thêm 35% và từ 24h đêm đến sáng là 50%. Ngoài ra, khách hàng đặt xe phải trả thêm ít nhất 3,3 SGD, và các chi phí đỗ sân bay, cầu đường, vào cửa có liên quan.
Dù là quốc gia có chi phí sinh hoạt đắt đỏ nhất thế giới nhưng cước taxi tính theo km ở Singapore thấp hơn so với Việt Nam. Ảnh: TaxiSingapore.
Tại các nước khác ở châu Á, giá cước taxi lại khá rẻ. Ví như ở Thái Lan, theo số liệu của Bộ Giao thông nước này, khách hàng phải trả 35 baht (22.000 đồng) phí mở cửa. Cước phí trong 10 km đầu ở Thái Lan là 5,5 baht/km (3.454 đồng), và tăng dần lên 6,5-10,5baht/km tùy theo quãng đường mà hành khách di chuyển, theo nguyên tắc càng đi xa, phí càng tăng.
Với Campuchia, loại hình taxi mới trở nên phổ biến ở quốc gia này, bên cạnh những chiếc xe tuk tuk truyền thống. Xe taxi tại Campuchia phần lớn là dòng Toyota Camry với giá mở cửa khoảng 4.000 riel (22.000 đồng), nhưng cước phí trên mỗi km di chuyển chỉ là 1.000 riel, tương đương 5.500 đồng.
Trong khi đó, tại Việt Nam, giá cước taxi chủ yếu được phân theo vùng miền. Tại Hà Nội, khách phải trả 9.000-15.600 đồng/km, trong khi mức giá ở TP HCM dao động từ 11.000-15.000 đồng/km, và thay đổi theo nguyên tắc càng đi xa, phí càng giảm.
Tính đến cuối tháng 8/2014, số lượng taxi tại Hà Nội và TP HCM lần lượt là 17.000 và 12.000 xe, nhưng ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đánh giá, nhìn vào thị trường thực tế có cảm giác cung không đủ cầu. Còn ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam thừa nhận: “Thị trường vận tải lâu nay chưa được lành mạnh lắm”.
Tính đến cuối tháng 8/2014, số lượng taxi tại Hà Nội và TP HCM lần lượt là 17.000 và 12.000 xe.
Vì sao cước taxi Việt Nam cao chót vót?
Theo số liệu của Bộ Giao thông Vận tải, tỷ lệ số km chạy rỗng của ngành taxi hiện chiếm khoảng 30-50%. Trong khi đó, chi phí cho mỗi chiếc xe taxi ở Việt Nam, theo các lãnh đạo công ty vận tải, là khoảng 1-1,2 triệu đồng/ngày, gồm cả khấu hao, xăng xe, lương nhân viên, bảo hiểm, xử lý tai nạn… Vì vậy, mỗi km dùng taxi, khách hàng phải trả gấp đôi chi phí thực để bù lỗ cho doanh nghiệp, còn các đơn vị khai thác dịch vụ vẫn kêu “phải chạy dưới giá thành”.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, nguyên nhân chính của hiện tượng thu giá cao nhưng vẫn kêu lỗ của một số hãng taxi tại Việt Nam là hiệu quả sử dụng công nghệ chưa cao.
“Nếu ứng dụng công nghệ thông tin sẽ tiết kiệm được số xe, hiệu suất sử dụng xe cao hơn. Thay vì xã hội phải bỏ ra 17.000 hay 20.000 xe thì chỉ cần đầu tư 10.000 – 12.000 xe và tiết kiệm được đến 90% chi phí xe chạy rỗng”, ông Hùng khẳng định.
Trong khi đó, ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc taxi Ba Sao cho biết, giá cước cao, trước hết, là do giá đầu tư mua xe quá đắt.
“Giá ôtô ở Việt Nam hiện nay gần như đắt nhất thế giới. Chúng tôi đầu tư một chiếc Hyundai i10 là 400 triệu, cộng thêm thuế phí đăng ký kinh doanh là 470 triệu đồng. Cùng số tiền này mang sang Thái Lan có thể mua được 2 chiếc Toyota Vios”, ông Huy dẫn giải.
Ngoài giá xe đắt đỏ, ông Vũ Quốc Huy bổ sung thêm yếu tố lãi suất. Giai đoạn từ năm 2011 tới 2014, doanh nghiệp phải chịu mức lãi suất lên tới 21%. Thời điểm hiện tại, mức này có giảm, “dễ thở hơn” nhưng vẫn là yếu tố gây sức ép lên vốn đầu tư.
Giá xăng giảm nhưng cước taxi ít thay đổi
Giá xăng giảm nhưng cước taxi thường không giảm tương ứng. Ảnh minh họa
Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội taxi TP HCM cho biết, mức cước taxi thay đổi tùy thuộc vào giá nhiên liệu, song phải phù hợp với thị trường. “Doanh nghiệp không phải muốn đưa giá như thế nào cũng được. Nếu đưa ra một mức giá rẻ chiều lòng dân nhưng doanh nghiệp sạt nghiệp, phá sản thì các hãng taxi không thể làm được”, ông Hỷ nói.
Ở góc độ khác, ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho hay, chi phí để điều chỉnh giá khá lớn và cũng mất thời gian. Vì thế, các hãng taxi không thể điều chỉnh giá “xoành xoạch” theo chu kỳ 15 ngày như xăng được.
Khẳng định hãng taxi của mình hoàn toàn có thể điều chỉnh giá cước theo biến động thị trường, nhưng ông Vũ Quốc Huy đưa ra điều kiện: “Nếu nhà nước chấp nhận ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại vào công tác quản lý và cấp quyền cho doanh nghiệp tự kê khai giá”.
Ông Huy cho biết, hiện tại, công tác kiểm định ở Việt Nam vẫn thao tác thủ công, tốn nhiều chi phí trung gian, khó quản lý và gây khó khăn trong triển khai thay đổi giá cước.
Ngoài ra, theo ông Huy, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và vận hành taxi cũng giúp doanh nghiệp tiết kiệm được nhiều khoản chi phí trung gian so với phương thức truyền thống.
10 xe chạy tới phục vụ 1 người
“Chỉ có ở Việt Nam mới có chuyện gọi 1 cuốc taxi có tới 10 xe chạy đến. 10 xe đến chỉ phục vụ 1 người đi, và khách hàng phải chịu chi phí cho cả 9 xe chạy dẫm tuyến còn lại. Bên cạnh đó là trình độ quản trị doanh nghiệp lạc hậu. Mọi thứ cứ khoán cho lái xe với tỷ lệ 65 – 35, 40 – 60 hoặc 30 – 70. Với cách thức quản trị gồm hộp đen, đội ngũ quản lý đài, cộng thêm số lượng lớn người đi thanh kiểm tra nội tại khiến chi phí giá thành lên rất cao. Khi giá thành cao thì giá cước phải cao”, Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia
(Theo Zing)