Tổng thống Mỹ và chủ tịch Trung Quốc hôm qua nhất trí làm việc cùng nhau để đạt được thỏa thuận toàn cầu về cắt giảm khí nhà kính tại hội nghị của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc họp. Ảnh: Reuters
Trong cuộc thảo luận song phương với người đồng cấp Trung Quốc, Tổng thống Barack Obama cho biết việc hai nước năm ngoái tự cam kết giảm phát thải đã giúp thúc đẩy các nước khác làm theo.
Lãnh đạo hơn 140 nước đã tới hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc tại Paris, với những lời hứa hẹn và kỳ vọng, khi họ tìm cách ngăn ấm lên toàn cầu.
“Là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và hai nước phát thải nhiều khí carbon nhất, chúng ta cùng quyết tâm rằng trách nhiệm của chúng ta là hành động”, ông Obama nói, bên cạnh là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. “Sự lãnh đạo của chúng ta về vấn đề này trở nên thực sự thiết yếu”.
Ông Obama cho biết hai nước sẽ làm việc cùng nhau tại cuộc thảo luận để đạt thỏa thuận hướng tới một nền kinh tế toàn cầu với lượng carbon thấp trong thế kỷ này, và hỗ trợ tài chính “mạnh mẽ” để những nước đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ông Tập thì nói hai nước sẽ làm việc vai kề vai để đảm bảo hội nghị Paris đạt được các mục tiêu, và ông nhấn mạnh hợp tác Mỹ – Trung vào thời điểm thế giới đang gặp nhiều thách thức là điều cấp thiết.
“Kinh tế thế giới đang hồi phục chậm, khủng bố đang gia tăng và biến đổi khí hậu là một thách thức khổng lồ. Tình hình thế giới đang có nhiều bất ổn và bất định hơn”, ông nói qua người phiên dịch.
Sau cuộc gặp, Nhà Trắng cho biết ông Obama hối thúc Trung Quốc thực hiện cam kết về an ninh mạng ông Tập đưa ra khi tới Nhà Trắng hồi tháng 9. Tổng thống Mỹ cũng “nhấn mạnh nhu cầu xử lý các vấn đề khu vực, trong đó có những sự khác biệt về vấn đề hàng hải, một cách hòa bình, theo luật quốc tế”. Obama còn khuyến khích ông Tập tiếp tục cải cách kinh tế, để các công ty Mỹ “cạnh tranh công bằng trên thị trường Trung Quốc”, Nhà Trắng cho hay.
Hội nghị ở Paris dự kiến kéo dài tới ngày 11/12, nhằm đạt thỏa thuận dành cho tất cả các nước và hạn chế tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở mức dưới 2 độ C vào cuối thế kỷ XXI so với thời kỳ tiền công nghiệp 1850-1990.