Người nông dân xây cầu cho dân bản

Xót ruột khi người thân rơi xuống dòng nước xiết lúc vượt sông Bắc Khê mùa lũ, anh Hưng đem tất cả số tiền dành dụm của gia đình để xây cầu bê tông cho dân bản.
Giữa trưa ngày cuối tháng 12/2015, anh Phan Văn Hưng (43 tuổi, xã Tân Tiến, Tràng Định, Lạng Sơn) chạy xe từ chợ về, người và xe lấm lem bùn đất sau cơn mưa. Anh hồ hởi khoe từ ngày có cầu bắc qua sông Bắc Khê, xe máy mang về tận nhà, không còn phải gửi hàng xóm bên sông.

Xóm nhỏ nơi gia đình anh Hưng sinh sống có 6 hộ, ngăn cách với trung tâm xã Tân Tiến bởi sông Bắc Khê. Mỗi ngày để đi chợ, đi học, gần 30 con người trong xóm phải vượt sông bằng bè mảng, cầu tre sang trung tâm xã. Hơn 50 hộ dân trong thôn Bản Châu hầu như nhà nào cũng có ruộng hoặc vườn rừng bên kia sông nên vẫn phải qua lại để đi làm. Mỗi năm, cây cầu tre được bắc tạm qua sông nhưng cứ đến mùa lũ, nước lại cuốn phăng.

Không có cây cầu chắc chắn, cũng không có con đường vòng nào khác, việc đi học, đi làm, vận chuyển hàng hóa nông sản của người dân hai bên bờ sông trở nên khó khăn. Nhiều khi mưa mãi không ngớt, nước lũ đổ về khiến các hộ dân bị cô lập, phải dự trữ đồ ăn khô cả tháng. Trúng mùa thu hoạch, nhà nào không kịp gặt thì thóc, ngô mọc mầm ngoài ruộng gần hết, vụ đó coi như mất trắng.


Anh Phan Văn Hưng dốc hết số tiền tích cóp của gia đình để xây cầu bằng cáp treo bê tông cho bà con thôn bản. Ảnh: Hồng Vân
Năm 2008, người em họ của anh Hưng chạy xe qua chiếc cầu tre cũ đúng lúc lũ về, cầu sập, cả người và xe rơi xuống dòng nước xiết. May mắn người em họ bơi vào bờ an toàn, còn chiếc xe hỏng trôi xa gần một km, phải nhờ cả chục người mò vớt. Xót ruột, trăn trở nhiều đêm, anh Hưng quyết định xây bằng được cầu kiên cố.

“Biết chuyện tôi muốn xây cầu, ban đầu vợ lăn tăn lắm vì hai đứa con còn nhỏ, vợ chồng tôi quanh năm bận bịu với ruộng vườn đủ ăn là tốt rồi. Nhưng nghĩ đến việc đi lại bất tiện, khi xây nhà chưa có cầu phải gánh từng chồng gạch lội sông rất cực nhọc, cô ấy đã gật đầu”, anh Hưng chia sẻ.

Năm 2009, anh Hưng tham khảo, nhờ người thiết kế xây cầu. Vợ chồng anh gom góp số tiền tích lũy nhiều năm rồi vay mượn mọi người để mua vật liệu. Tính toán xây cầu vào thời điểm mùa khô khi nước sông Bắc Khê xuống thấp nhất, cuối năm đó anh bắt tay vào thực hiện.

Tổng số tiền anh đầu tư gần 100 triệu đồng. Bà con trong làng xúm vào giúp đỡ ngày công lao động. UBND xã Tân Tiến ủng hộ 3 tấn xi măng, khi cây cầu khánh thành, UBND huyện Tràng Định tặng anh Hưng 10 triệu đồng.

“Thời gian tôi làm cầu vào mùa đông nhưng mưa nên quá trình thực hiện bị gián đoạn. Khó khăn nhất là việc đổ trụ bê tông, bao nhiêu tre trong vườn nhà đều chặt hết để bắc giàn và phục vụ xây dựng. Nhờ anh em hàng xóm nhiệt tình giúp đỡ nên đến ngày 19/5/2010 chiếc cầu được khánh thành”, anh Hưng kể.

“Cầu anh Hưng” làm bằng cáp treo bê tông dài 40 m, rộng 1,8 m, cao so với mực nước sông 8 m, có 4 trụ chính và 2 trụ phụ. Nhờ công trình này, việc đi lại của người dân trong xóm và thu hoạch mùa màng của người dân thôn Bản Châu, xã Tân Tiến đã thuận lợi hơn nhiều.


Nhờ có “cầu anh Hưng” mà bà con Bản Châu không còn lo lắng mỗi khi mùa nước lũ. Ảnh: Hồng Vân
Nhắc đến khoản tiền vay mượn làm cầu, anh Hưng im lặng một lúc mới kể, cầu xây xong, con gái út lúc đó mới 4 tuổi bị viêm não, vợ chồng anh thay nhau trông nom tại bệnh viện ở Hà Nội. Trong suốt một năm liền, tiền bạc, của cải trong nhà theo đó ra đi.

“Cầu sử dụng được 5 năm mà chúng tôi chưa trả hết nợ, cứ vay chỗ này đập vào chỗ kia. Nhưng khi nào gom đủ tiền vợ chồng tôi sẽ sửa lại lan can cho vững chắc, có cầu cho bà con di chuyển thuận tiện là hạnh phúc rồi”, anh nói.

Thu nhập của gia đình anh Hưng trông cả vào mấy sào ruộng, nương. Hiện tại, cậu con trai lớn học đại học, cô con gái út bị di chứng viêm não nên không được nhanh nhẹn như những đứa trẻ khác, mặc dù đã vào lớp 1.

Ông Phan Văn Vĩnh, Bí thư Đảng ủy xã Tân Tiến cho hay, nhờ chiếc cầu của anh Hưng mà khi mưa lũ, những hộ dân bên sông không còn lo bị “cô lập”, học sinh vẫn có thể đến trường. “Việc làm của anh Hưng rất đáng hoan nghênh”, ông Vĩnh nói.

Tuyển dụng xuất khẩu lao động Đài loan

Thông báo tuyển trực tiếp xuất khẩu lao động Nhật Bản

comments

Nội dung liên quan