Đặc khu kinh tế: Được và mất (*): “Khu thí điểm” cho thuê 99 năm trả giá

Dự án ước tính trị giá 3,8 tỉ USD do Trung Quốc đầu tư tại tỉnh Koh Kong – Campuchia đang nổi lên như một khu vực kinh tế khép kín cho lao động, các nhà đầu tư và du khách Trung Quốc

Đặc khu kinh tế Koh Kong đang được Trung Quốc xây dựng trên một khu đất 45.000 ha của Campuchia với cảng nước sâu, sân bay quốc tế và các cơ sở hạ tầng khác như một thành phố thực thụ.

Dọn đường

Năm 2008, chính quyền Campuchia đã trao cho Tập đoàn Phát triển Liên hiệp Thiên Tân (UDG) của Trung Quốc hợp đồng thuê thời hạn 99 năm vùng đất chiếm khoảng 20% đường bờ biển này với mức giá chỉ 30 USD/ha để xây dựng đặc khu kinh tế. Hiệp hội Các nhà xây dựng Campuchia (CCA) ước tính công trình sân bay quốc tế (vẫn chưa xây dựng) của “khu thí điểm” này có thể đón đến 10 triệu lượt khách/năm.

Theo trang Asia Times, bề ngoài dự án tập trung cho kinh doanh du lịch như một khu nghỉ dưỡng ven biển Dara Sakor nhưng trên nhiều phương diện, nó không khác gì đang dọn đường cho một khu định cư của người Trung Quốc. Trong khi chính quyền Campuchia nêu cao lợi ích kinh tế của đặc khu với người dân, không ít chuyên gia chỉ trích nó đang dần trở thành một khu vực kinh tế khép kín dành cho công nhân, các nhà đầu tư và du khách Trung Quốc.

Công trình cảng nước sâu thuộc dự án Koh Kong tại Campuchia của tập đoàn UDG Trung Quốc Ảnh: C4ADS

Đáng chú ý, diện tích dự án chiếm tới 45.000 ha, trong khi luật đất đai Campuchia chỉ cho phép thuê đất không quá 10.000 ha. Trong diện tích cho thuê còn có một phần đất trước đó từng nằm trong diện bảo vệ thuộc Vườn Quốc gia Botum Sakor nhưng rồi lại được phép mua bán. Tranh chấp thường xuyên nổ ra giữa cư dân địa phương cùng các nhà hoạt động môi trường với công ty Trung Quốc. Theo tổ chức phi lợi nhuận Licadho của Campuchia, một số người dân nói rằng họ bị lực lượng an ninh cưỡng chế ra khỏi mảnh đất của mình.

Các chuyên gia phân tích nếu đặc khu Koh Kong được xem như một hình mẫu, Phnom Penh có thể sẽ hy sinh những lợi ích kinh tế lâu dài. Còn Trung Quốc sẽ tận dụng tầm ảnh hưởng để biến nước này thành căn cứ cho mục tiêu chiến lược lớn hơn của họ không chỉ ở khu vực Đông Nam Á.

Ý đồ sâu xa

Báo cáo gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng cấp cao Mỹ (C4ADS) cảnh báo rằng Koh Kong dường như là một phần trong kế hoạch lớn hơn của Trung Quốc với mục đích sau cùng là thiết lập các tiền đồn hải quân trong khắp khu vực. Báo cáo mang tên “Tham vọng bến cảng” chỉ rõ Koh Kong là 1 trong 3 hình mẫu hàng đầu trong kế hoạch của Trung Quốc, xét theo quy mô đáng kể của dự án này.

Nguyên phó thủ tướng thường trực Trung Quốc Trương Cao Lệ, lãnh đạo cấp cao của Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc, là người bảo trợ dự án ngay từ đầu. Không còn nghi ngờ gì về tầm quan trọng của dự án Koh Kong với Bắc Kinh nhưng lợi ích đối với Campuchia lại chưa mấy rõ ràng. “Trong khi dự án tại tỉnh Koh Kong mang tiềm năng tăng cường lợi ích trong nước và quốc tế của Trung Quốc, người dân địa phương, môi trường và thu nhập tương lai tiềm năng của Campuchia đều phải trả giá” – báo cáo của C4ADS kết luận.

Theo GS Bates Gill thuộc Đại học Macquarie (Úc), tình cảnh của Koh Kong tương tự nhiều dự án khác của Trung Quốc trong khu vực và trên khắp thế giới. Vị chuyên gia nghiên cứu về an ninh châu Á – Thái Bình Dương này chỉ rõ các dự án của Trung Quốc nhìn chung đều sử dụng nhân công nước họ thay vì tạo điều kiện đôi bên cùng có lợi với nước chủ nhà, thế nên họ luôn thu lợi nhiều nhất. Ông Gill cũng cho rằng Trung Quốc có thể theo đuổi cả lợi ích kinh tế lẫn ảnh hưởng chiến lược với dự án Koh Kong, 2 động cơ này không nhất thiết phải loại trừ lẫn nhau.

Những người chỉ trích dự án cho rằng Tập đoàn UDG đã dùng xảo thuật để giành quyền sử dụng đất. Công ty này ban đầu đăng ký là một công ty nước ngoài trước khi đổi thành UDG Campuchia để giành quyền thuê đất. Sau đó, họ lại quay trở lại là công ty Trung Quốc.

GS Carl Thayer, chuyên gia nghiên cứu Đông Nam Á tại Học viện Quốc phòng Úc, khuyến cáo Koh Kong sẽ cùng chung số phận với các dự án khác trong khuôn khổ BRI, như cảng Hambantota ở Sri Lanka, các căn cứ quân sự ở Djibouti và thỏa thuận cho thuê cảng tới 99 năm của TP Darwin ở Bắc Úc. Cảng Koh Kong hiện tại chưa mấy quan trọng nhưng tầm ảnh hưởng của nó sẽ tăng cao một khi dự án kênh đào ở Thái Lan được thực hiện, bởi kênh đào này sẽ rút ngắn đáng kể tuyến đường hàng hải từ Trung Đông tới châu Á.

Bắc Kinh từ lâu đã tìm cách giải quyết cái gọi là “thế tiến thoái lưỡng nan ở Malacca” – chốt chặn chiến lược tiềm tàng nằm giữa Malaysia và Indonesia, có thể bị Mỹ hay bất cứ thế lực thù địch nào khác phong tỏa trong trường hợp xảy ra xung đột. Lượng hàng hóa nhập khẩu và xuất khẩu rất lớn của Trung Quốc đi qua eo biển hẹp này, trong đó có tới 80% nhiên liệu nhập khẩu của nền kinh tế số 2 thế giới. Một đề xuất để hóa giải thế bí Malacca là mở kênh đào ở Thái Lan – một khi được thực hiện, kênh đào này sẽ biến cảng Koh Kong ở phía đối diện vào vị trí chiến lược!

Trong khi chuyện mở kênh đào Thái Lan đã được nghĩ tới từ thế kỷ XVI nhưng vẫn chỉ là ước mơ, GS Thayer lưu ý rằng Trung Quốc đang không ngại vung tiền khắp nơi và các điều khoản trong thỏa thuận với Campuchia thuận lợi tới mức hoàn toàn hợp lý để xây dựng một căn cứ tiềm năng ở Koh Kong. Báo cáo của C4ADS nêu trên cũng đề cập khía cạnh này. Theo đó, cảng Koh Kong, vốn có đủ độ sâu để neo những tàu chiến và tàu khu trục, có khả năng để sử dụng như là một căn cứ quân sự trong tương lai.

Mọi thông tin liên hệ :

Công ty cổ phần Cung ứng Nhân lực và Thương mại Quốc tế INTERSERCO

Địa chỉ: 164 c4 khu đô thị Đại kim hoàng mai Hà Nội

ĐT, zalo, fb, line : 0966606057 – 0989.988.704

Skype: laodongquocte.net

Email: laodongquocte.net@gmail.com

Thông báo tuyển dụng trực tiếp xuất khẩu lao động Đài Loan

Du học Đài Loan

comments

Nội dung liên quan