Mô hình này đã đem lại hiệu quả cao trong phát triển kinh tế gia đình và góp phần vào sự phát triển chung của huyện Vĩnh Bảo.
Cách đây gần chục năm, khu vườn rộng hơn 4 mẫu của gia đình ông Mạnh chỉ là một mảnh đất cằn cỗi. Mảnh đất nằm xa khu dân cư, xa hệ thống thủy lợi, lại thường xuyên bị chuột bọ phá hoại nên việc trồng lúa không đạt hiệu quả, thường xuyên mất mùa.
Trăn trở về điều này, ông Mạnh đã tìm cách cải tạo vùng đất hoang hóa này, chuyển đổi mô hình sang làm vườn, trồng cây ăn quả. Bao năm loay hoay trong việc chuyển đổi cây trồng này sang cây trồng khác với nhiều lý do, cuối cùng vào năm 2011 tình cờ ông Mạnh được bạn bè giới thiệu cho giống ổi lê Đài Loan. Sau khi cùng vợ lặn lội lên Hà Nội để tìm hiểu giống ổi này, gia đình ông Mạnh đã mạnh dạn trồng thử nghiệm trên 2 sào đất của gia đình.
Ông Mạnh chăm sóc vườn ổi lê.
Chỉ tay vào vườn ổi sai trĩu quả, ông Mạnh cho biết: “Trước tôi chỉ làm màu nhưng làm màu thì may rủi lớn, nên tôi quyết định chuyển sang cây ăn quả vì trồng cây ăn quả có mưa cũng không hỏng mà thu nhập lại đều đều quanh năm. Thấy giống ổi lê Đài Loan khá lạ, lại chưa được đưa vào thâm canh tại địa phương nên gia đình tôi quyết định trồng thử. Lúc đầu tôi cũng lo lắng về năng suất cây trồng, chỉ dám thử trồng trên 2 sào ruộng. Nhưng may mắn thay, chất đất ở đây lại phù hợp để giống cây này phát triển, hiện tại gia đình tôi đã mở rộng ra trồng trên 4 mẫu”.
Theo ông Mạnh, giống ổi lê Đài Loan dễ thích nghi với môi trường, nhanh cho quả, quả lại to mà ít hạt (trọng lượng quả trung bình 3 – 4 lạng/quả; riêng quả ra lứa đầu có thể đạt 7 – 8 lạng/quả). Khi chín thịt quả giòn, mềm lại phảng phất mùi thơm nhẹ của lê. Đặc biệt, muốn ổi cho quả to, ngon cần phải chăm bón từ lúc mới ra hoa, thường xuyên vun đất và xới tơi gốc để rễ ổi phát triển tốt, đồng thời cắt đi những cành lá quanh gốc để tạo sự thông thoáng cho cây và giúp cây nuôi trái.
Khi quả to bằng ngón tay cái thì phải dùng túi bọc chuyên dụng để bọc quả. Việc bọc quả sẽ giúp quả tránh được côn trùng gây hại và giúp cho quả ổi được thơm ngon, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm. “Giống ổi này không cần nhiều phân bón và rất ít sâu bệnh nên không tốn nhiều chi phí đầu tư. Giống ổi này còn đặc biệt ở chỗ, gia đình tôi có thể chủ động trong việc ra quả của cây. Sau mỗi đợt thu hoạch, phải cắt cành để cây tiếp tục ra chồi, đơm hoa và kết quả” – ông Mạnh cho biết.
Nhờ mạnh dạn đầu tư, chịu khó nghiên cứu về giống ổi này, những năm trở về đây, ông Mạnh đã tự chiết cành, nhân giống mà không phải mua hay nhập giống từ bên ngoài. Được biết, giống ổi này chỉ trồng sau 1 năm là cho thu hoạch. Trung bình 1ha có thể trồng 600 – 700 cây, 1 cây có thể cho thu hoạch 60 – 70kg/năm; giá bán trung bình vào khoảng 25.000 đồng/kg.
“Mỗi ngày gia đình tôi thu hoạch được khoảng 1 tạ ổi, trừ mọi chi phí tôi thu về khoảng 1 triệu đồng, ước tính mỗi năm gia đình tôi thu được hơn 300 triệu đồng. Hiện nay, gia đình tôi chủ yếu phân phối sản phẩm cho một số cửa hàng rau quả sạch, nhìn chung vẫn không đủ sản phẩm để cung ứng ra thị trường” – ông Mạnh phấn khởi cho hay.
Vườn ổi của gia đình ông Mạnh đang tạo công ăn việc làm ổn định cho 4 lao động địa phương với thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng.